Đề tài gồm có 3 phần:
- Những vấn đề lý luận về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay và pháp luật xử lý tài sản bảo đảm tiền vay tại ngân hàng thương mại;
- Thực trạng pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay tại ngân hàng thương mại ở Việt Nam;
- Giải pháp hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay tại ngân hàng thương mại ở Việt Nam.
Phần 3 của đề tài sẽ được ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương hoàn thành sau buổi tọa đàm hôm nay. Mở đầu tọa đàm, ThS. Phạm Thị Hiền cho biết, mục đích của bảo đảm tiền vay chính là nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng nói chung và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay ở các ngân hàng thương mại nói riêng. Thực tế cấp tín dụng và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) tiền vay của các ngân hàng thương mại cho thấy còn nhiều bất cập xung quanh việc xử lý TSBĐ như các vấn đề: xác định các phương thức xử lý TSBĐ, giá cả của TSBĐ; chủ thể tham gia xử lý TSBĐ;...
Việc nghiên cứu những vấn đề pháp lý xoay quanh hoạt động xử lý TSBĐ tiền vay của ngân hàng thương mại không chỉ đáp ứng nhu cầu về mặt lý luận về xử lý TSBĐ mà còn nhằm giải đáp những bất cập trong thực tiễn thực hiện pháp luật của các chủ thể tham gia các giao dịch tín dụng có bảo đảm.

Các thành viên đề tài (từ phải sang): ThS. Phạm Thị Hiền, ThS. Nguyễn Thu Dung và
ThS. Chu Thị Thanh An
Về mặt lý luận, ThS. Nguyễn Thu Dung đã giới thiệu các khái niệm về bảo đảm tiền vay; và xử lý . Theo đó, có thể khái quát về xử lý TSBĐ tiền vay là một giai đoạn của quan hệ bảo đảm tiền vay bằng tài sản, là giai đoạn thực hiện một số biện pháp đối với TSBĐ nhằm thu hồi khoản nợ mà tổ chức tín dụng đã cho vay khi có sự vi phạm nghĩa vụ của khách hàng vay, bên bảo lãnh theo những cam kết tại hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay.
Tác giả cũng nêu ra các nguyên tắc xử lý TSBĐ tiền vay. Từ đó, ThS. Nguyễn Thu Dung cho rằng, pháp luật về xử lý TSBĐ tiền vay là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh giai đoạn xử lý TSBĐ trong quan hệ bảo đảm tiền vay, quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên trong quan hệ đó; trình tự, thủ tục xử lý TSBĐ, về các phương thức xử lý TSBĐ tiền vay.
Tiếp theo, ThS. Chu Thị Thanh An trình bày thực trạng pháp luật về xử lý TSBĐ tiền vay tại ngân hàng thương mại với hai vấn đề chính là chủ thể tham gia và phương thức xử lý. Theo tác giả, có 5 phương thức xử lý TSBĐ tiền vay, đó là:
- Ngân hàng thương mại thỏa thuận với khách hàng vay để bán TSBĐ;
- Ngân hàng thương mại tự bán TSBĐ;
- Ngân hàng thương mại và khách hàng vay thỏa thuận nhận chính TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của khách hàng vay;
- Ngân hàng thương mại yêu cầu khách hàng vay chuyển giao các khoản tiền hoặc tài sản khác liên quan đến quyền đòi nợ từ bên thứ ba;
- Xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu thông qua khởi kiện, thi hành án.
Sau đó, ThS. Phạm Thị Hiền giới thiệu trình tự và thủ tục xử lý TSBĐ tiền vay. Pháp luật về giao dịch bảo đảm không có quy định riêng về trình tự, thủ tục xử lý TSBĐ mà trình tự, thủ tục được quy địnhh được lồng ghép tại các Điều 300, 301, 302 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thông báo về việc xử lý TSBĐ, giao TSBĐ để xử lý. Theo đó, trước khi xử lý TSBĐ, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý TSBĐ cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Trong quá trình xử lý TSBĐ, người đang giữ TSBĐ có nghĩa vụ giao TSBĐ cho bên nhận bảo đảm để xử lý. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Trên cơ sở các quy định hiện hành, có thể thấy, mặc dù tùy từng phương thức xử lý TSBĐ khác nhau sẽ có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục khác nhau, tuy nhiên, có thể khái quát trình tự, thủ tục chung về xử lý TSBĐ của ngân hàng thương mại được thực hiện thông qua các bước sau: (i) Thông báo về việc xử lý TSBĐ; (ii) Giao TSBĐ để xử lý; (iii) Định giá TSBĐ; (iv) Thanh toán thu hồi nợ.
ThS. Phạm Thị Hiền cũng đưa ra một số vụ việc thực tế ở Ngân hàng Agribank. Mặc dù các quy định của pháp luật về xử lý TSBĐ khá đầy đủ nhưng ngân hàng này không thu hồi được các khoản cho vay của mình.

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương
Tọa đàm cũng đã lắng nghe ý kiến của ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương trao đổi về những vấn đề lý luận của đề tài.
Bình luận tại tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, về khung lý thuyết, TSBĐ phải là tài sản bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp. Điều này có hoàn toàn đúng không vì có một số loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân (đất đai). Theo ông, ngoài các văn bản của Nhà nước, đề tài cũng cần đề cập đến các văn bản của các tổ chức tín dụng, các chủ thể kinh doanh, các tập quán pháp để nắm bắt được nguồn xử lý TSBĐ.
Theo PGS.TS. Lê Mai Thanh, đề tài cần làm rõ TSBĐ là loại tài sản gì để từ đó xác định được biện pháp bảo đảm cần đưa ra. Đề tài cũng nhận được những trao đổi, góp ý của TS. Dương Quỳnh Hoa, TS. Trần Văn Biên và ThS. Nguyễn Thị Hường về khái niệm và sự phân biệt giữa các biện pháp bảo lãnh, thế chấp, cầm cố và bảo lưu quyền sở hữu.

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (bên trái) và PGS.TS. Lê Mai Thanh (giữa) thảo luận tại tọa đàm