•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo lần hai Đề tài khoa học cấp Bộ “Dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế pháp lý thực thi dân chủ trực tiếp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”

20/06/2014
Sáng ngày 17/6/2014, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật đã diễn ra Hội thảo lần thứ hai của Đề tài khoa học cấp Bộ “Dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế pháp lý thực thi dân chủ trực tiếp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương làm Chủ nhiệm.

Các thành viên đề tài từ Viện Nhà nước và Pháp luật, Đại học Luật Hà Nội và Bộ Tư pháp cùng những nhà khoa học khác đã đến tham gia Hội thảo.

 

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương giới thiệu về mục tiêu mà đề tài hướng tới, lộ trình và tiến độ thực hiện đề tài. Bà mong muốn các thành viên đề tài cần nêu rõ hướng nghiên cứu chính, những quan điểm chủ yếu khi trình bày chuyên đề của mình cũng như chỉ ra những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình nghiên cứu để giúp cho Ban chủ nhiệm đề tài có nhận thức và định hướng thống nhất về mục tiêu cần đạt được của đề tài.   

 

 

Phân tích về khái niệm dân chủ trực tiếp, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương cho rằng dân chủ trực tiếp là phương thức người chủ quyền lực trực tiếp thực hiện quyền của mình. Việc thực hiện dân chủ trực tiếp không phải thông qua bất cứ một thiết chế nào, kể cả thiết chế xã hội. Cơ chế pháp lý là tổng thể các thể chế, thiết chế và quá trình vận hành để hiện thực hóa việc thực thi dân chủ trực tiếp.

 

Các nhà khoa học đã trao đổi, bình luận về những tiêu chí để xác định dân chủ trực tiếp và các dạng, hình thức của dân chủ trực tiếp. Theo PGS.TS. Vũ Thư, dân chủ trực tiếp thể hiện qua 3 hình thức chính: Bầu cử, bãi nhiệm, miễn nhiệm; Trưng cầu ý dân; Dân chủ cơ sở.

 

Trong chuyên đề của mình, PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan – Đại học Luật Hà Nội chỉ ra một số yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện cơ chế pháp lý thực thi dân chủ trực tiếp, trong đó có: sự nhận thức xã hội của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước; điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước; tình hình chính trị - xã hội ở trong nước và thế giới;…

 

Trao đổi về việc kiểm tra, giám sát của cá nhân công dân với hoạt động của Đảng và Nhà nước, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho biết chúng ta đã có các đạo luật điều chỉnh hoạt động này: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và mới nhất là Luật Tiếp công dân năm 2014 chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 7/2014; ngoài ra còn có các Nghị quyết của Đảng. Hình thức kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt sẽ tăng cường tính chính đáng của chính quyền, phá bỏ được sự khép kín trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

 

 

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này chưa đạt hiệu quả và đáp ứng được mong muốn của người dân. Theo ông, vấn đề chính là từ nhận thức của cán bộ nhà nước, họ không tôn trọng hoạt động kiểm tra, giám sát của dân, vì cho rằng công việc này chiếm nhiều thời gian của họ. Các văn bản pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về quy trình, cách thức thực hiện việc kiểm tra, giám sát của công dân.

 

Vì thế, để nâng cao hiệu quả hoạt động này, ông đề xuất một số giải pháp như:

  • Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện thiết chế, thể chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của công dân;
  • Việc phản hồi các ý kiến của dân cần được thực hiện công khai, nhanh chóng;
  • Đa dạng các hình thức kiểm tra, giám sát của dân: tham gia phiên điều trần, qua trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền,…

 

Theo PGS.TS. Nguyễn Như Phát, trong một xã hội hiện đại, dân chủ trực tiếp đóng vai trò quan trọng hơn dân chủ gián tiếp. Phương thức này thể hiện rõ nhất qua chế độ bầu cử. Hiến pháp sửa đổi có quy định về hội đồng bầu cử, nhưng chưa có quy định rõ để đảm bảo bầu cử tự do.

 

Phát biểu kết luận, hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương cám ơn các nhà khoa học đã tham gia nhiệt tình và đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất. Thông qua những ý kiến này, Ban chủ nhiệm đề tài sẽ nhận diện kỹ hơn khái niệm dân chủ, từ đó chỉnh hướng đề tài cho phù hợp hơn. Bà mong muốn các thành viên đề tài sớm hoàn thiện các chuyên đề để Ban chủ nhiệm tổng hợp và hoàn thiện báo cáo tổng quan của đề tài.

Các tin cùng chuyên mục: