•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực pháp luật đáp ứng nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền”

28/11/2024
Hội thảo thuộc hoạt động khoa học chung của Viện Nhà nước và Pháp luật, được tổ chức ngày 15/11/2024 tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Các tham luận tại hội thảo có chủ đề liên quan đến thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và hợp tác quốc tế về pháp luật lần lượt được trình bày bởi TS. Phan Thanh Hà, TS. Lê Thương Huyền, TS. Phạm Thị Hương Giang và TS. Nguyễn Tiến Đức.

 

TS. Phan Thanh Hà (áo trắng) nhìn nhận số lượng và năng lực đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên

là một trong những yếu tố tiêu biểu về nguồn nhân lực lập pháp 

 

Trong tham luận về phát triển nguồn nhân lực lập pháp, TS. Phan Thanh Hà nhìn nhận, một trong những yếu tố thể hiện mặt tích cực, tiêu biểu về thực trạng nguồn nhân lực lập pháp là số lượng và năng lực của đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng dần lên sau mỗi khóa. Chất lượng đại biểu được nâng lên với những tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất, trình độ chuyên môn cao hơn mà cụ thể là tỷ lệ đạị biểu có trình độ trên đại học tăng lên. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách ở trung ương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, tổ chức các tiểu ban, kiện toàn các nhóm làm việc phụ trách lĩnh vực chuyên môn khác nhau của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong điều kiện mỗi cơ quan của Quốc hội có phạm vi hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì nguồn nhân lực lập pháp vẫn còn những hạn chế, có thể kể đến như: tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan giúp việc còn nhiều bất cập, cơ cấu đội ngũ chưa cân đối giữa cán bộ chuyên môn nghiên cứu với phục vụ. Một vấn đề nữa là hiện nay chưa có cơ quan chuyên về phân tích chính sách phục vụ cho việc hoạch định chiến lược lập pháp dẫn đến công việc này đổ dồn lên ban soạn thảo. Tuy nhiên, các ban này không phải là các ban chuyên trách mà chỉ được thành lập riêng cho từng dự án cụ thể, thành phần của ban là các thành viên kiêm nhiệm do đang giữ chức vụ ở các ban, ngành có liên quan.

 

Tiếp theo, hội thảo lắng nghe tham luận của TS. Phạm Thị Hương Giang về thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư pháp. Tác giả cho rằng, vai trò của nhân lực tư pháp được thể hiện tập trung nhất ở những nội dung quan trọng như: Là chủ thể thực hiện và tham gia thực hiện quyền lực tư pháp; góp phần thực hiện quyền lực nhà nước; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Hiện nay, Việt Nam chưa có chiến lược phát triển nhân lực tư pháp quốc gia mà chỉ mới có các hợp phần, các nội dung của chiến lược đó được đề cập tản mát trong các văn bản khác nhau. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2005 về chiến lược cải cách tư pháp nêu rõ đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu, trình độ, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí một số cán bộ còn sa sút về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp. Từ những nhận định này, Nghị quyết đã xác định một số phương hướng để cải cách nhân lực pháp, trong đó có việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ…, tiến tới thực hiện chế độ thi tuyến đối với một số chức danh.

 

TS. Phạm Thị Hương Giang (bên trái)

 

Với nguồn nhân lực hành pháp, mà cụ thể là nguồn nhân lực pháp luật trong cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương, sau khi chia sẻ về thực tiễn thực hiện nguồn nhân lực, TS. Lê Thương Huyền đã đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục phát triển. Cần bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức có năng lực làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng các yêu cầu công việc đặt ra. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực của đội ngũ pháp chế có nhận thức mới, tư duy mới, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chiến lược chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam.

 

Tham luận cuối của hội thảo là về thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp của TS. Nguyễn Tiến Đức. Tác giả đã phân tích vai trò của nguồn nhân lực này, thực trạng bao gồm cả thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, từ đó nhận diện các yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp. Trong những năm qua, nhiều cán bộ Việt Nam được cử đi học tập và nghiên cứu tại các quốc gia có nền pháp luật tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng ngoại ngữ. Các chuyên gia pháp luật Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực trong các hội nghị, hội thảo quốc tế, cũng như các tổ chức pháp lý khu vực và toàn cầu, mở rộng mạng lưới hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác.

 

Mặc dù đã có những tiến bộ, song nguồn nhân lực hợp tác quốc tế về pháp luật của Việt Nam vẫn còn những bất cập. Một số chuyên gia pháp lý vẫn chưa có kiến thức sâu rộng về luật quốc tế, nhất là các lĩnh vực chuyên biệt như luật đầu tư quốc tế, luật cạnh tranh quốc tế và luật bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực pháp lý hợp tác quốc tế còn chưa đồng đều. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là yêu cầu bắt buộc để nghiên cứu, đàm phán và hợp tác trong lĩnh vực pháp luật quốc tế.

 

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2022 đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển một đội ngũ cán bộ tư pháp và pháp luật chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Các yêu cầu đặt ra để thực hiện được điều này là: (i) Kiến thức pháp luật quốc tế và khả năng áp dụng linh hoạt; Năng lực ngoại ngữ và giao tiếp quốc tế; (iii) Kỹ năng công nghệ và khả năng thích ứng với các tiến bộ kỹ thuật số; (iv) Khả năng làm việc đa quốc gia và đa văn hóa; (v) Khả năng giải quyết xung đột và đàm phán quốc tế; (vi) Đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm quốc tế.

 

Trao đổi tại hội thảo, theo ThS. Nguyễn Thanh Tùng, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển nguồn nhân lực pháp luật là tăng cường tính pháp quyền của quốc gia. Để thực hiện được việc này thì việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết.

 

TS. Phạm Thị Hương Lan bình luận về nguồn nhân lực lập pháp

 

Bình luận về nguồn nhân lực lập pháp để đáp ứng nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, TS. Phạm Thị Hương Lan đề cập đến một số vấn đề cần nghiên cứu, chẳng hạn như: Sáng kiến pháp luật đang gặp phải những hạn chế gì về năng lực, nguồn lực; mối liên hệ giữa nguồn nhân lực xây dựng Nhà nước pháp quyền với bình đẳng giới… Hội thảo cũng thu nhận được những ý kiến trao đổi khác liên quan đến các nội dung của hội thảo.