•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo "Pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay"

16/10/2012
Hội thảo khai mạc với lời phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Như Phát – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật. Thay mặt cho đơn vị đồng tổ chức, bà Rabea Brauer – Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS tại Hà Nội đã phát biểu chào mừng các đại biểu và nhà khoa học đến dự và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Mở đầu là bài tham luận "Bảo đảm sự phát triển bền vững – Mục tiêu của pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam" của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật). Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
 


PGS.TS. Phạm Hữu Nghị
 

Như vậy, phát triển bền vững không chỉ đơn thuần là sự phát triển được duy trì một cách  liên tục mà ở đây là sự nỗ lực liên tục nhằm đạt được trạng thái bền vững trên mọi lĩnh vực. Phát triển bền vững là một quá trình duy trì sự cân bằng cơ học của đòi hỏi con người với tính công bằng, sự phồn vinh, chất lượng cuộc sống và tính bền vững của môi trường tự nhiên.

Bàn về pháp luật về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), ThS. Phạm Thanh Tuấn (Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Bộ TN&MT) cho biết vai trò và việc thực hiện ĐTM trong phát triển bền vững ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Pháp luật về ĐTM chưa quy định thật sự rõ ràng về việc phê duyệt báo cáo ĐTM dẫn đến các nội dung được phê duyệt quá rộng so với thưc tế (ví dụ: các nội dung về số liệu đo đạc, phân tích các thông số môi trường khu vực thực hiện dự án,…). Do vậy, trong thời gian tới, khi sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, việc phê duyệt báo cáo ĐTM phải cụ thể hóa các nội dung được phê duyệt. Ngoài ra, ĐTM phải được thực hiện trước khi quyết định địa điểm đầu tư dự án, cũng như cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án. Báo cáo ĐTM được phê duyệt phải trở thành một trong các điều kiện của việc cấp giấy chứng nhận đầu tư.
 


Vấn đề quản lý môi trường theo lưu vực sông và phát triển bền vững cũng được các nhà khoa học quan tâm và thảo luận. Về bản chất, các lưu vực sông cung cấp các nguồn tài nguyên quý giá cho sản xuất và sinh hoạt, bảo vệ sự sống của con người và hệ sinh thái, là môi trường tiếp nhận, chuyển tải và tự làm sạch các chất thải và là nơi tập hợp nhiều loại hàng hóa tự nhiên có giá trị về mặt kinh tế. Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ môi trường lưu vực sông đang đứng trước nhiều thách thức và mâu thuẫn, đó là: giữa yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững với lợi ích tăng trưởng kích tế trước mắt của các địa phương; giữa năng lực quản lý môi trường còn nhiều bất cập với những đòi hỏi của thực tiễn đang ngày càng bức thiết; giữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường còn lạc hậu với khối lượng nước thải xả vào môi trường nước ngày càng gia tăng,…

Để ngăn chặn có hiệu quả ô nhiễm môi trường nước ở các hệ thống sông, ThS. Nguyễn Hoài Đức (Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Bộ TN&MT) đề xuất một số biện pháp cần được thực hiện quyết liệt, đó là:
    -    Cập nhật thống kê, quản lý và kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trên lưu vực sông;
    -    Khẩn trương xây dựng và tiến hành thực hiện các dự án, chương trình khắc phụ ô nhiễm môi trường lưu vực sông;
    -    Tăng cường mạnh mẽ việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm Luật Bảo vệ môi trường;
    -    Quốc hội và HĐND các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường và pháp luật về tài nguyên nước trên các lưu vực sông, đặc biệt là các vùng “nóng”;
    -    Xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông.


Ngoài ra, các nhà quản lý và nhà khoa học đã lắng nghe và trao đổi về yêu cầu phát triển bền vững đi liền với các vấn đề: pháp luật về đa dạng sinh học, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường, kiểm soát ô nhiễm làng nghề và pháp luật bảo vệ môi trường biển.
 

Các tin cùng chuyên mục: