•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Khung pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư ở Việt Nam hiện nay – Nhu cầu và định hướng hoàn thiện

07/09/2012
Được sự đồng ý của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Viện KAS (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Khung pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư ở Việt Nam hiện nay - Nhu cầu và định hướng hoàn thiện” tại Tp. Huế trong hai ngày 23 và 24/8/2012.

PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị chủ trì Hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Văn phòng Viện KAS tại Hà Nội, các nhà quản lý, nhà khoa học của Việt Nam và đại diện các ban, ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Mục đích của Hội thảo này là nhằm tìm hiểu những vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế về khung pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư; đánh giá thực trạng và thực tiễn áp dụng khung pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư ở nước ta hiện nay; phát hiện nhu cầu và định hướng hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư trong thời gian tới.

Hội thảo được chia thành 3 phiên tập trung vào việc tìm hiểu, thảo luận về những nhu cầu và định hướng hoàn thiện trong các lĩnh vực sau ở nước ta hiện nay: Khung pháp luật về doanh nghiệp; Khung pháp luật về quản trị doanh nghiệp; và Khung pháp luật về đầu tư.

Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đánh dấu một bước phát triển mới, với nhiều nội dung tiến bộ của khung pháp luật về doanh nghiệp, thể hiện ở những thay đổi cơ bản như:
    -    Lần đầu tiên tạo lập khung pháp lý thống nhất, bình đẳng cho tổ chức và hoạt động của tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế;
    -    Thừa nhận cá nhận được quyền thành lập công ty TNHH một thành viên. Quy định này nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân;
    -    Hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình công ty hợp danh;
    -    Bổ sung quy định mới về nhóm công ty;
    -    Hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp theo hướng minh bạch và hiệu quả hơn.

Từ những thay đổi tích cực trên, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng: pháp luật về DN đã thể chế hóa được đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền dân sự, chính trị, kinh tế của công dân trong lĩnh vực kinh doanh. Pháp luật về doanh nghiệp đã hình thành nên cơ sở pháp lý, đáp ứng được yêu cầu và tiêu chí cơ bản nhất của thể chế kinh tế thị trường; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát huy các nguồn lực của xã hội cho phát triển, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, công khai.

Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành pháp luật, khung pháp luật về doanh nghiệp cần thiết phải có sự rà soát, bổ sung và hoàn thiện những vấn đề về điều kiện gia nhập thị trường, quản trị doanh nghiệp và các quy định rút lui khỏi thị trường.
 


Bàn về thực trạng pháp luật điều chỉnh công tác thẩm định dự án đầu tư, ThS. Vũ Thị Hường (Bộ Tư pháp) cho biết, các dự án đầu tư hiện nay được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, đầu tư vào nhiều lĩnh vực, với các cơ chế quản lý theo các quy hoạch khác nhau. Do đó, pháp luật quy định về việc quản lý và thẩm định các dự án đầu tư cũng đa dạng, nằm rải rác ở nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị quyết và Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, các văn bản hướng dẫn của UBND các cấp… Điều này không chỉ gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc áp dụng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đó mà còn gây khó khăn cho chính cơ quan quả lý trong quá trình thực hiện quả lý nhà nước về đầu tư.

Xuất phát từ những bất cập trên, nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư theo hướng xây dựng một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ điều chỉnh các hoạt động đầu tư ở các lĩnh vực khác nhau làm cơ sở cho công tác thẩm định dự án đầu tư.

Các tin cùng chuyên mục: