Các thành viên của Đề tài là ThS. Phạm Thị Hương Giang và NCV. Đinh Đức Thiện.
3 thành viên đề tài (từ trái sang): Hoàng Kim Khuyên, Phạm Thị Hương Giang,
Đinh Đức Thiện
Đề tài gồm 3 chuyên đề:
- Những vấn đề lý luận về pháp luật quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam;
- Thực trạng quy định và thực thi quyền, trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài của Nhà nước và người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật hiện nay;
- Thực trạng, giải pháp về pháp luật quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam.
Về khái niệm, theo Nghị định 11/2016/NĐ-CP, lao động nước ngoài là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức hợp đồng lao động và các hình thức khác. Dựa trên việc phân tích các quy định trong Công ước Quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả người lao động di trú và thành viên gia đình họ năm 1990, lao động nước ngoài được hiểu là người lao động không có quốc tịch ở nước sở tại. Quản lý lao động nước ngoài là một quá trình tác động của chủ thể quản lý vào quan hệ lao động giữa một bên là người sử dụng lao động với một bên là là người lao động không phải là công dân nước sở tại.
Trong chuyên đề, ThS. Hoàng Kim Khuyên đã chỉ ra các đặc điểm của quản lý lao động nước ngoài, bao gồm chủ thể, phạm vi và mục đích quản lý. Từ những lập luận này, tác giả đưa ra khái niệm và nguyên tắc của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài. Theo đó, pháp luật quản lý lao động nước ngoài là tổng thể các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong việc Nhà nước tác động vào đối tượng quản lý là người nước ngoài theo các nguyên tắc cơ bản là tôn trọng quyền con người, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam là một vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật đặc biệt là pháp luật lao động. Việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là việc làm cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa với tốc độ nhanh chóng như hiện nay.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia thu hút rất nhiều các dự án đầu tư nước ngoài và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì thế, số lượng lao động nước ngoài sẽ tiếp tục tăng lên là xu thế tất yếu.
Về cơ bản, các doanh nghiệp, tổ chức và dự án đã đi vào hoạt động chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài. Tuy nhiên, đối với các dự án có quy mô lớn, đang trong quá trình xây lắp, có nhiều nhà thầu nước ngoài tham gia thi công thì việc chấp hành các quy định pháp luật của các nhà thầu nước ngoài (chủ yếu là nhà thầu Trung Quốc) còn nhiều bất cập như: sử dụng nhiều lao động nước ngoài, đưa lao động sang trước khi có giấy phép; một số dự án công tác đảm bảo an ninh trật tự khó thực hiện do lao động nước ngoài ở phân tán...
Nguyên nhân của những tồn tại trên trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật của các nhà thầu, do yếu tố địa lý có chung đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc; chính sách pháp luật còn những nội dung chưa phù hợp (chưa có quy định cụ thể về quản lý lao động nước ngoài làm việc cho các nhà thầu); một số địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn.
Từ những nhận định trên, trong thời gian tới, các thành viên đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về quản lý lao đông nước ngoài.
Sau đó, các cán bộ nghiên cứu trong Viện đã nhiệt tình đưa ra nhiều ý kiến, góp ý về đề tài, chẳng hạn như:
- Phân chia các loại lao động nước ngoài;
- Về mục đích quản lý, cần nêu rõ mặt tích cực, hạn chế của lao động nước ngoài;
- Đề tài cần phân tích dựa trên việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP và là thành viên của Cộng đồng ASEAN;
- Quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội của lao động nước ngoài.