•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Bối cảnh mới, các yêu cầu đặt ra và giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”

18/12/2023
Hội thảo tổ chức vào ngày 08/12/2023 tại Hội trường tầng 1, trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là hội thảo nằm trong kế hoạch thực hiện Đề tài cấp nhà nước mã số KX.04.14/21-25 do TS. Phạm Thị Thúy Nga là chủ nhiệm.

TS. Phạm Thị Thúy Nga (giữa, bên phải) và PGS.TS. Lê Mai Thanh đồng chủ trì hội thảo

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật, Chủ nhiệm đề tài) và PGS.TS. Lê Mai Thanh (Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, thành viên chính đề tài) chủ trì hội thảo.

 

Mở đầu, TS. Phạm Thị Thúy Nga giới thiệu mục tiêu của hội thảo và gợi ý các đại biểu đưa ra ý kiến thảo luận, tập trung trao đổi về các nội dung: Thứ nhất, xác định những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế trong quan hệ với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); Thứ hai, xác định những nội dung trọng tâm và giải pháp đột phá trong chính sách, pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đề tài nhìn nhận đây là những vấn đề rất lớn nên mong được tiếp nhận tất cả các ý kiến, có thể là quan điểm, ý tưởng mới, còn sơ khai đến những ý tưởng có chiều sâu và độ chín.

 

PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ

 

Tại Hội thảo,  PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ (Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) nhận diện bối cảnh mới để xác định các yêu cầu đổi mới chính sách, bên cạnh vấn đề kinh tế số đã được bàn nhiều, hệ thống pháp luật kinh tế cần đặt trọng bối cảnh mới gồm ít nhất 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, đó là hoàn thiện thể chế phát triển KTTT trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và thực hành dân chủ XHCN; Thứ hai, bối cảnh toàn cầu hóa thương mại, đầu tư vẫn là xu hướng chủ đạo cùng với sự đan xen các thách thức không nhỏ từ sự gia tăng của xu hướng bảo hộ thương mại cũng như những diễn biến phức tạp của cạnh tranh địa chính trị trên thế giới; Thứ ba, bối cảnh các mô hình kinh tế mới đã và đang ngày càng xuất hiện dưới sự tác động của hai yếu tố là kinh tế số và quan điểm phát triển bền vững. PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ cũng chỉ ra 7 nội dung trọng tâm, nền tảng của pháp luật kinh tế cần đổi mới: Pháp luật về quyền sở hữu; Pháp luật về quyền tự do kinh doanh cần tiếp tục hoàn thiện theo nguyên tắc chọn bỏ; Pháp luật về các mô hình doanh nghiệp (đặc biệt là mô hình công ty); Pháp luật về hợp đồng cần tiếp tục hoàn thiện; Pháp luật về tài phán theo hướng mở rộng các hình thức giải quyết tranh chấp thay thế; Pháp luật về quản lý nhà nước về kinh tế; Pháp luật kinh tế trong nhiều lĩnh vực cụ thể đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

 

TS. Nguyễn Bích Thảo

 

TS. Nguyễn Bích Thảo (Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận diện bối cảnh cuộc cách mạnh số, tự do hoá thương mại, yêu cầu phát triển bền vững và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của pháp luật về sở hữu, sở hữu trí tuệ, quyền tài sản, bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong bối cảnh mới. TS. Nguyễn Bích Thảo cho rằng, thể chế sở hữu bao gồm 4 nội dung lớn: (1) Tạo lập, xác lập quyền sở hữu; (2) thủ tục, cách thức, phương thức để chủ thể thực hiện quyền sở hữu và khai thác tối đa quyền đó đưa vào các giao dịch, trong đó pháp luật về đăng ký tài sản và pháp luật về giao dịch bảo đảm đóng vai trò quan trọng; (3) các quy tắc xác định thứ tự ưu tiên giải quyết xung đột về quyền của các chủ thể khác nhau đối với cùng một tài sản; (4) bảo vệ quyền sở hữu khi vị xâm phạm.

 

TS. Nguyễn Bích Thảo cho biết, pháp luật về giao dịch bảo đảm, pháp luật về thuế, pháp luật về đăng ký tài sản có thể đánh giá được giá trị của tài sản, tài sản nào có thể đưa vào các giao dịch. Để phát huy nguồn lực, tài sản phải được đưa vào giao dịch. Cần làm rõ khái niệm sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, sở hữu công để tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện quyền. Ngoài đất đai còn có nhiều tài sản thuộc sở hữu toàn dân, trong đó có nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ (ví dụ chỉ dẫn địa lý) do Nhà nước đầu tư trong khi Bộ luật Dân sự chỉ quy định sở hữu nhà nước thì việc xác định quyền sở hữu và khai thác như thế nào cho hiệu quả cũng rất quan trọng nếu vẫn duy trì hình thức sở hữu này mà không có sự nhận diện đầy đủ về bản chất của hình thức đó. Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số, pháp luật cần ghi nhận nhiều loại tài sản số mới xuất hiện, những đối tượng mới của quyền sở hữu và quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng pháp luật cũng cần ghi nhận những loại tài sản trong trong lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, như lĩnh vực nông nghiệp. Để nông nghiệp phát triển, để thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng trong lĩnh vực nông sản thì  cần có quy định về chứng chỉ kho hàng, vận đơn đường biển, vận đơn đường hàng không. Ngoài ra, TS. Nguyễn Bích Thảo cũng đưa ra các quan điểm về xung đột quyền, giới hạn quyền sở hữu và quyền tài sản, thực thi quyền sở hữu trí tuệ…

 

PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu

 

Bàn về về huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn, tài chính, PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu (Giảng viên cao cấp, Nguyên Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Luật Hà Nội) nhấn mạnh huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nguồn lực tài chính lành mạnh, hiệu quả là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sức ép của toàn cầu hoá, của cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra rất nhiều thách thức cho việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn cho phát triển, tăng trưởng đột phá. Để đáp ứng được điều kiện mới, biến những khó khăn thành thuận lợi, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra là đổi mới chính sách, pháp luật tài chính. Một số vấn đề mới cần nghiên cứu sâu như: Có nên đặt ra vấn đề thuế địa phương không? Có nên chuyên môn hoá cơ quan quản lý nợ công? Cơ sở hình thành thị trường dưới chuẩn, có thể có thị trường chứng khoán dưới chuẩn, thị trường giao dịch tài sản mã hoá, các thị trường phái sinh khác? Việc hình thành các trung gian tài chính mới với cơ hội tham gia vào thị trường tài chính (ngân hàng số, mô hình ngân hàng đa năng, hình thành ngân hàng đầu tư…)…

 

Bàn về yêu cầu tuân thủ cam kết quốc tế, PGS.TS. Lê Mai Thanh (nguyên Tổng biên tập Tạp chí nhà nước và Pháp luật) cho biết: Yêu cầu tuân thủ cam kết quốc tế là yêu cầu cốt lõi trong nghĩa vụ thành viên điều ước. Tuân thủ không chỉ dừng ở nội luật hóa điều ước quốc tế mà quan trọng là nâng cao năng lực tổ chức thực thi. Vậy nên muốn thực thi hiệu quả phải bắt đầu từ việc hoàn thiện pháp luật điều ước trong đó khâu đề xuất, đánh giá tác động, đàm phán và thông qua điều ước quốc tế cần được cụ thể hóa một cách rõ ràng với sự tham gia tích cực của đối tượng chịu tác động cuối cùng trên thị trường bên cạnh vai trò của cơ quan để xuất điều ước. Việc hoàn thiện pháp luật kinh tế thích ứng các cam kết ở mức độ sâu rộng khác nhau trong đó có FTAs thế hệ mới nên sẽ lấy mức sâu rộng nhất làm căn cứ.

 

PGS.TS. Trần Đình Hảo

 

PGS.TS. Trần Đình Hảo (nguyên Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội) nhấn mạnh, hệ thống pháp luật kinh tế cần được xây dựng phù hợp với những yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới. Việc lựa chọn mô hình kinh tế sẽ có thể chế kinh tế tương ứng, từ đó cần có các chính sách, pháp luật phù hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý, thực thi pháp luật còn phụ thuộc năng lực các thiết chế nhà nước và thiết chế phi nhà nước. Không phải có pháp luật tốt thì thực thi sẽ đương nhiên hiệu quả. Quan trọng là người dân nhận thức và tự nguyện tuân thủ khi pháp luật mang lại lợi ích thiết thân cho họ thì pháp luật được thực hiện một ách hiệu quả.

 

Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lĩnh vực kinh doanh mới, mô hình kinh doanh mới, TS. Phạm Thị Thuý Nga (Chủ nhiệm đề tài) cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy: cần có tư duy lập pháp “mở”, “linh hoạt” để tạo điều kiện cho các các mô hình kinh doanh mới phát triển, phù hợp nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là “công dân được làm những gì pháp luật không cấm”. Việc cho áp dụng thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) chính là phản ứng chính sách đối với những công nghệ mới. Việt Nam cần xây dựng và ban hành một Nghị định quy định chung đối với Sandbox, tiến tới ban hành các cơ chế Sandbox riêng cho từng lĩnh vực, theo hướng tiếp cận nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tạo không gian thử nghiệm, hỗ trợ về các quy định, pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Nghị định cần bao gồm các nội dung chủ yếu về quy trình xác định mục tiêu; quy trình, thủ tục quản lý rủi ro; quy trình theo dõi, đánh giá; quy định về các hoạt động hỗ trợ, tư vấn và các cách tiếp cận thay thế; quy định về chia sẻ và quản lý thông tin; quy định về phát triển chính sách dài hạn, đặc biệt trong một số lĩnh vực như Tài chính và FinTech, Quản lý vận tải, MedTech, Năng lượng và Môi trường, EdTech, Smart Cities, AgriTech.

 

TS. Chu Thị Hoa

 

TS. Chu Thị Hoa (Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) chia sẻ sandbox đang được triển khai, thực hiện ở một số quốc gia. Ở Việt Nam, việc thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát cần khung pháp lý về sandbox. Về tầm văn bản: Cần có quy định chung trong Luật và có Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể về Sandbox trong từng lĩnh vực, đối với lĩnh vực chưa có luật thì có thể lựa chọn hình thức văn bản là nghị định không đầu; Về cơ quan quản lý: Sandbox thuộc lĩnh vực nào thì do Bộ ngành đó quản lý; Về cấp độ sanbox, nên có nhiều cấp độ: Hàn Quốc là 3, Singapore là 2. Tuy nhiên, trước mắt Việt Nam có thể học theo mô hình 2 cấp độ của Singapore, đó là các doanh nghiệp này sẽ được áp dụng một trong hai mô hình thử nghiệm dành cho các startup trong lĩnh vực fintech. Nhìn chung, khung pháp lý thí điểm sandbox không áp dụng đại trà, mà chỉ dành cho một số ít các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng đủ các điều kiện mà sandbox đặt ra. Do đó, cơ quan quản lý cần đưa ra tiêu chí cụ thể (về quy mô, ngành nghề, nội dung, ý tưởng kinh doanh…) để sàng lọc, tuyển chọn start-up tham gia sandbox. TS. Chu Thị Hoa lưu ý, sandbox chỉ dành cho start-up, nghĩa là chỉ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới với các sản phẩm tài chính sáng tạo, sản phẩm ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới và sẽ được tiến hành trong một không gian và thời gian được xác định rõ ràng.

 

NCVC. Ngô Vĩnh Bạch Dương

 

Bàn thêm về sandbox, NCVC. Ngô Vĩnh Bạch Dương (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật) đã giới thiệu một số trường hợp trước đây tương tự như sandbox và cho rằng thử nghiệm Sandbox cũng có thể thất bại, nên việc cho phép thử nghiệm Sandbox cần đi kèm với các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ cho hệ thống tài chính quốc gia. Khung pháp lý Sandbox phải có “không gian và thời gian được xác định rõ ràng” vì “thử nghiệm thất bại có thể xảy ra”. NCVC. Ngô Vĩnh Bạch Dương nhấn mạnh, Sandbox không phải là thêm quy định mà bản chất Sandbox là bỏ bớt quy định, bỏ bớt gánh nặng cho một đối tượng nào đó, nhưng việc “bỏ bớt” đó phải được thực hiện trong một không gian và thời gian được xác định rõ ràng để tránh thất thu thuế. Sandbox phải được xây dựng và triển khai áp dụng với quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

 

TS. Lý Hoàng Mai

 

Để thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, TS. Lý Hoàng Mai (Trưởng phòng Lý luận và lịch sử kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam) lưu ý, cần có cơ chế để hỗ trợ về vốn, công nghệ cho doanh nghiệp tư nhân; tiếp tục tạo lập cơ chế thúc đẩy hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa các thủ tục về tiếp cận đất đai, tài chính, mặt bằng sản xuất kinh doanh; cắt bỏ những thủ tục gây cản trở cho doanh nghiệp, thiết lập các chế tài hiệu quả để các quy phạm pháp luật được thực thi trong cuộc sống…

 

Bàn về huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả đất đai, PGS.TS. Nguyễn Thị Nga (Phó Trưởng khoa Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ và chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; điều này ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Những hạn chế, bất cập trên khi đặt trong điều kiện khi nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta đã bước sang một giai đoạn phát triển cao hơn, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai về huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả. Trong đó, cần giải quyết tốt bài toán kinh tế trong quan hệ đất đai, khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của đất đai ở mỗi vùng, miền; kích thích phát triển sản xuất và huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế, của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trên nền tảng của phát triển bền vững; mở rộng hơn nữa cơ hội tiếp cận đất đai.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Nga

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Nga đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật huy động, quản lý và sử dụng đất đai: (1) Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, minh bạch, công khai hóa trong việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất nhằm đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong việc tiếp cận đất đai; (3) Cần quy định cụ thể hơn về các trường hợp thu hồi đất, nhất là các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; đặc biệt tiến tới xây dựng được các tiêu chí để xác định các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (4) Hoàn thiện các quy định về tích tụ và tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên môn hoá, tập trung hoá, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân; (5) Giải quyết dứt điểm các tồn đọng dây dưa, kéo dài do lịch sử để lại của các nông lâm trường, các xí nghiệp, tập đoàn chưa cổ phần hoá…. nhằm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và an dân; (6) Hoàn thiện hệ thống thông tin, hồ sơ, cơ sở dữ liệu đất đai trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển trên toàn cầu.

 

TS. Bùi Đức Hiển

 

Bàn về hoàn thiện pháp luật về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, TS. Bùi Đức Hiển (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, nghiên cứu bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường đất và quy chuẩn kỹ thuật về chất thải tác động đến môi trường đất. Bổ sung, chỉnh sửa nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường đất theo hướng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải được tích hợp thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và đặc biệt là quy hoạch cấp tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017. Cần tiếp tục xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên nước, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Pháp luật tố tụng cần sửa đổi theo hướng giảm điều kiện để chủ thể bị thiệt hại về môi trường được khởi kiện; quy định cụ thể về đảo nghĩa vụ chứng minh từ bên bị thiệt hại sang bên bị nghi ngờ gây ra thiệt hại (bên bị nghi ngờ gây ra thiệt hại phải chứng minh mình không có hành vi vi phạm pháp luật môi trường và không gây ra thiệt hại trên); nghiên cứu bổ sung trách nhiệm bồi thường nhà nước khi các cơ quan này không thực hiện đúng, không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ quyền hạn của mình dẫn tới thiệt hại về môi trường và thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của người dân và tổ chức, cá nhân bị thiệt hại được khởi kiện ra Tòa yêu cầu các cơ quan này phải bồi thường hoặc liên đới bồi thường thiệt hại…

 

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Phạm Thị Thúy Nga cám ơn sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu, nhà khoa học và cho rằng hội thảo đã thành công với nhiều lượt trao đổi, bàn luận về các nội dung khác nhau. Toàn bộ những ý kiến thảo luận tại hội thảo sẽ được các thành viên đề tài xem xét kỹ lưỡng và tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc. Chủ nhiệm đề tài cho biết, trong thời gian tới, đề tài sẽ tiếp tục tổ chức các tọa đàm chuyên sâu và mong muốn các đại biểu tiếp tục quan tâm, tham dự và cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến đề tài.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Các tin cùng chuyên mục: