•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Xây dựng mô hình hiệu lực của quyền hiến định trong luật tư ở Việt Nam”

23/01/2024
Ngày 17/01/2024, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo về chủ đề “Xây dựng mô hình hiệu lực của quyền hiến định trong luật tư ở Việt Nam”. Đây là hoạt động khoa học trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu tiềm năng của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Nafosted mã số 18/2022/TN, “Xây dựng mô hình hiệu lực của quyền hiến định trong luật tư”. Hội thảo được tổ chức tại Hội trường tầng 1, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS. Bùi Tiến Đạt (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội). Tham gia hội thảo có, về phía Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS.TS. Mai Văn Thắng (Trưởng Phòng Quản lý khoa học và hợp tác phát triển, thành viên đề tài), TS. Đỗ Giang Nam (Phó Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự, Thư ký đề tài); TS. Nguyễn Bích Thảo (Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự, thành viên đề tài), TS. Nguyễn Văn Quân (thành viên đề tài), TS. Nguyễn Quang Đức (thành viên đề tài); về phía Viện Nhà nước và Pháp luật có TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện), TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng), TS. Trần Văn Biên (Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật) cùng các thành viên đề tài và đông đảo giảng viên, nhà nghiên cứu của hai đơn vị.

 

PGS.TS. Bùi Tiến Đạt và TS. Nguyễn Linh Giang chủ trì phiên thứ nhất của hội thảo

 

Hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên thứ nhất “Lý luận về hiệu lực của quyền hiến định trong luật tư” do PGS.TS. Bùi Tiến Đạt và TS. Nguyễn Linh Giang chủ trì. Mở đầu là tham luận “Hiệu lực của quyền hiến định trong luật tư: Xu thế nghiên cứu trên thế giới và triển vọng ở Việt Nam” của TS. Đỗ Giang Nam. Hiệu lực của quyền hiến định đối với quan hệ giữa các chủ thể tư là một trong những chủ đề quan trọng ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới. Bài viết bước đầu nhận diện, phân tích, đánh giá một cách toàn diện và hệ thống các vấn đề pháp lý cơ bản về hiệu lực của quyền hiến định trong luật tư từ cả hai góc độ là hiệu lực theo chiều dọc trong mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và hiệu lực theo chiều ngang trong mối quan hệ giữa các chủ thể tư với nhau. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất nhu cầu và triển vọng nghiên cứu vấn đề hiệu lực của quyền hiến định trong luật tư ở Việt Nam.

 

Nhận thức về hiệu lực theo chiều dọc của quyền hiến định phụ thuộc vào nhận thức về phạm vi và mức độ bảo vệ quyền, được phản ánh rõ nét theo tinh thần Khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948: “Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những giới hạn do pháp luật quy định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”.

 

Bên cạnh hiệu lực quyền hiến định theo chiều dọc, một hiện tượng đáng chú ý gần đây là xu thế xích lại gần nhau giữa luật công và luật tư, cụ thể là sự gia tăng các ảnh hưởng của quyền hiến định lên quan hệ theo chiều ngang giữa các chủ thể luật tư với 3 mô hình lý luận là: (i) Cho phép áp dụng trực tiếp quyền hiến định trong quan hệ giữa các chủ thể luật tư; (ii) Không cho phép áp dụng quyền hiến định trong quan hệ giữa các chủ thể luật tư; (iii) Cho phép áp dụng gián tiếp quyền hiến định trong quan hệ giữa các chủ thể luật tư.

 

TS. Đỗ Giang Nam, Thư ký đề tài

 

Nhìn nhận về triển vọng cho hướng nghiên cứu mới về hiệu lực quyền hiến định trong lĩnh vực luật tư ở Việt Nam, tác giả đưa ra ví dụ về quyền tự do kinh doanh. Việc nhận thức nội hàm quyền cần theo tư duy hai bước. Bước thứ nhất, xác định phạm vi của quyền tự do kinh doanh được ghi nhận trong Hiến pháp; bước thứ hai, xác định mức độ bảo vệ quyền bằng việc phân tích và đánh giá các giới hạn quyền được thể hiện trong các văn bản dưới Hiến pháp. Đặc biệt, việc ghi nhận về nguyên tắc giới hạn quyền tại Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã tạo một nền tảng quan trọng để vận dụng học thuyết tương xứng nhằm đánh giá tính hợp hiến của quy phạm dưới Hiến pháp ở Việt Nam giới hạn quyền tự do kinh doanh thông qua việc kiểm tra bốn bước: (i) Giới hạn quyền phải có mục đích chính đáng; (ii) Biện pháp hạn chế quyền phải phù hợp với mục đích cần đạt được; (iii) Giới hạn quyền là biện pháp phù hợp nhất để đạt được mục tiêu; (iv) Những thiệt hại do hạn chế quyền không được lớn hơn những lợi ích mang lại.

 

Từ những phân tích cụ thể trên, bài viết cho rằng, triển vọng của việc tiếp tục mở rộng nghiên cứu một cách toàn diện để đánh giá và xây dựng mô hình hiệu lực quyền hiến định theo chiều dọc đối với các quyền hiến định trong các lĩnh vực luật tư ở Việt Nam là rất lớn. Đây sẽ là làn sóng nghiên cứu thứ hai để kế thừa và phát triển những thành tựu quan trọng trước đó của làn sóng nghiên cứu thứ nhất về lý thuyết chung về giới hạn quyền ở Việt Nam.

 

Tham luận thứ hai là của PGS.TS. Mai Văn Thắng, “Tư duy phân chia luật công và luật tư và tác động của nó đến hiệu lực của quyền hiến định trong luật tư”. Mở đầu, tác giả giới thiệu về sự ra đời của trường phái pháp luật tự nhiên cổ điển trong Luật La Mã với quan niệm muốn bảo vệ quyền con người thì phải kiểm soát các ông chủ thể công bằng các biện pháp can thiệp của Nhà nước để từ đó luật công được hình thành. Về tư duy phân chia luật công và luật tư, PGS.TS. Mai Văn Thắng đưa ra 3 hướng tiếp cận: (i) Tiếp cận nội dung; (ii) Tiếp cận hình thức; (iii) Dựa trên tính chất phân quyền pháp lý, tập quyền pháp lý. Với hướng tiếp cận thứ ba, luật công là nơi trung tâm nắm giữ quyền lực (tập trung pháp lý), còn luật tư thì quyền lực thuộc nhiều chủ thể (phân quyền pháp lý). Chẳng hạn, luật dân sự, luật lao động hay luật thương mại khác từ tính chất quyền lợi, tính chất quan hệ xã hội hay tính chất điều chỉnh.

 

PGS.TS. Mai Văn Thắng

 

Trong giai đoạn pháp quyền, bắt đầu có sự xuất hiện của hiến pháp hiện đại với bản chất không phải chỉ mỗi quyền lực nhà nước mà trong đó còn hình thành ra nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước nhằm bảo vệ các giá trị mà xã hội theo đuổi, khác với bản chất hiến pháp trước kia chỉ tập trung vào yếu tố quyền lực. Hiến pháp không chỉ là nguồn của luật công mà còn là nền tảng của cả hệ thống pháp luật. Hiến pháp tác động vào lĩnh vực dân sự là đương nhiên nhưng tác động như thế nào là vừa đủ là câu trả lời quan trọng.

 

Bộ luật Dân sự là hiến pháp của luật tư. Hiến pháp được coi là khế ước, thỏa thuận dựa trên sự tự do, bình đẳng, đồng thuận. Các quy định của Hiến pháp không thỏa thuận về lợi ích tư mà là bảo vệ các lợi ích công (cộng đồng chính trị). Đây là nguyên lý để kiểm soát khế ước xã hội, trong khi đó khế ước dân sự thì chỉ thỏa thuận lợi ích tư.

 

Tác giả cho rằng, pháp quyền hiện đại chính là nhân quyền. Nhân quyền tư quá thì không thể bền vững. Hiến pháp là để thiết lập sự đồng thuận giữa các giá trị, với nhân quyền đặt trong bối cảnh tổng thể thì đó là vai trò của Hiến pháp. Ở Việt Nam, sự phân biệt giữa luật công và luật tư là rất cần thiết mà điểm kết nối và trung tâm là Hiến pháp và dựa vào cái giá trị cao nhất là nhân quyền. Sự can thiệp của Hiến pháp là đúng nhưng nếu lạm dụng không có mô hình, nguyên lý can thiệp sẽ dẫn đến các giá trị của con người có thể hủy hoại các giá trị của xã hội.

 

Tiếp theo, TS. Nguyễn Tiến Đức (Viện Nhà nước và Pháp luật) trình bày tham luận “Mối quan hệ giữa luật hiến pháp và luật tư”. Bài viết thể hiện quan điểm sự lên ngôi của quyền con người dẫn đến xu hướng hiến pháp hóa trong luật tư sẽ ngày càng tăng lên. Một minh chứng cụ thể, rõ nét cho quan điểm này là việc ghi nhận quyền con người trong Hiến pháp.

 

TS. Nguyễn Tiến Đức (thứ ba từ phải sang) trình bày tham luận

 

Sau đó, Hội thảo diễn ra phiên thứ hai “Hiệu lực của quyền hiến định trong luật tư – góc nhìn từ một số lĩnh vực” do TS. Nguyễn Linh Giang và TS. Đỗ Giang Nam đồng chủ trì. Báo cáo mở đầu là của NCS. Nguyễn Thu Dung (Viện Nhà nước và Pháp luật), “Hiệu lực của quyền hiến định trong lĩnh vực tổ chức kinh doanh”. Từ việc đưa ra khái niệm và điểm đặc thù của quyền tự do kinh doanh, tác giả xác định 3 quyền hiến định chính trong lĩnh vực tổ chức kinh doanh (tự do gia nhập thị trường, tự do hoạt động trên thị trường, tự do rút lui khỏi thị trường). Bài viết đưa ra những so sánh giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam về hiệu lực theo chiều dọc và chiều ngang của các quyền hiến định này. Theo đó, về hiệu lực quyền tự do kinh doanh theo chiều dọc, xét ở khía cạnh quy phạm hóa, quyền này được giải thích tại Điều 16 Hiến chương về các quyền cơ bản của EU năm 2009, quy định quyền tự do kinh doanh phải tuân thủ pháp luật của EU, pháp luật quốc gia vào việc giải thích điều khoản này căn cứ vào các án lệ. Cụ thể hơn, quyền tự do kinh doanh là quyền tự do thực hiện các hoạt động kinh tế, thương mại và bao gồm cả quyền tự do hợp đồng và được thực hiện dựa trên sự tôn trọng pháp luật của EU và pháp luật quốc gia. Nguyên tắc giới hạn quyền được thể hiện trong Điều 52 của Hiến chương. Xét ở góc độ Hiến pháp, EU đã ghi nhận trách nhiệm pháp lý của quyền cũng như nguyên tắc xác định tính cần thiết, tính tương xứng của các biện pháp giới hạn quyền. Đối chiếu với quy định của Hiến pháp Việt Nam, cụ thể tại Điều 14 “…hạn chế quyền con người, quyền công dân trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏa của cộng đồng” và Điều 33 “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” cho thấy giữa Việt Nam và EU có những điểm tương đồng. Tuy nhiên, sử dụng thuật ngữ “pháp luật” hay “luật” trong các biện pháp giới hạn quyền gây ra sự chưa đồng nhất, nhiều ý kiến bày tỏ việc sử dụng thuật ngữ có thể mở rộng phạm vi hình thức, cũng có quan điểm cho rằng dùng thuật ngữ “pháp luật” sẽ bao gồm cả các đạo luật và các quy phạm pháp luật.

 

Ngoài việc so sánh hiệu lực theo quy phạm Hiến pháp, tham luận còn đưa ra các so sánh hiệu lực theo quy phạm dưới Hiến pháp để từ đó đưa ra một số nhận định sơ bộ về hiệu lực của quyền hiến định trong tổ chức kinh doanh ở Việt Nam. Trong hoạt động xây dựng pháp luật, các biểu hiện phần nào khẳng định giá trị Hiến pháp đã có sức lan tỏa và tác động tới các quan hệ pháp luật tư dù ở chiều dọc hay chiều ngang trong lĩnh vực tổ chức kinh doanh. Trong hoạt động áp dụng pháp luật, biểu hiện hiệu lực quyền hiến định còn tương đối mờ nhạt khi chưa có bản án, hoặc quyết định nào viện dẫn Hiến pháp hoặc lồng ghép giá trị Hiến pháp trong các lập luận để giải quyết tranh chấp tư.

 

NCS. Nguyễn Thu Dung (bìa phải) với tham luận "Hiệu lực của quyền hiến định trong lĩnh vực tổ chức kinh doanh"

 

Sau đó, Chủ nhiệm Đề tài, PGS.TS. Bùi Tiến Đạt giới thiệu và đánh giá kết quả khảo sát của đề tài về hiệu lực, tác động của quyền hiến định trong luật tư ở Việt Nam.

 

Kết quả khảo sát về cơ bản đã đóng góp hữu ích cho việc kiểm nghiệm, đánh giá các giả thuyết/lập luận của nhóm nghiên cứu, cung cấp thêm thông tin, góc nhìn, quan điểm cho nhóm nghiên cứu. PGS.TS. Bùi Tiến Đạt cho biết, Đề tài sẽ cần đánh giá thêm theo từng nhóm người khảo sát (công việc, thâm niên, nơi làm việc…), đánh giá về những giải thích thêm ở các câu trả lời của người khảo sát cũng như kết hợp khảo sát với phỏng vấn sâu chuyên gia.

 

Tham luận cuối phiên cũng là chủ đề chính của hội thảo do TS. Nguyễn Linh Giang trình bày, “Xây dựng mô hình về hiệu lực quyền hiến định trong luật tư ở Việt Nam”. Bài viết gồm 3 phần:

  • Cách thức quy định quyền hiến định trong luật tư ở Việt Nam;
  • Triển vọng xây dựng mô hình về hiệu lực quyền hiến định trong luật tư ở Việt Nam;
  • Quan điểm và giải pháp xây dựng mô hình về hiệu lực quyền hiến định trong luật tư ở Việt Nam hiện nay.

Nhìn nhận về triển vọng xây dựng mô hình về hiệu lực quyền hiến định trong luật tư ở Việt Nam, TS. Nguyễn Linh Giang chỉ ra những thuận lợi hiện nay. Nước ta đang đi theo mô hình áp dụng trực tiếp quyền hiến định trong quan hệ giữa các chủ thể luật tư. Việt Nam đã tham gia vào 7/9 công ước quốc tế về quyền con người và đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng về quyền con người. Một điểm thuận lợi nữa mà không thể không nhắc đến là chúng ta bắt đầu coi án lệ là nguồn của pháp luật. Bên cạnh những thuận lợi thì chúng ta đang đối mặt với một số thách thức, trong đó có việc đánh giá tác động của quy phạm pháp luật chưa làm hoặc làm chưa tốt, chưa có cơ chế bảo hiến tập trung…

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga thảo luận tại hội thảo

 

Thảo luận tại hội thảo, theo TS. Phạm Thị Thúy Nga, trên thực tế, một số vụ việc với bản án có trích dẫn Hiến pháp không phải là ví dụ để khẳng định có thể áp dụng trực tiếp Hiến pháp trong lĩnh vực luật tư. Ngoài ra, những vụ việc này đang nhắc đến khoảng trống của pháp luật. Hiện nay, đang có nhiều xu hướng trên thế giới nói về quyền hạn chế kinh doanh, quyền tự do việc làm. Một số quốc gia cho rằng trong mọi trường hợp cứ hạn chế quyền tự do việc làm là bất hợp pháp, nhưng một số quốc gia lại cho phép hạn chế quyền như giới hạn về không gian, thời gian với một số nghề mang tính đặc thù.

 

Tiếp theo, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương bình luận về tính tương xứng của hành động can thiệp khi nhiều quyền cần phải được hạn chế. Ngoài ra, hội thảo cũng nhận được những ý kiến trao đổi của các nhà khoa học khác.

 

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương bình luận

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS. Bùi Tiến Đạt thay mặt cho các thành viên Đề tài bày tỏ sự vui mừng với sự tham gia nhiệt tình của các nhà khoa học cùng các tham luận có chất lượng giúp cho đề tài có thêm nhiều góc nhìn cho việc triển khai nghiên cứu. Những ý kiến tại hội thảo rất hữu ích giúp các thành viên đề tài có thêm động lực trong việc thực hiện. Chủ nhiệm đề tài nhìn nhận đề tài vừa mang tính nghiên cứu lý luận cơ bản vừa có tính ứng dụng cao, rất xứng đáng để phát triển theo hướng nghiên cứu mới.

 

PGS.TS. Bùi Tiến Đạt khẳng định đề tài tiếp tục nhắm đến 3 hướng, đó là: đối thoại giữa luật công và luật tư; đối thoại khoa học giữa Viện Nhà nước và Pháp luật với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và đối thoại khoa học giữa Việt Nam và thế giới.

 

PGS.TS. Bùi Tiến Đạt phát biểu kết thúc hội thảo

Các tin cùng chuyên mục: