Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, xác định tầm quan trọng của KHCN trong phát triển KT- XH của đất nước, Đảng ta đã khẳng định Phát triển KHCN cùng với giáo dục và đào tạo là chính sách hàng đầu, là nền tảng, động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. QH, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành rất nhiều văn bản chính sách pháp luật, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển KHCN. Ngân sách Nhà nước hàng năm tuy còn hạn chế, nhưng nhà nước đã dành 2% chi ngân sách cho KHCN, khẳng định sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách đầu tư phát triển KHCN. Với sự quan tâm này, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ KHCN trong cả nước, tiềm lực KHCN của nước ta đã được tăng cường, KHCN đã có nhiều đóng góp quan trọng đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, hiện nay, cuộc cách mạng KHCN đã bước sang lần thứ 4, nhưng trình độ KHCN của nước ta vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới và khu vực. Năng lực sáng tạo công nghệ của nước ta còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như mong mỏi, nguyện vọng của người dân; chưa phù hợp xứng đáng với tiềm năng đội ngũ KHCN của nước ta. KHCN nước ta đang đứng trước nguy cơ có thể tụt hậu trước xu thế phát triển mạnh mẽ như vũ bão của KHCN trên thế giới. Thách thức lớn nhất trong phát triển KT- XH của nước ta hiện nay còn yếu kém về chất lượng, tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dẫn tới tụt hậu so với các nước trên thế giới và trong khu vực; khó có thể thực hiện được mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp. Điều này, đòi hỏi KHCN phải góp phần quan trọng hơn nữa trong việc thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT- XH của đất nước.
Nhận thức rõ trách nhiệm đối với sự phát triển KH-CN của đất nước, UBTVQH đã tổ chức giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách phát luật về phát triển KHCN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới; trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”. Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, mục đích của đợt giám sát này là tập trung đánh giá các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đối với việc ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về phát triển KHCN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015; từ đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát triển KHCN, nhằm thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ cơ khí, chế tạo cho giai đoạn 2016- 2020.
Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh, những thành tựu của KHCN đã góp phần tích cực cho sự phát triển của đất nước, trong đó, khoa học xã hội và nghiên cứu chính sách đã góp phần cung cấp các cơ sở, luận chứng để xây dựng chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, của các địa phương, chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực… đã làm tốt nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao trách nhiệm của các nhà khoa học trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương chính sách, dự án phát triển KT-XH...
Hội nghị giám sát tập trung nghe báo cáo kết quả nghiên cứu của các tổ chức KHCN trong lĩnh vực khoa học xã hội và nghiên cứu chính sách, báo cáo thực hiện các chương trình KHCN cấp nhà nước phục vụ phát triển KT-XH. Tại hội nghị, các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật nhằm phát triển KHCN nói chung, khoa học xã hội và nghiên cứu chính sách nói riêng nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, giai đoạn 2006 - 2015, các chương trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp Nhà nước tiếp tục tập trung vào việc nghiên cứu giải pháp, đề xuất kiến nghị cho những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn của công cuộc đổi mới của Việt Nam, chú trọng những vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… trong xu thế phát triển chung của khu vực và quốc tế. Trong quá trình thực hiện, các đề tài, dự án đã huy động được lực lượng các nhà khoa học đông đảo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý, từ đó, góp phần vào việc lựa chọn các giải pháp, đề xuất, kiến nghị vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có tính thực tiễn và khả thi đối với việc giải đáp những vấn đề cơ bản và cấp bách về kinh tế, xã hội và văn hóa mỗi thời kỳ.
Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ KH&CN đã phê duyệt hai chương trình KHCN trọng điểm trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, gồm chương trình KX.01/16-20 Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; chương trình KX.04/16-20 nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, chương trình KX.01/16-20 tập chung nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn, cung cấp luận cứ khoa học, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2020.
(Theo http://daibieunhandan.vn)