•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo quốc tế “Cải cách thể chế để phát triển kinh tế tư nhân”

12/10/2020
Ngày 15/9/2020, tại Khách sạn Sheraton, 11 Xuân Diệu, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Văn phòng Viện Konrad Adenauer Stiftung của CHLB Đức (Viện KAS) tổ chức hội thảo quốc tế “Cải cách thể chế để phát triển kinh tế tư nhân”.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các đại biểu, nhà khoa học đến từ các cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, cơ sở giáo dục đào tạo và các tổ chức quốc tế.

 

Về phía cơ quan tổ chức hội thảo có sự tham dự của ông Peter Girke, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Nguyễn Linh Giang, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật. Các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật đã tích cực tham gia và thảo luận tại các phiên họp của hội thảo.

 

GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm, phát biểu khai mạc hội thảo

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, chủ đề hội thảo có tính thời sự, rất có ý nghĩa cả về chính sách và thực tiễn đặt trong bối cảnh các quốc gia, các doanh nghiệp đang đối đầu với đại dịch Covid-19. Hiện nay, ở Việt Nam, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng, tạo ra 9 triệu việc làm và đóng góp hơn 40% GDP. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ so với tỷ trọng hiện nay cho nên sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân thường thấp hơn các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đội ngũ doanh nhân chưa được đào tạo sâu về quản trị sản xuất và kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ngoài ra, môi trường pháp lý cho kinh tế tư nhân chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán và chồng chéo. Để đạt được những đổi mới, cần tiếp tục cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh và sân chơi bình đẳng, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân phát triển.

 

Ông hy vọng và tin tưởng hội thảo là cơ hội để nghe, trao đổi về tình hình thực tiễn cải cách thể chế, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thể chế để phát triển kinh tế tư nhân và kết quả của hội thảo sẽ có giá trị tham khảo hữu ích trong việc tìm kiếm các giải pháp cải cách thể chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển ở Việt Nam trong thời gan tới.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu

 

Tiếp theo là lời phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh. Ông nhìn nhận kinh tế tư nhân ở Việt Nam có vị thế, vai trò rất quan trọng, được coi là động lực để phát triển kinh tế. Kinh tế tư nhân đang tồn tại trong thể chế kinh tế thị trường và trong trật tự pháp quyền. Một câu hỏi đang được Nhà nước, doanh nghiệp và người dân quan tâm là làm thế nào để cải cách thể chế đó để khuyến khích, thúc đẩy kinh tế tư nhân; khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của kinh tế tư nhân đồng thời hỗ trợ để kinh tế tư nhân vượt qua những khó khăn nhất là những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hiện nay.

 

Trong nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành 02 nghị quyết rất quan trọng, đó là Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực rất quan trọng của nền kinh tế thị trường. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều luật, văn bản dưới luật, tiến hành cải cách thể chế, cải cách hành chính, đổi mới tổ chức hoạt động của nhiều cơ quan và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách vẫn cho thấy những hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Ông mong muốn các đại biểu trao đổi, thảo luận về cải cách thể chế của doanh nghiệp, nhận diện và xóa bỏ các rào cản thực hiện quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục trong kinh doanh, cải cách thuế, gắn kết kinh tế tư nhân với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, hội nhập sâu rộng với đời sống kinh tế quốc tế và khởi nghiệp sáng tạo.

 

Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam

 

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Peter Girke cho biết, một thống kê cho thấy 85% doanh nghiệp Đức muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, nhưng 51% trong số đó lo ngại về sự chưa đầy đủ của các quy định trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, Viện KAS ủng hộ và nhất trí với đề xuất từ Viện Nhà nước và Pháp luật về việc tổ chức hội thảo với chủ đề này. Hội thảo cũng sẽ lắng nghe các tham luận, trao đổi về cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVIPA). 

 

Phiên thứ nhất hội thảo có chủ đề “Nhu cầu cải cách thể chế để phát triển kinh tế tư nhân”, do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh chủ trì. Mở đầu là tham luận của TS. Lê Duy Bình (Economica Vietnam), “Các thực thể trong nội hàm về kinh tế tư nhân và hiện trạng hiện nay”. Trước năm 1986, các doanh nghiệp tư nhân không được chính thức công nhận. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, các doanh nghiệp tư nhân vẫn tồn tại, lấp đầy những khoảng trống mà Nhà nước còn để lại. Đến Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006), Nhà nước công nhận 5 thành phần kinh tế gồm: (i) Kinh tế nhà nước; (ii) Kinh tế tư bản nhà nước; (iii) Kinh tế tập thể; (iv) Kinh tế tư nhân; (v) Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thời gian đó, Đảng và Nhà nước cũng ban hành nhiều đạo luật để tạo cơ sở pháp lý cho các thành phần kinh tế hoạt động, như Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1990), Luật Doanh nghiệp (năm 1999), Luật Đầu tư (năm 2004), Luật Doanh nghiệp sửa đổi (năm 2014) và Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII.

 

TS. Lê Duy Bình trình bày tham luận

 

Tuy nhiên, cho đến lúc này, vẫn chưa có một định nghĩa đầy đủ và toàn diện về kinh tế tư nhân: xác định các thành phần của kinh tế tư nhân, các thực thể trong kinh tế tư nhân; số liệu thống kê đầy đủ theo các thành phần và thực thể của khu vực kinh tế tư nhân. Diễn giả cũng cho rằng, cần có phương pháp tiếp cận đối với các thực thể trong khu vực kinh tế tư nhân như: hộ kinh doanh; những người hành nghề tự do, tự doanh; các thực thể mới do nền kinh tế số mang lại (những người kinh doanh trên nền tảng Internet, xe ôm công nghệ,…). Ngoài ra, Nhà nước cần đưa ra quy định để phân định giữa kinh tế tư nhân trong nước và kinh tế tư nhân nước ngoài (kinh tế đầu tư nước ngoài).

 

Tiếp theo là tham luận của TS. Tô Hoài Nam (Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) với chủ đề “Một số nhận định về công cuộc cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025 và kiến nghị đề xuất góp phần mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển”. Theo ông, việc cải cách thủ tục hành chính sẽ động chạm tới lợi ích của nhiều người, nhất là các cán bộ, công chức nhà nước. Muốn cải cách thì phải thay đổi mô hình quản lý cán bộ, công chức. Theo đó, để hoạt động của cán bộ, công chức được hiệu quả thì cần thay đổi sự giao lưu giữa khu vực công và tư, trong đó trách nhiệm giải trình phải được coi trọng.

 

Chúng ta cũng cần có pháp luật tốt. Nhiều văn bản pháp luật nếu độc lập thì khá tốt, nhưng nếu tích hợp với nhau thì xảy ra xung đột. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp cũng cần được triển khai. Hiện nay, Nhà nước chưa đưa ra chính sách khuyến khích doanh nghiệp số hóa. Tham luận cũng nhận định, cần phải điều chỉnh lại mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, trao cho địa phương nhiều quyền hơn, trung ương chỉ can thiệp vào các nội dung này khi địa phương không hoàn thành nhiệm vụ.

 

TS. Cấn Văn Lực thảo luận

 

Sau hai báo cáo, hội thảo đã tiến hành thảo luận. TS. Cấn Văn Lực (Ngân hàng BIDV) cho rằng, hai phần trình bày tham luận rất thú vị và đây là thời điểm thích hợp để bàn về kinh tế tư nhân, một trong những vấn đề quan trọng trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhìn nhận về cấu trúc của kinh tế tư nhân, Việt Nam đang thiếu các doanh nghiệp cỡ trung bình trong khi lại có nhiều doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ và có một số doanh nghiệp lại rất lớn. Vì vậy, cần phải hoàn thiện cấu trúc của khối kinh tế này để đạt được sự ổn định. Về quản trị quốc gia, Việt Nam chưa được quốc tế đánh giá cao. Ngoài sự ổn định về mặt chính trị thì chất lượng văn bản pháp luật và thượng tôn pháp luật còn yếu. Văn bản pháp luật thay đổi nhiều và sửa liên tục, tuổi đời của văn bản chỉ được từ 5-10 năm.

 

Ông cũng đưa ra thông tin từ một khảo sát của tổ chức Hàn Quốc về những rào cản, e ngại đối với hộ kinh doanh khi nâng cấp lên doanh nghiệp, đó là: cơ chế, chính sách thiếu tính nhất quán và kiên định; tính minh bạch; tham nhũng; sự bất bình đẳng; năng lực, chất lượng cán bộ, công chức. Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến của TS. Cấn Văn Lực và cho rằng những thông tin mà ông đưa ra rất bổ ích.

 

PGS.TS. Dương Đăng Huệ

 

Sau đó, PGS.TS. Dương Đăng Huệ trình bày tham luận “Một số rào cản trong việc thực hiện quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu của các chủ thể kinh doanh tư nhân”. Quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu là hai trụ cột kinh tế - pháp lý tạo ra động lực vô tận cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường, do đó đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Mặc dù vậy, các quyền này không thể tự mình đi vào cuộc sống nếu không được Nhà nước hỗ trợ và bảo đảm thực hiện bằng việc áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có việc gạt bỏ các rào cản đã từng gây khó khăn cho các nhà đầu tư tư nhân.

 

Bàn về rào cản trong việc thực hiện quyền sở hữu của nhà kinh doanh tư nhân, bài viết phân tích sâu về quyền sở hữu đối với tài nguyên nhất định, trong đó có đất đai. Đây là điểm khác biệt lớn nhất trong chế độ sở hữu của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tác giả ủng hộ quan điểm chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và khẳng định tính hợp lý, tính tất yếu của hình thức sở hữu này vì hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử của Việt Nam hiện nay.

 

Tác giả cũng đã phân tích các rào cản thực hiện quyền tự do kinh doanh và đưa ra một số quan điểm để tháo gỡ những hạn chế này.

 

Bình luận về quyền tự do kinh doanh, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, chúng ta chưa có định nghĩa cụ thể về quyền này. Quyền tự do kinh doanh có thể là quyền cạnh tranh lành mạnh, quyền tự do sở hữu và định đoạt của cá nhân kinh doanh. Nếu không có những quyền này thì cũng có thể là rào cản dẫn đến việc tham gia vào thị trường. Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, những điều kiện được đặt ra trên cơ sở khoa học cụ thể nào, nếu không thì đó cũng là rào cản.

 

Hội thảo cũng nghe tham luận “Thể chế kinh tế thị trường cho khu vực tư nhân nhìn từ góc độ hội nhập” của TS. Đinh Thị Mỹ Loan (Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam).

 

Tại phiên này, hội thảo cũng đã đón nhận những trao đổi, thảo luận của ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật), luật sư Wolfram Grünkorn (CHLB Đức), PGS.TS. Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội),…  

 

TS. Nguyễn Linh Giang (thứ ba từ phải sang) và các báo cáo viên của phiên hai

 

Buổi chiều, hội thảo diễn ra phiên hai với chủ đề “Hỗ trợ kinh tế tư nhân hội nhập và phát triển” do TS. Nguyễn Linh Giang (Viện Nhà nước và Pháp luật) làm chủ tọa. Mở đầu phiên là báo cáo của bà Frauke Schmidz-Bauerdick (Giám đốc Thương mại và Đầu tư CHLB Đức tại Việt Nam), “EVFTA và EVIPA: Cơ hội và thách thức đối với kinh tế tư nhân ở Việt Nam”. Bài viết đã phân tích những lợi ích, cơ hội và thách thức đối với kinh tế tư nhân Việt Nam sau khi ký kết EVFTA và EVIPA. Tác giả đã đưa ra những gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam để có thể có được lợi ích từ hiệp định này: vấn đề công nghệ, vốn, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể đưa sản phẩm vào thị trường EU. Hiện nay, EVFTA đã có hiệu lực hơn một tháng. Bộ Công thương đã có khảo sát, kết quả cho thấy những tín hiệu tích cực ban đầu từ phía doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều thách thức để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh ở thị trường EU.

 

Tiếp theo, luật sư Wolfram Grünkorn trình bày tham luận về chủ đề “Cải cách thuế theo yêu cầu của Hiệp định EVFTA và EVIPA”. Bài trình bày đã đánh giá toàn bộ hệ thống thuế và thực thi pháp luật thuế ở Việt Nam. Theo ông Wolfram Grünkorn thì Việt Nam không cần điều chỉnh nhiều lắm hệ thống pháp luật thuế để đáp ứng các cam kết của EVFTA. Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức đối với Việt Nam, chẳng hạn như thực thi chính sách thuế như thế nào để không thất thu và đồng thời vẫn thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Quan trọng hơn cả là vấn đề thực thi các quy định pháp luật, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế ở Việt Nam.

 

Bà Frauke Schmidz-Bauerdick và luật sư Wolfram Grünkorn (ngồi giữa)

 

Sau hai tham luận trên, hội thảo tiếp tục tiến hành thảo luận. ThS. Nguyễn Thu Dung (Viện Nhà nước và Pháp luật) đặt câu hỏi cho bà Frauke Schmidz-Bauerdick: Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện đang yếu về nhiều mặt. Vậy vai trò của Nhà nước là như thế nào và đâu là giải pháp then chốt để Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa?”

 

Bà Frauke Schmidz-Bauerdick cho rằng, Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã làm rất nhiều để hỗ trợ khối doanh nghiệp này nhưng có sự khác biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận vốn, nguồn lực và thông tin. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có nhiều thông tin hơn nữa, để có được điều này thì nhân viên cần được đào tạo tốt hơn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa trước hết phải hiểu mình đang thiếu cái gì thì mới có thể biết mình cần thông tin gì. Sự hỗ trợ của Nhà nước là chính sách tiếp cận vốn, thủ tục hành chính còn ý tưởng kinh doanh là từ doanh nghiệp.

 

Các đại biểu, nhà khoa học đã trao đổi, bình luận về các vấn đề: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở CHLB Đức; thuế thương mại điện tử xuyên biên giới; tránh đánh thuế hai lần; lạm dụng sức lao động của trẻ em;…

 

Sau đó, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị trình bày tham luận “Tiếp cận quyền sử dụng đất của chủ thể kinh tế tư nhân”. Bài viết chỉ ra những bất cấp, hạn chế trong thực trạng pháp luật đất đai từ góc độ bảo đảm quyền sử dụng đất của chủ thể kinh tế tư nhân. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá, các cơ quan, tổ chức không có động cơ để lên phương án đấu giá quyền sử dụng đất nhằm thu lợi cho chủ sở hữu toàn dân; không có ai giám sát quá trình đấu giá mà hoàn toàn do cơ quan hành pháp thực hiện. Điều này không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, vô tư, khách quan khi tổ chức đấu giá. Ngoài ra, thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất có những bất cập: giá đất áp dụng để tính tiền sử dụng đất là giá cụ thể, không quá quá trình thương lượng hay đấu giá để xác định giá thị trường; các cơ quan nhà nước chưa có sự gắn kết hai thủ tục trao quyền sử dụng đất, thủ tục trao quyền sử dụng đất thông qua đấu giá do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, còn thủ tục lựa chọn chủ đầu tư do Bộ Xây dựng thực hiện;…

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Để hoàn thiện pháp luật góp phần bảo đảm cho kinh tế tư nhân tiếp cận quyền sử dụng đất, tác giả đề xuất một số định hướng chính:

  • Thực hiện chính sách phân quyền, phân cấp giữa trung ương và chính quyền địa phương, thực hiện quy hoạch vùng, chính sách vùng và chính sách cạnh tranh giữa các vùng;
  • Hoàn thiện các quy định về phân bổ đất đai ở Việt Nam;
  • Cần có quy định hạn chế/kiểm soát hoạt động chuyển quyền sử dụng đất bằng hình thức chỉ định đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đổi đất lấy cơ sở hạ tầng;
  • Bổ sung các quy định về vốn hóa đất công và tài sản công gắn liền với đất;
  • Pháp luật đất đai cần được sửa đổi, bổ sung quy định trao quyền cho tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức để đầu tư trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.

Trong phiên này, các đại biểu, nhà khoa học cũng lắng nghe hai tham luận: “Cải cách thể chế để kinh tế tư nhân gắn kết với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” của TS. Phạm Sỹ An (Viện Kinh tế Việt Nam); “Khai thác thương mại đối với các quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa” của PGS.TS. Lê Mai Thanh (Viện Nhà nước và Pháp luật).

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Peter Girke đánh giá cao những ý kiến và tham luận của quý vị đại biểu. Bầu không khí và tinh thần chia sẻ, thảo luận tại hội thảo cũng rất sôi nổi. Ông nhận xét, kinh tế là một trong những trụ cột chính của Cộng đồng chung ASEAN, các FTA ở quy mô ASEAN và EU đặt ra yêu cầu cần có nhiều nỗ lực cải cách hơn nữa để cải thiện môi trường cho kinh tế tư nhân. Các quy định pháp luật cũng cần được hoàn thiện để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng, những ý kiến tại hội thảo đã khẳng định kinh tế tư nhân ở Việt Nam mới phát triển nhưng đóng vai trò rất quan trọng, tạo ra những đổi mới. Hội thảo đã đưa ra những gợi mở và giải pháp để đóng góp vào công cuộc cải cách thể chế để phát triển kinh tế tư nhân, tạo ra sự quan tâm đối với sự nghiệp phát triển và hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân. Ông khẳng định, hội thảo đã đạt được những thành công nhất định và thu hút được sự quan tâm của dư luận.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cảm ơn Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam, các quý vị đại biểu, các báo cáo viên đã cung cấp cho hội thảo những tri thức quý báu. Ông hy vọng, trong thời gian tới Viện Nhà nước và Pháp luật sẽ tiếp tục phối hợp với Viện KAS để tổ chức những diễn đàn khoa học hữu ích như thế này.

Các tin cùng chuyên mục: