•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo quốc tế “Phòng chống tác hại của thuốc lá – Nghiên cứu so sánh pháp luật Pháp và Việt Nam”

18/10/2023
Hội thảo diễn ra ngày 05/10/2023 tại Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Hà Nội, do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Aix Marseille (Pháp) tổ chức.

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội)

phát biểu khai mạc hội thảo

 

Hội thảo chào mừng sự có mặt của ông Béla Hegedus (Phó Tham tán phụ trách tư pháp, pháp lý, quản trị của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam), GS. Laurent Sermet (Giám đốc, Tổ chức Đại học Pháp ngữ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương), GS. Antoine Leca (Đại học Aix Marseille, Pháp), PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật), bà Nguyễn Thị Hồng Diễm (Bộ Y tế), ThS.BS. Nguyễn Thị An (Giám đốc Tổ chức Health Bridge). Hội thảo cũng có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các các viện nghiên cứu, trường đại học bằng hình thức trực tiếp cũng như trực tuyến trên nền tảng Zoom.

 

Ông Béla Hegedus, Phó Tham tán Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, phát biểu

 

Hội thảo thu nhận được 21 tham luận từ các nhà khoa học, nhà hoạt động chuyên môn của Việt Nam và Pháp, trong đó có 12 tham luận được trình bày trực tiếp. Viện Nhà nước và Pháp luật có 08 tham luận của các nhà khoa học.

 

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho rằng, Hội thảo “Phòng chống tác hại của thuốc lá – Nghiên cứu so sánh pháp luật Pháp và Việt Nam” là diễn đàn để những nhà nghiên cứu, người làm việc trong lĩnh vực y tế trao đổi chuyên môn, đưa ra góc nhìn đa chiều và đề ra những giải pháp pháp lý hiệu quả đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá. Ông Béla Hegedus cho biết, Đại sứ quán Pháp luôn sẵn sàng kết nối, hỗ trợ tổ chức các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo luật của hai nước.

 

GS. Laurent Segmet

 

Sau phần phát biểu chào mừng, hội thảo bắt đầu phiên thứ nhất với chủ đề “Pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá – tiếp cận chung”. Chủ trì phiên là GS. Laurent Sermet, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS. Nguyễn Linh Giang. GS. Laurent Sermet cho biết, đây là hội thảo thứ hai có sự hợp tác giữa Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Aix Marseille với chủ đề pháp luật về sức khỏe. Hội thảo lần này sẽ phân tích những vấn đề đặt ra trong pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá từ nhiều góc độ khác nhau như lịch sử, y tế, văn hóa, kinh tế, xã hội… Ông đã trình bày tham luận của mình có nội dung chính về công tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong triển khai phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề về đạo đức cũng như quan điểm về việc cấm, không cấm hay hạn chế sử dụng thuốc lá.

 

Tiếp theo, TS. Nguyễn Linh Giang trình bày tham luận “Pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam: Tiếp cận so sánh với khung khổ pháp luật quốc tế”. Khung khổ pháp luật quốc tế về phòng chống tác hại thuốc lá được điều chỉnh chủ yếu bởi Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá và các văn bản có liên quan của Công ước. Là thành viên của Công ước này, Việt Nam có nghĩa vụ nội luật hóa và thực thi các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá trong Công ước. Hiện tại, khung pháp luật của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các văn bản: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Quảng cáo 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Bộ luật Hình sự năm 2017, Luật Trẻ em năm 2016 cùng các đạo luật và các văn bản dưới luật khác.

 

TS. Nguyễn Linh Giang trình bày tham luận

 

Bài viết tiếp cận so sánh khung khổ pháp luật của Việt Nam với các quy định của Công ước, cụ thể là: (i) Các biện pháp giảm cầu thuốc lá (giá và thuế, bảo vệ khỏi việc phơi nhiễm khói thuốc, hàm lượng, thành phần, đóng gói, giáo dục…); (ii) Các biện pháp giảm cung thuốc lá (loại bỏ các hình thức buôn bán bán bất hợp pháp, cấm bán thuốc lá cho trẻ em); (iii) Các biện pháp khác. Từ những phân tích, so sánh trong các quy định trên, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, pháp luật Việt Nam vẫn còn một số vấn đề sau:

  • Không giải thích hay định nghĩa về thuật ngữ “hút thuốc”;
  • Chưa định nghĩa về các thuật ngữ “hút thuốc thụ động”, “phơi nhiễm với khói thuốc”;
  • Không có quy định về cấm hút thuốc lá trong các phương tiện cá nhân có trẻ em dưới 18 tuổi;
  • Mức thuế và giá bán các sản phẩm thuốc lá ở mức thấp của thế giới.

Sau đó, hội thảo lắng nghe tham luận của PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), “Pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam: bối cảnh, những nỗ lực lập pháp và những thách thức còn lại”. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 thể hiện nỗ lực lớn lao của Chính phủ và cộng đồng trong phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, vẫn còn đó khoảng cách khá xa giữa pháp luật và đời sống, giữa quy định quốc gia và cam kết quốc tế, giữa mục tiêu và giải pháp thực thi… Để pháp luật phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu quả thì cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Về yếu tố chính trị, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/05/2023 về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn thực hiện và xây dựng những giải pháp mạnh mẽ, dồng bộ. Ngoài ra, chúng ta cũng đã thành lập Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, thể hiện cam kết chính trị của Nhà nước về thiết lập nguồn kinh phí để thực hiện hoạt động của Quỹ. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn những điểm mờ, chưa quyết liệt trong giảm nguồn cung thuốc lá do chưa kiểm soát tốt thuốc lá lậu. Việc buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận, tới trên 400% do không chịu bất cứ khoản thuế, phí nào, trong khi thuốc lá nhập khẩu chính ngạch chịu thuế từ 100% đến 202% cùng thuế giá trị gia tăng 10%.

 

TS. Nguyễn Linh Giang và PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (bên phải)

 

Ngoài ra, bài viết còn chỉ ra những thách thức khác là thiết chế thực thi, hợp tác quốc tế và hoạt động của mạng lưới xã hội. Tác giả kết luận, điều kiện tiên quyết để hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá được thực thi tốt là phải dựa trên sức mạnh của cơ quan thực thi và sự chịu trách nhiệm của mỗi tổ chức. Trong quy trình đó, nguyên tắc cơ bản cần được quản triệt là quyền sức khỏe của con người.

 

Một tham luận khác tại phiên này nói về thuốc lá điện tử do bà Nguyễn Hạnh Nguyên (Tổ chức Health Bridge) thay mặt PGS.TS. Vũ Công Giao (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhóm nghiên cứu của Tổ chức Health Bridge trình bày. Bài viết phân tích khái niệm, đặc điểm, sự phát triển và những tác hại nhiều mặt của dạng thuốc lá mới này với giới trẻ. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích, đánh giá thực trạng sử dụng và pháp luật hiện hành, từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện để kiểm soát thuốc lá điện tử trong những năm tới. Như thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử có chứa các chất độc hại, gây bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút và những người “hút thụ động”. Ở nước ta, hiện đã có đủ bằng chứng tin cậy cho thấy việc cấm thuốc lá điện tử sẽ thúc đẩy các mục tiêu y tế công cộng như: Bảo vệ giới trẻ trước nạn nghiện nicotine; ngăn chặn giới trẻ hút thuốc lá; giảm tỷ lệ hút thuốc lá chung và giảm gánh nặng sức khỏe do thuốc lá gây ra. Vì thế, Nhà nước nên có quy định cấm mọi loại thuốc lá mới, bao gồm cả thuốc lá điện tử.

 

Tại phiên này, ngoài các tham luận nêu trên, hội thảo còn diễn ra các tham luận: “Thuốc lá và hút thuốc lá ở Việt Nam – Tiếp cận lịch sử, kinh tế và pháp lý” của PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, TS. Nguyễn Văn Quân (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Cải cách pháp luật về nhãn và bao bì thuốc lá: Thách thức từ nhu cầu cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” của TS. Đỗ Giang Nam (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội).

 

TS. Bùi Xuân Phái trao đổi tại hội thảo

 

Thảo luận tại hội thảo, TS. Bùi Xuân Phái (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, trao đổi về phòng chống tác hại của thuốc lá thì ngoài nhìn từ góc độ pháp luật thì góc độ xã hội đóng vai trò rất quan trọng, trong đó đặc biệt là vấn đề tuyên truyền. Hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá còn chưa khả thi trên thực tế.

 

Bàn về kỹ thuật lập pháp trong pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, theo ông Vũ Văn Huân (Viện NC Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội), việc pháp điển Bộ luật Hình sự quá rộng dẫn đến việc khi cần sửa các quy phạm về xử lý trách nhiệm liên quan đến thuốc lá thì cần phải chờ đến lúc sửa Bộ luật Hình sự, cho nên cần quy định luôn các quy phạm luật hình sự cụ thể trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Ở Việt Nam, ngoài thuốc lá thì còn có sản phẩm khác tương tự là thuốc lào. TS. Trần Văn Biên (Viện Nhà nước và Pháp luật) nhìn nhận, Nhà nước cần đưa ra các quy định cụ thể về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì, nguyên liệu, thuế… với sản phẩm thuốc lào.

 

GS. Antoine Leca (khung hình bên phải) tham gia hội thảo qua hình thức trực tuyến

 

Buổi chiều, hội thảo diễn ra phiên thứ hai với chủ đề “Các biện pháp bảo vệ quyền và bảo đảm thực hiện pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá” do GS. Antoine Leca, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh và TS. Nguyễn Linh Giang đồng chủ trì. Mở đầu phiên là tham luận của GS. Antoine Leca, “Cỏ chứa nicotine: 500 năm lịch sử - từ bán ở nhà thuốc tới việc chống lại thuốc lá”. Ông cho biết những thông tin về nguồn gốc của thuốc lá, nơi ra đời loài cây này, thời gian con người phát hiện ra cách sơ chế, cách dùng cho đến khi trở thành một sản phẩm được tiêu thụ phổ biến như hiện nay. Năm 1629, thuốc lá bắt đầu có mặt trong các nhà thuốc ở Pháp và sau vài năm, Nhà nước bắt đầu thu thuế. Khi đó, thuốc lá cũng là một loại thuốc, có trong đơn thuốc của bác sĩ và những người bào chế được độc quyền cung cấp cho các nhà thuốc. Sau đó, theo thời gian, thuốc lá ngày càng phổ biến trong mọi giới, mọi tầng lớp người dân. Trong thời gian qua, Pháp đã đưa ra nhiều chính sách pháp luật để giảm việc sử dụng thuốc lá. Hiện nay, thuốc lá bị cấm ở các trường đại học. Phát biểu kết luận báo cáo của mình, GS. Antoine Leca đưa ra câu hỏi mở: Tại sao thuốc lá vẫn chưa bị cấm khi rất có hại cho sức khỏe? Tại sao Chính phủ thu được rất nhiều tiền từ thuế thuốc lá nhưng mức chi cho bảo vệ sức khỏe người dân lại thấp?

 

Tiếp theo, ThS.BS. Nguyễn Thị An trình bày tham luận “Phòng chống tác hại của thuốc lá và bảo đảm quyền trẻ em ở Việt Nam”. Bài viết đưa ra các số liệu chứng minh tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá ở trẻ em trong thời gian gần đây, cùng với đó là nguyên nhân của tình trạng này đó là: (i) Thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm yếu, thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị liên quan; (ii) Giá thuốc lá rẻ; (iii) Được thiết kế đa dạng màu sắc, kiểu dáng, hương vị hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu giới trẻ.

 

ThS.BS. Nguyễn Thị An (bên phải) giới thiệu tham luận tại hội thảo

 

Phòng chống tác hại của thuốc lá chính là để bảo đảm các quyền của trẻ em. Từ những nguyên nhân trên, bài viết đã đề xuất các giải pháp, một trong số đó là công tác truyền thông để nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, nhà trường trong việc phòng ngừa trẻ em tiếp cận và sử dụng thuốc lá.

 

Tham luận thứ ba tại phiên này có chủ đề “Cơ chế thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam hiện nay” của TS. Lê Thương Huyền (Viện Nhà nước và Pháp luật). Tác giả đưa ra nhiều ví dụ thực tiễn minh họa cơ chế thực thi hiện nay cũng như đánh giá hiệu quả của cơ chế này thông qua hoạt động quản lý nhà nước, phối hợp liên ngành, cơ chế giám sát, xử lý vi phạm. Bài viết cũng nêu lên vai trò của các tổ chức xã hội, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong phòng chống tác hại của thuốc lá.

 

Bình luận về bài viết của GS. Antoine Leca và TS. Lê Thương Huyền, TS. Nguyễn Linh Giang ấn tượng với thông tin ở Pháp có 28.000 điểm bán lẻ thuốc lá và những cửa hàng này phải đăng ký với Nhà nước. Điều này chứng tỏ công tác quản lý ở Pháp rất tốt, trong khi với Việt Nam thì không có số liệu gì từ các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, có thể thấy hiệu quả về cơ chế thực thi phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn còn là một vấn đề lớn ở Việt Nam.

 

TS. Hoàng Kim Khuyên (bên phải)

 

Hội thảo tiếp tục lắng nghe một tham luận nữa của TS. Hoàng Kim Khuyên, Viện Nhà nước và Pháp luật với chủ đề “Bảo đảm pháp lý về tiêu chuẩn không khói thuốc lá tại nơi làm việc ở Việt Nam hiện nay”. Bài viết tập trung phân tích các quy định của pháp luật quốc tế về tiêu chuẩn không khói thuốc lá tại nơi làm việc và thực trạng bảo đảm ở Việt Nam. Khói thuốc lá là nguồn quan trọng nhất gây ô nhiễm không khí trong môi trường làm việc. Nó cũng có thể tương tác với các rủi ro nghề nghiệp khác, tăng thêm sự nguy hiểm cho sức khỏe người lao động. Chính sách kiểm soát thuốc lá toàn diện là một biện pháp kiểm soát hiệu quả nhất để bảo vệ người lao động. Với nhận thức ngày càng tăng về mối nguy hiểm của khói thuốc lá trong môi trường, ngày càng có nhiều người lao động được bảo vệ bởi luật pháp và chính sách cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc. Một trong những giải pháp để bảo đảm tiêu chuẩn không khói thuốc lá tại nơi làm việc được TS. Hoàng Kim Khuyên nêu ra là cần đưa quy định về “quyền có một nơi làm việc không khói thuốc lá” vào trong Luật Việc làm hoặc Bộ luật Lao động hay Luật An toàn vệ sinh lao động.

 

Trong phiên hai này, các nhà khoa học cũng lắng nghe các tham luận: “Khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công cộng – một phương thức góp phần phòng chống tác hại của thuốc lá” của TS. Nguyễn Bích Thảo và TS. Ngô Thanh Hương (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Bảo vệ chủ thể phơi nhiễm khói thuốc thông qua hệ thống pháp luật bồi thường thiệt hại” của TS. Nguyễn Thị Phương Châm và ThS. Đào Trọng Khôi (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá điếu bằng biện pháp hình sự và hành chính” của TS. Nguyễn Thị Hường (Viện Nhà nước và Pháp luật).

 

Các đại biểu, nhà khoa học tham gia hội thảo chụp hình lưu niệm

 

Trao đổi tại hội thảo, TS. Phạm Thị Duyên Thảo (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nhận thức là nền tảng và mục tiêu hướng đến trong quá trình thực hiện pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá. Bà nhìn nhận, nội dung của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 và các văn bản quy phạm dưới luật có sự tương thích ở mức khá với Công ước khung của WHO. Tuy nhiên, việc áp dụng lại không khả thi là do nhận thức còn yếu và mỏng, với 3 nhóm chính: Nhận thức về quyền; nhận thức trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật; nhận thức về việc giáo dục trong gia đình.

 

Hội thảo cũng nhận được các ý kiến thảo luận của các nhà khoa học khác về các vấn đề: Chế định giảm nhẹ trách nhiệm chứng minh của nguyên đơn là người bị ảnh hưởng từ tác hại của thuốc lá; vụ việc Uruguay thắng trong cuộc chiến pháp lý với Công ty Thuốc lá Philip Morris; địa điểm cấm hút thuốc lá…

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh cám ơn các nhà khoa học đã tham gia và phát biểu trao đổi nhiệt tình tại hội thảo. Bà hy vọng và mong muốn trong thời gian tới sẽ diễn ra các hội thảo theo chuỗi nghiên cứu pháp luật về sức khỏe, y tế.

Các tin cùng chuyên mục: