•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học liên Chi đoàn “Tiếp cận liên ngành khoa học xã hội trong nghiên cứu gia đình”

22/05/2015
Ngày 19/5/2015, tại Hội trường tầng 1, số 27 Trần Xuân Soạn, đã diễn ra Hội thảo “Tiếp cận liên ngành khoa học xã hội trong nghiên cứu gia đình”. Đây là hoạt động khoa học do Chi đoàn của 4 Viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức: Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện NC Văn hóa, Viện NC Tôn giáo và Viện NC Gia đình và Giới.

Đến dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Chu Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện NC Tôn giáo; TS. Đào Thế Đức, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian; TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Gia đình và Giới; TS. Lê  Mai Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật và TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

 

ThS. Trần Thị Vân Nương phát biểu khai mạc Hội thảo.

 

Các đồng chí đại diện Chi đoàn những Viện nghiên cứu khác trực thuộc Viện Hàn lâm cùng đông đảo các đoàn viên, thanh niên của 4 Viện đã đến và tham gia trao đổi tại Hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS. Trần Thị Vân Nương, Viện NC Gia đình và Giới cho biết Hội thảo đón nhận 18 bài tham luận của các nghiên cứu viên trẻ. Các bài viết này đề cập đến những chủ đề hết sức cơ bản nhưng đầy thú vị trong nghiên cứu về gia đình, đó là: hệ thống pháp luật và chính sách về gia đình; mối quan hệ giữa gia đình với tôn giáo và tín ngưỡng; sự biến đổi của gia đình trong bối cảnh hiện nay. Những nghiên cứu này mang đến một bức tranh đa dạng với các góc nhìn nhiều chiều cạnh, góp phần bổ sung những kiến thức mới trong nghiên cứu gia đình hiện nay. 

 

Chương trình gồm 2 phiên với 4 bài tham luận được Ban tổ chức lựa chọn để trình bày và thảo luận tại Hội thảo. Chủ trì phiên thứ nhất là ThS. Chu Thị Thanh An, Viện Nhà nước và Pháp luật và ThS. Trần Thị Vân Nương.

 

Tham luận đầu tiên là của ThS. Bùi Thị Hường và NCV. Trần Thị Loan, Viện Nhà nước và Pháp luật với chủ đề “Bạo lực trẻ em trong gia đình – Một số tiếp cận dưới góc độ quyền con người”.

 

ThS. Bùi Thị Hường trình bày tham luận.

 

Theo Công ước quốc tế về Quyền trẻ em 1989, bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình nằm trong nhóm quyền bảo vệ. Cụ thể tại Điều 19 Công ước này quy định các quốc gia phải thực hiện tất cả các biện pháp lập pháp, hành chính, xã hội và giáo dục thích hợp để bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần, bị thương tổn hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc chăm sóc xao nhãng, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả lạm dụng tình dục trong khi trẻ em vẫn nằm trong vòng chăm sóc của bố mẹ hay người giám hộ pháp lý. Hành vi bạo lực với trẻ em trong gia đình là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng, đồng thời vi phạm các quy định về quyền con người nói chung của trẻ em. Bạo lực gia đình không chỉ để lại hậu quả về thể chất, tinh thần mà còn là nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em. Từ đó, bài viết đưa ra một số giải pháp pháp lý nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình: hoàn thiện một số định nghĩa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó nên bổ sung khái niệm thành viên gia đình trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình; hoàn thiện các quy định về biện pháp xử lý. Trên thực tế, rất ít trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền. Vì vậy, có thể bổ sung thêm hình thức buộc đối tượng vi phạm lao động công ích.

 

Bình luận về tham luận này, TS. Đào Thế Đức cho rằng, ngoài việc phân tích công ước quốc tế, bài viết cần nêu thêm các điều luật về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được quy định trong các đạo luật thời Nguyễn, chẳng hạn như Luật Hồng Đức cũng như các luật tục khác.

 

Tiếp theo là tham luận “Sự hài lòng với hôn nhân và các yếu tố tác động” của ThS. Nguyễn Hà Đông, Viện NC Gia đình và Giới. Trên cơ sở số liệu điều tra  thực hiện tại 24 phường/xã của Tp. Hà Nội, kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn người dân cảm thấy hài lòng với cuộc sống hôn nhân hiện tại. Sự hài lòng với hôn nhân chịu tác động của các yếu tố, bao gồm: sự hòa hợp về tình dục, sự hỗ trợ về tình cảm, thường xuyên tổ chức các sự kiện đặc biệt, mức sống của hộ gia đình, nhóm nghề nghiệp của cặp vợ chồng và nơi cư trú.

 

 

Nghiên cứu về gia đình ở nông thôn, ThS. Nguyễn Thị Tô Hoài, Viện NC Văn hóa có tham luận “Biến đổi của gia đình, dòng họ và vai trò của dòng họ đối với gia đình ở nông thôn hiện nay”. Bài viết trình bày theo những hướng chủ yếu sau: biến đổi của gia đình trên lĩnh vực kinh tế, dạng thức, cấu trúc và cơ cấu,…; biến đổi của dòng họ với các nội dung  như tổ chức việc họ, vấn đề quỹ họ và cách sử dụng, liên kết dòng họ.

 

Từ những biến đổi này, bài viết phân tích và chỉ ra vấn đề cốt lõi là, tuy về hình thức có sự thay đổi nhưng có thể khẳng định từ trước đến nay, vai trò của dòng họ đối với gia đình trên hai lĩnh vực chủ đạo là phát triển kinh tế và giáo dục vẫn được duy trì một cách đều đặn, làm phong phú thêm bức tranh sinh hoạt gia đình, dòng họ ở nước ta hiện nay. 

 

Về hướng tiếp cận từ tôn giáo trong nghiên cứu gia đình, Hội thảo đã lắng nghe tham luận của các nhà nghiên cứu trẻ của Viện NC Tôn giáo, “Chức năng cố kết cộng đồng của tôn giáo và tác động của nó tới gia đình hiện đại ở Việt Nam hiện nay”. Tham luận mô tả hai trường hợp, trong đó một trường hợp theo hiện tượng Ngọc Phật Hồ Chí Minh vì để giữ hạnh phúc gia đình và trường hợp còn lại theo Tin Lành nhưng bị trục xuất khỏi gia đình, dòng họ. Dựa trên lý thuyết và phân tích, các tác gải cho rằng tôn giáo ảnh hưởng rõ rệt tới tính cố kết trong gia đình ở các khía cạnh: gia đình là một môi trường chị ảnh hưởng của tính cố kết trong tôn giáo; các lời răn dạy của tôn giáo làm tăng thêm tình yêu thương, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, cộng đồng xã hội với nhau.

 

Sau đó, TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm cám ơn lãnh đạo 4 Viện đã tạo điều kiện để các bạn đoàn viên tổ chức hội thảo từ đó giúp các nhà khoa học trẻ này gắn kết với nhau hơn. Việc viết bài, trình bày trực tiếp và nhận được những nhận xét, bình luận của các chuyên gia sẽ giúp các bạn trẻ nâng cao khả năng nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm. Đồng chí bí thư cho rằng, các nhà khoa học trẻ đã thu nhận được nhiều từ những thông tin khoa học đưa ra tại Hội thảo.

 

TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, ThS. Trần Thị Vân Nương cám ơn sự có mặt cũng như những nhận xét, trao đổi mang tính khoa học cao của các vị lãnh đạo và các chuyên gia cũng như sự tham gia nhiệt tình của các đoàn viên, thanh niên trong và ngoài Viện Hàn lâm. ThS. Trần Thị Vân Nương  hy vọng và mong muốn các bài viết của Hội thảo sẽ được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện để có thể trở thành một sản phẩm khoa học thực thụ và được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.

 

Ban tổ chức chụp ảnh cùng đại biểu và các bạn đoàn viên.

 

Các tin cùng chuyên mục: