PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, PGS.TS. Nguyễn An Hà – Viện trưởng Viện NC Châu Âu, TS. Phạm Thị Thúy Nga – Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, các thành viên Đề tài và đông đảo các đoàn viên của Viện Nhà nước và Pháp luật và Viện NC Châu Âu.
Chủ trì Hội thảo là PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và ThS. Nguyễn Thu Dung (Phó trưởng phòng Pháp luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật).
Đề tài đã đón nhận 10 tham luận do các nghiên cứu viên trẻ của Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện NC Châu Âu và Viện Kinh tế Việt Nam thực hiện, trong đó có 7 tham luận được trình bày tại Hội thảo.
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhận định doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và là yếu tố cho sự ổn định xã hội và đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa lại phụ thuộc vào nguồn lực khiên tốn của họ. Với tư cách là chủ thể của quyền lực công, Nhà nước kiến tạo thị trường, định hướng, kiểm soát cũng như khuyến khích thị trường phát triển với nhiều hình thức khác nhau trong đó có các biện pháp hỗ trơ, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ này trong những điều kiện nhất định là được phép và được thực hiện ở nhiều quốc gia.
Ở Việt Nam, các quy định của pháp luật điều chỉnh về hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với doanh nghiệp vừa thiếu, vừa yếu lại chưa phù hợp với thực tiễn, nhiều khi còn chồng chéo, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Thực tế chỉ ra rằng, với xuất phát điểm thấp của nền kinh tế, quy mô vốn nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý yếu, lực lượng lao động nhiều nhưng thiếu trình độ chuyên môn là những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế xảy ra trên thế giới trong giai đoạn 208-2009 để lại đã gây ra những khó khăn cho nền kinh tế. Ở Liên minh Châu Âu (EU), trước yêu cầu cạnh tranh tự do trong thị trường nội khối và mở cửa các dịch vụ công trong môi trường cạnh tranh, các nước thành viên đã sử dụng các phương tiện công để khuyến khích các ngành kinh tế nhất định, bảo vệ nền công nghiệp quốc gia. Khoản trợ cấp của Nhà nước đã tạo cho các doanh nghiệp những lợi thế nhất định trước các đối thủ cạnh tranh khác. Trợ cấp nhà nước là một trong những phương diện thể hiện vai trò hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Trong khuôn khổ của Đề tài cấp Bộ, mục đích của Hội thảo này là tạo ra diễn đàn khoa học để thảo luận về trợ cấp nhà nước trong khuôn khổ pháp luật và chính sách của EU và kinh nghiệm của họ về vấn đề này.
Theo quy định của Ủy ban Châu Âu, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định dựa trên hai tiêu chí là tổng số lao động thường xuyên và doanh thu của doanh nghiệp hoặc tổng giá trị tài sản. Theo đó, doanh nghiệp vừa là doanh nghiệp sử dụng thường xuyên dưới 250 lao động và có doanh thu hằng năm không quá 50 triệu euro, hoặc tổng giá trị tài sản không quá 43 triệu euro. Doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp sử dụng thường xuyên dưới 50 lao động và tổng doanh thu hoặc tổng giá trị tài sản không quá 10 triệu euro. Doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động và tổng doanh thu hoặc tổng giá trị tài sản không quá 2 triệu euro.
ThS. Phạm Thị Hiền.
Trong thời đại cạnh tranh và hội nhập toàn cầu hiện nay, muốn phát triển thì nhu cầu vốn của doanh nghiệp ngày càng tăng. Xu thế chung cho thấy các dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó có dịch vụ tài chính được các doanh nghiệp đón nhận rộng rãi. Báo cáo của ThS. Phạm Thị Hiền và NCV. Nguyễn Thị Thùy Linh chỉ ra rằng, bên cạnh những dịch vụ hỗ trợ thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tìm đến những phương tiện trợ cấp tài chính đặc biệt, đó là: (i) trợ cấp từ EU; (ii) trợ cấp từ chính phủ các nước thành viên; và (iii) trợ cấp từ các tổ chức phi chính phủ. Trong đó, nguồn tài trợ từ EU chủ yếu phục vụ các mục tiêu phát triển cụ thể liên quan đến môi trường, nghiên cứu, đào tạo,… được thiết lập và thực hiện bởi các cơ quan khác nhau của Ủy ban Châu Âu hoặc cơ quan hành pháp EU. Theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, các khoản vay ngân hàng vẫn là nguồn phổ biến nhất cho tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Châu Âu, chiếm tới 57%.
Từ những phân tích về chính sách và thực tiễn áp dụng các phương tiện trợ cấp tài chính đặc biệt ở Châu Âu, hai nghiên cứu viên đề xuất một số kinh nghiệm gợi mở cho Việt Nam. Là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam cần tận dụng triệt để các cơ hội được tạo ra từ AEC đồng thời kết hợp với việc đổi mới chính sách pháp luật trong nước để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Việt Nam cũng cần có chính sách và quy định khoanh vùng các lĩnh vực trợ cấp sao cho đáp ứng được những yêu cầu chung của phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Bùi Đức Hiển (Viện Nhà nước và Pháp luật) lưu ý đến sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế xã hội giữa EU và Việt Nam. Khi nghiên cứu về chủ đề này, các tác giả cũng cần quan tâm đến các quy định trong các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
ThS. Chu Thị Thanh An.
Bàn về vi phạm trong thực hiện trợ cấp nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ThS. Chu Thị Thanh An cho biết, theo Quy định của Hội đồng EU, có 2 loại vi phạm: trợ cấp trái pháp luật và trợ cấp được sử dụng sai. Để chỉ ra trợ cấp được cấp bị sử dụng sai, Ủy ban Châu Âu phải chứng minh rằng trợ cấp đó đã được sử dụng trái với kế hoạch mà Ủy ban Châu Âu đã thông qua. Trợ cấp được xem xét và được cấp theo những tiêu chí nhất định được coi là một đạo luật có tính ràng buộc pháp lý theo đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước thành viên thực hiện cấp trợ cấp. Do vậy, sử dụng sai trợ cấp cũng có nghĩa là vi phạm luật của nước điều chỉnh kế hoạch hoặc các điều kiện bổ sung mà nước thành viên đã chấp thuận như một phần của việc thống qua kế hoạch trợ cấp.
Thảo luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Ngọc (Viện NC Châu Âu) đặt câu hỏi, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở EU cần làm thế nào và theo tiêu chí gì để có thể tiếp cận nguồn vốn trợ cấp? TS. Nguyễn Thị Ngọc cũng mong muốn các bài tham luận cần phân tích kỹ hơn những trường hợp doanh nghiệp nhận được trợ cấp thì họ đã sử dụng thế nào và có hiệu quả không?
TS. Nguyễn Thị Thảo.
Báo cáo tại Hội thảo về trợ cấp tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của EU, ThS. Nguyễn Thu Dung cho biết dịch vụ công tại các nước EU có trình độ phát triển cao nên những yêu cầu tư vấn liên quan đến hoạt động hằng ngày, thủ tục hành chính được coi là trách nhiệm đương nhiên của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, các quy định về trợ cấp nhà nước của EU sẽ tập trung điều chỉnh các trợ cấp tư vấn mà Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí cho các doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn chuyên sâu trong một lĩnh vực nào đó và chịu sự điều chỉnh chặt chẽ bởi các quy định của EU. Ở Việt Nam, việc hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng thực hiện theo hai phương thức chính: (i) thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước; và (ii) thông qua việc Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang chồng chéo và nhiều hoạt động không trực tiếp dành cho doanh nghiệp (ví dụ như việc nâng cao năng lực cho người thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp). Hoạt động đào tạo, bòi dưỡng, nâng cao hiến thức cho doanh nghiệp đã được tăng cường nhưng vẫn còn hạn chế.
Từ những hạn chế trên, ThS. Nguyễn Thu Dung cho rằng, từ kinh nghiệm của EU, Nhà nước Việt Nam cần phải nhận thức rất rõ nhu cầu tư vấn từ phía doanh nghiệp để có những chính sách hỗ trợ hợp lý, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Việc cải thiện năng lực thể chế của các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp là cần thiết nhưng không nên xem đó làm một trong những hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đối tượng thụ hưởng khác nhau.
PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện NC Châu Âu.
Bình luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn An Hà cho rằng, các báo cáo tại Hội thảo đã nêu lên được khái niệm, nội dung và thực tiễn về trợ cấp nhà nước ở Châu Âu nhưng để từ đó đưa ra những đánh giá chính sách là không dễ, nhất là khi nguồn tài liệu về lĩnh vực này không nhiều.
Hội thảo cũng đã lắng nghe các tham luận khác liên quan đến trợ cấp nhà nước ở EU trong giải quyết việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp (ThS. Hoàng Kim Khuyên, Viện Nhà nước và Pháp luật); trợ cấp nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Pháp và Đức (TS. Hoàng Xuân Trung, Viện NC Châu Âu).
Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cám ơn sự tham gia nhiệt tình của các báo cáo viên từ các tham luận của mình cũng như những ý kiến trao đổi, góp ý tại Hội thảo. Ông mong muốn các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để nâng cao chất lượng về mặt khoa học cũng như thực tiễn của Đề tài. Ông cũng khuyến khích các tác giả gửi bài đăng các tạp chí chuyên ngành.