•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Nội dung và cơ chế bảo vệ quyền con người – Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam

29/09/2011
Trong hai ngày 22 và 23 tháng 9 năm 2011, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện KAS (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề nêu trên.


Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam với Viện KAS (CHLB Đức).

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Đại học Luật Hà Nội. Về phía CHLB Đức, Hội thảo có sự tham gia của TS. Weiss Norman từ Đại học Potsdam và bà Rabea Brauer, Trưởng đại diện Viện KAS tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các báo cáo tham luận và các bình luận của các nhà khoa học Việt Nam và chuyên gia Đức đã đề cập nhiều vấn đề lý luận cơ bản về nội dung và cơ chế bảo vệ quyền con người cũng như những kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam trong việc thực hiện cơ chế bảo vệ quyền con người, đó là:
    -    Tuân thủ và thực thi pháp luật quốc tế về quyền con người;
    -    Quyền con người và bảo đảm quyền con người dưới góc độ tiếp cận đa ngành và liên ngành;
    -    Một số nguyên tắc pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người; Các nhân tố tác động đến việc hình thành và hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người;
    -    Cơ chế quyền con người khu vực Đông Nam Á - Ủy ban Liên Chính phủ về quyền con người ASEAN;
    -    Quyền con người và cơ chế bảo vệ quyền con người ở Việt Nam và CHLB Đức;
    -    Quốc hội và vấn đề nâng cao vai trò và phát huy thẩm quyền tối cao trong việc xây dựng, ban hành pháp luật liên quan đến việc thực thi nghĩa vụ các công ước quốc tế về quyền con người ở Việt Nam;
    -    Về việc xây dựng cơ quan quốc gia về quyền con người ở Việt Nam.



GS.TS. Võ Khánh Vinh và TS. Weiss Norman đồng chủ trì Hội thảo.

Bàn về quyền con người và bảo đảm quyền con người dưới góc độ tiếp cận đa ngành và liên ngành, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng đây là vấn đề rất cần thiết trong việc nghiên cứu về quyền con người. Theo GS.TS. Võ Khánh Vinh, có ba mức độ tiếp cận: Nghiên cứu quyền con người trong mối quan hệ với khoa học tự nhiên và công nghệ; Nghiên cứu quyền con người trong mối quan hệ với khoa học xã hội; Nghiên cứu quyền con người trong mối quan hệ với các ngành khoa học pháp lý.

Về quyền con người và cơ chế bảo vệ quyền con người ở Đức, TS. Weiss Norman cho biết quan niệm về pháp lý của người Đức đó là “tự do và sở hữu”. Điều 1 Hiến pháp Đức nêu rõ nhân phẩm con người là bất khả xâm phạm. Ông cho rằng, quyền được bảo vệ pháp lý cũng được coi là quyền cơ bản của công dân. Nếu quyết định hành chính của cơ quan công quyền ảnh hưởng đến tự do và sở hữu của công dân thì họ có quyền khiếu kiện tại Tòa hành chính. Hơn thế nữa, họ hoàn toàn có thể kiện ở mức cao hơn là Tòa Bảo hiến liên bang nếu cảm thấy chưa thỏa mãn với quyết định của Tòa hành chính.

Ông cũng chỉ ra một số tồn tại về bảo đảm quyền con người ở Đức, như các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của người nhập cư, tự do tín ngưỡng của người theo đạo Hồi, quyền tự do hội họp, tự do quan điểm,… Dù vậy, việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người tại Đức vẫn ở mức cao hơn so với các nước khác. Các đạo luật của Đức phần lớn đã giải quyết thấu đáo các vụ việc về nhân quyền.

Các nhà khoa học tại Hội thảo cũng rất quan tâm và trao đổi sôi nổi về việc xây dựng cơ quan về quyền con người ở Việt Nam. Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, cơ quan này phải do Quốc hội lập ra với các chức năng chính sau:
    -    Xây dựng các chương trình, trong đó có chương trình thông tin quyền con người và giáo dục quyền con người;
    -    Là cơ quan đầu mối về quyền con người với quốc tế;
    -    Xây dựng các báo cáo, chỉ số về quyền con người;
    -    Trực tiếp đề xuất tham gia các công ước quốc tế về quyền con người;
    -    Thúc đẩy, nâng cao nhận thức cho công chức và người dân về quyền con người;
    -    Tổ chức, nghiên cứu, khảo sát việc thực hiện quyền con người ở các nước trên thế giới;
    -    Xem xét đơn khiếu nại, tố cáo về xâm hại nhân quyền nhưng không trực tiếp xử lý.


Kết thúc Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, nhận thức về quyền con người cần phải rộng hơn trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Các nhà khoa học đã chia sẻ những hiểu biết của mình về thiết chế, cơ chế bảo đảm quyền con người trên bình diện quốc tế, khu vực và quốc gia cũng như trao đổi, thảo luận sâu đến cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam và Đức. Hội thảo này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang sửa đổi Hiến pháp, trong đó quyền con người được quan tâm và nhấn mạnh. Hy vọng những kết quả ban đầu từ Hội thảo một phần nào đó giúp ích cho quá trình sửa đổi Hiến pháp.

Các tin cùng chuyên mục: