•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Tình hình thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ở Việt Nam hiện nay”

04/10/2021
Đây là hoạt động khoa học của Báo cáo thường niên “Về tình hình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ở Việt Nam đến năm 2021” do Viện Nhà nước và Pháp luật chủ trì, TS. Nguyễn Thu Hương làm chủ nhiệm. Hội thảo được tổ chức ngày 29/9/2021 bằng hình thức trực tuyến.

Tham gia hội thảo có Lãnh đạo Viện Nhà nước và Pháp luật, các thành viên đề tài, cán bộ Viện và một số chuyên gia luật học cao cấp.

 

Mở đầu hội thảo, TS. Nguyễn Thu Hương cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 FTA. Trên thực tế, các FTA đã ký kết và đang đàm phán đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức đối với nền kinh tế, khi phải đối mặt với những khó khăn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản lý vĩ mô trong nước và những vấn đề khác mà hầu hết các nền kinh tế đang phát triển gặp phải.

 

 

Việc thực hiện các cam kết FTA thế hệ mới yêu cầu Việt Nam cần hoàn thiện chính sách và pháp luật trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Với những FTA mới gần đây, các bên không chỉ đạt được những thỏa thuận trong việc tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn hợp tác phát triển trong nhiều lĩnh vực khác như: lao động, môi trường, minh bạch chính sách, chống tham nhũng, phát triển bền vững,…

 

Đề tài chọn phân tích Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) là hai FTA thế hệ mới có quy mô lớn đánh dấu tiến trình hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam trên trường quốc tế với các cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực thương mại truyền thống và phi truyền thống (phi thương mại). Hội thảo Tình hình thực hiện các hiệp định thương mại tự do ở Việt Nam hiện nay được tổ chức để giải đáp phần nào những kết quả Việt Nam đã đạt được cũng như những vấn đề còn chưa thực sự hiêụ quả để có những kiến nghị phù hợp và khả thi nhằm tận dụng và tranh thủ các thời cơ do các FTA mang lại mà vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế nhưng vẫn vượt qua thách thức trong việc thực hiện các cam kết và bảo vệ được các lợi ích phi thương mại trên thực tiễn.

 

Tiếp theo, TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật) phân tích khái niệm, đặc điểm và các yếu tố tác động đến việc thực hiện cam kết trong các FTA thế hệ mới. Theo đó, TS. Linh Giang cho rằng, thực hiện cam kết trong các FTA thế hệ mới là việc các quốc gia thành viên thực hiện các nghĩa vụ do các hiệp định đặt ra và việc thực hiện nghĩa vụ này là bắt buộc và có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Ngoài những đặc điểm của các FTA truyền thống, các FTA thế hệ mới còn có các đặc điểm khác, đó là: (i) Mức độ tự do hóa thương mại cao; (ii) Các cam kết có lộ trình, bao gồm cả các cam kết phi truyền thống; (iii) Yêu cầu cao về tính minh bạch; (iv) Mức độ bảo vệ sở hữu trí tuệ; (v) Coi trọng phát triển bền vững (môi trường, lao động,...). Việc giám sát thực thi các cam kết theo các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cần phải được thực hiện thường xuyên bởi nhà nước và các chủ thể phi nhà nước.

 

Hội thảo tiếp tục lắng nghe TS. Nguyễn Sơn (Bộ Công Thương) trình bày tham luận Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”. TS. Nguyễn Sơn nhận định, các FTA thế hệ mới tạo ra giá trị gia tăng cho thương mại, trong đó rất coi trọng mục tiêu phát triển bền vững thể hiện ở các điều khoản điều chỉnh những vấn đề không phải thương mại như môi trường, lao động. Ông nhấn mạnh, mặc dù các quy định về môi trường, lao động tạo ra những thách thức rất lớn nhưng phù hợp với định hướng và mục tiêu phát triển bền vững của Nhà nước ta. Ví dụ, có những điều khoản quy định cấm sử dụng nguyên liệu từ rừng tự nhiên hoặc phải áp dụng các phương thức đánh bắt cá, khai thác thủy hải sản không ảnh hưởng đến môi trường. Chúng ta sẽ phải mất chi phí phát sinh để thực hiện những quy định này. Ngoài ra, các FTA thế hệ mới còn có các điều khoản quy định về những trừng phạt thương mại khi các quốc gia thành viên không tuân thủ các điều khoản về phát triển bền vững. Tác giả cũng trao đổi về các vấn đề liên quan đến quyền lập hội, thỏa ước lao động tập thể,…

 

TS. Nguyễn Thu Hương, Chủ nhiệm đề tài, ngồi ngoài cùng bên trái của hàng đầu tiên

 

Ngoài ra, tác giả cho rằng, các FTA thế hệ mới không chỉ tạo ra những cơ hội thương mại như những FTA truyền thống mà còn góp phần thay đổi môi trường quản lý thương mại của Việt Nam. Từ khi ký kết CPTPP và EVFTA, Nhà nước ta đã và đang thực hiện thay đổi sâu rộng hơn nữa về chính sách, pháp luật sau lần thực hiện thay đổi khi gia nhập WTO thể hiện qua việc số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

 

Ông đề xuất, Quốc hội cần đưa ra cơ chế để giám sát việc thực thi các FTA, không chỉ là việc ban hành các thông tư hướng dẫn thi hành mà còn là các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ thương mại. Ví dụ, trong EVFTA, Nhà nước ta và các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) chấp thuận cho các doanh nghiệp Việt Nam tự chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm với một số điều kiện. Nếu không có giải pháp này thì các doanh nghiệp sẽ phải mất chi phí và thời gian để có được xác nhận chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chi phí này sẽ được cộng vào giá thành sản phẩm dẫn đến giảm sự cạnh tranh với các sản phẩm từ các quốc gia khác trong hiệp định.

 

Một tham luận cũng được các đại biểu tại hội thảo quan tâm là vấn đề nội luật hóa cam kết bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) theo FTA thế hệ mới của PGS.TS. Lê Mai Thanh. PGS.TS. Lê Mai Thanh cho biết, CPTPP và EVFTA được xây dựng trên nền tảng những chuẩn mực cơ bản nhất của Hiệp định TRIPS về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền SHTT (một thỏa thuận pháp lý quốc tế giữa tất cả các quốc gia là thành viên của WTO), tuy nhiên ở mức độ cao hơn và rộng hơn. Vì thế, có những cam kết trong EVFTA và CPTPP trùng với những cam kết trong Hiệp định TRIPS thì đã được chúng ta nội luật hóa trước đó rồi.

 

Về tổng thể, các cam kết về SHTT của CPTPP chặt chẽ hơn EVFTA. Trong trường hợp 2 hiệp định này có nghĩa vụ tương ứng nhau nhưng quy định trong CPTPP chặt chẽ hơn thì pháp luật Việt Nam chỉ cần nội luật hóa theo CPTPP là đã đáp ứng được EVFTA. Các cam kết về SHTT giữa CPTPP và EVFTA đều cao hơn Hiệp định TRIPS, trong đó giữa CPTPP và EVFTA có nội dung thể hiện khác nhau thì trong quá trình nội luật hóa, nội dung văn bản phải vừa đáp ứng nhưng cũng phải dung hòa giữa 2 hiệp định này.

 

Việc nội luật hóa là yêu cầu cần thiết vì Hiệp định TRIPS cũng như CPTPP và EVFTA đều đưa ra những nguyên tắc không phân biệt đối xử và công bằng đối với các đối tác trong phạm vi hiệp định thông qua quy chế Tối huệ quốc và quy chế đối xử quốc gia trong lĩnh vực SHTT. Quy chế Tối huệ quốc áp dụng lần đầu tiên trong lĩnh vực SHTT thể hiện trong một điều ước quốc tế chính là Hiệp định TRIPS. CPTPP và EVFTA ràng buộc các quốc gia thành viên nghĩa vụ như vậy nên chúng ta bắt buộc phải nội luật hóa.

 

Ngoài các tham luận nêu trên, hội thảo còn lắng nghe hai tham luận của hai nhà nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật:

  • Các cam kết về thương mại hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (ThS. Phạm Hồng Nhật);
  • Thưc trạng thực hiện cam kết về: chủ thể đặc biệt tham gia thị trường, chính sách cạnh tranh, công bằng, minh bạch và chống tham nhũng (ThS. Nguyễn Thu Dung).

Hội thảo đã thu nhận nhiều bình luận, trao đổi, góp ý của PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị và các nhà khoa học khác về các vấn đề: cam kết theo lộ trình; trách nhiệm thực thi các FTA thế hệ mới; tiêu chí xác định, lựa chọn quốc gia để ký FTA mới;…

 

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Nguyễn Thu Hương, Chủ nhiệm đề tài, khẳng định, việc đàm phán, ký kết các FTA trước đây cũng như các FTA thế hệ mới hiện nay và trong thời gian tới là thật sự cần thiết vì tạo ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam phát triển. Các FTA không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, để thực thi tốt các cam kết quốc tế này và tận dụng các cơ hội có được, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng chính sách, pháp luật đồng bộ và tương thích với các cam kết quốc tế. Và trên hết, Nhà nước cần xây dựng được cơ chế để thực hiện tốt các chính sách, pháp luật này trên thực tế. TS. Nguyễn Thu Hương cám ơn các thành viên đề tài đã chuẩn bị và trình bày tốt các tham luận, cám ơn các nhà khoa học đã góp ý và chia sẻ những thông tin hữu ích để đề tài có thể bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi nghiệm thu.

Các tin cùng chuyên mục: