Đề tài đầu tiên báo cáo kết quả nghiên cứu là của NCS. Trần Tuấn Minh với chủ đề “Tư pháp phục hồi cho người chưa thành niên phạm tội ở một số quốc gia trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam”. Kết cấu của đề tài gồm 03 chương:
- Nhận thức của một số quốc gia về tư pháp phục hồi (TPPH) đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội;
- Thực tiễn TPPH đối với NCTN phạm tội tại một số quốc gia trên thế giới;
- Những gợi mở cho Việt Nam về TPPH đối với NCTN phạm tội.
TPPH là một cách tiếp cận nhằm giải quyết tội phạm, tranh chấp và xung đột, trong đó nhấn mạnh tới việc đối thoại, phục hồi, giải quyết những hậu quả, giá trị đã bị tổn hại do hành vi tội phạm gây ra thông qua sự tham gia tích cực, tự nguyện từ tất cả các bên có liên quan và của cả cộng đồng. Hiện nay, trên thế giới không có định nghĩa nào về TPPH cho NCTN phạm tội. Dựa trên việc tìm hiểu các quy định trong Quy tắc Bắc Kinh, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và khuyến nghị của Hội đồng Châu Âu năm 2003, chủ nhiệm đề tài tạm thời đưa ra định nghĩa TPPH cho NCTN phạm tội là những chương trình, biện pháp nhằm chuyển NCTN phạm tội ra khỏi thủ tục tố tụng truyền thống và tìm các cách xử lý khác theo hướng tính đến lợi ích của nạn nhân, người phạm tội để từ đó giải quyết tội phạm, tranh chấp và xung đột thực hiện bởi NCTN; trong đó, nhấn mạnh tới việc đối thoại, phục hồi, giải quyết những hậu quả, giá trị đã bị tổn hại do hành vi tội phạm gây ra thông qua sự tham gia tích cực, tự nguyện từ tất cả các bên có liên quan và của cả cộng đồng.
NCS. Trần Tuấn Minh đã chỉ ra các đặc điểm của TPPH đối với NCTN phạm tội. Ngoài những đặc điểm chung về TPPH (tập trung vào nghĩa vụ phát sinh từ những hành vi phạm tội, đề cao việc tham gia, tương tác chủ động, tích cực của các bên…) thì TPPH đối với NCTN phạm tội còn có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, các chương trình TPPH đối với NCTN phạm tội được thực hiện trên cơ sở đảm bảo phù hợp với đặc thù lứa tuổi của người chưa thành niên. Các chương trình này sẽ tập trung hơn vào việc đối thoại, giải thích về hành vi sai trái cũng như cho họ tự nhận thức được lỗi lầm của mình, từ đó cùng tìm ra cách giải quyết tối ưu nhất. Trong quá trình thực hiện các chương trình TPPH, cần đảm bảo có sự có mặt của người thân, gia đình người phạm tội.
Thứ hai, các chương trình TPPH cho NCTN phạm tội cũng cần hướng tới việc tư vấn, giải quyết các vấn đề tâm sinh lý, nhu cầu của NCTN. Bên cạnh đó, các hoạt động phục hồi cũng cần nhấn mạnh vào việc đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng tốt nhất cho họ. Bởi lẽ, nếu không thể tạo một cộng đồng sẵn sàng đón nhận NCTN tái hòa nhập thì các hoạt động phục hồi trước đó không thể có hiệu quả.
Thứ ba, các hoạt động phục hồi thường sẽ được áp dụng trước khi tòa án đưa ra xét xử hoặc có quyết định hình phạt chính thức.
Tiếp theo, đề tài giới thiệu thực tiễn áp dụng TPPH cho NCTN phạm tội tại Na Uy, Mỹ và Australia. Các nhà lập pháp Na Uy cho rằng NCTN chưa phát triển hoàn toàn về thể chất, tinh thần và không nhận biết được hết hậu quả gây ra do hành vi vi phạm của mình. Vì thế, nếu họ bị áp dụng hình phạt tù, những trải nghiệm trong tù có thể mang lại ảnh hưởng tiêu cực nặng nề hơn so với người thành niên. Do đó, NCTN phạm tội cần được áp dụng các hình thức xử phạt khoan dung hơn so với người thành niên phạm tội và các hình phạt này phải tập trung vào lợi ích tốt nhất của trẻ em. Đây là nguyên tắc chung đã tồn tại từ lâu trong luật hình sự Na Uy.
Năm 2014, pháp luật hình sự Na Uy bổ sung biện pháp xử lý mới là đưa ra hình phạt riêng cho NCTN (từ 6 tháng tới tối đa 3 năm). Đây là một hình thức thay thế cho hình phạt tù và hình phạt cải tạo có thời gian lâu hơn 3 năm và chỉ có thể được áp dụng bởi tòa án. Biện pháp này được xây dựng dựa trên ý tưởng về TPPH. Các nguyên tắc của TPPH, đặc biệt là về sự đồng thuận của các bên tham gia đã cho thấy những kết quả tích cực trong việc thúc đẩy những mong muốn khôi phục các mối quan hệ đã bị tổn hại cũng như việc nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm của NCTN.
Trên thực tế, những người tham gia quá trình phục hồi nhìn chung rất hài lòng với hoạt động này. Hầu hết các nạn nhân đều cảm thấy thoải mái và an toàn hơn sau quá trình phục hồi và gia tăng sự thấu hiểu, đồng cảm của họ. Tương tự, tỷ lệ thành công cao trong việc đạt được thỏa thuận và thực hiện thỏa thuận đó cho thấy người phạm tội cũng luôn có ý thức tuân thủ thỏa thuận hòa giải.
Từ những tìm hiểu và nghiên cứu trên, để xây dựng chương trình TPPH, cụ thể là trong thi hành hình phạt tù tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp đó là:
- Tăng cường nghiên cứu, đánh giá mức độ khả thi để áp dụng;
- Xây dựng hệ thống pháp luật về TPPH;
- Xây dựng, mở rộng, hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện TPPH cho phạm nhân trong các trại giam;
- Đào tạo, nâng cao trách nhiệm, kỹ năng, trình độ cho đội ngũ cán bộ trong trại giam đang thực hiện công tác giáo dục, cải tạo cho phạm nhân;
- Bảo đảm các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất để phục vụ cho các hoạt động TPPH trong trại giam;
- Tăng cường sự tham gia thường xuyên và giảm thiểu thái độ kỳ thị của cộng đồng với những người phạm tội.
Bình luận về đề tài, khi nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về TPPH và gợi mở cho Việt Nam thì TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, đề tài cần đánh giá bối cảnh, những khía cạnh về kinh tế, xã hội, văn hóa… ở Việt Nam để nhận định trong tương lai gần thì chúng ta có thể tiếp thu được những biện pháp nào và lộ trình để có thể thực hiện được là gì. TS. Nguyễn Linh Giang cũng gợi ý đề tài nên có sự đánh giá, đưa ra quan điểm về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, một dự án luật đang nhận được nhiều sự quan tâm, thảo luận, đóng góp ý kiến của người dân và xã hội.
Góp ý tại tọa đàm, PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa chia sẻ với những ý kiến của TS. Nguyễn Linh Giang. Bà cho rằng, từ việc tìm hiểu về TPPH đối với NCTN phạm tội ở 3 nước trên cũng như ở một số nước khác thì chủ nhiệm đề tài cần đưa ra khung pháp lý chung với các tiêu chí tương tự nhau để từ đó luận giải, so sánh liệu có khả năng áp dụng ở Việt Nam trong thời gian tới được không.
Đề tài thứ hai thực hiện báo cáo kết quả nghiên cứu là của ThS. Cao Thị Lê Thương với chủ đề “Chính sách pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo”. Đề tài gồm 02 chương:
- Khái quát chung về chính sách pháp luật về quyền sở hữu đối với tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo;
- Những vấn đề đặt ra đối với chính sách pháp luật Việt Nam về tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.
Về khái niệm, tác giả dẫn chứng quan điểm của TS. Nguyễn Hải An, sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (tiếng Anh: Artificial Intelligence, viết tắt là AI) là hàng hóa hoặc dịch vụ được tạo ra từ AI bằng cách phân tích các dữ liệu đầu vào do con người cung cấp thông tin qua một thuật toán có thể được xác định trước cùng với trí thông minh do con người cung cấp để tạo ra những sản phẩm mới trên cơ sở phân tích dữ liệu đầu vào và trên những thí nghiệm đã được tích lỹ từ trước.
Vi có sự tham gia của con người ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình tạo ra tác phẩm nên có nhiều giả thuyết về bảo hộ quyền SHTT đối với mỗi trường hợp là khác nhau: lập trình viên hoặc nhà phát triển (người tạo ra AI); chủ sở hữu chương trình máy tính; sở hữu chung (lập trình viên và chủ sở hữu, lập trình viên và người sử dụng, lập trình viên và AI); chỉ dành cho AI là chuyên gia; AI.
Nhìn nhận theo nghĩa chung và rộng nhất, tác giả cho rằng, CSPL về SHTT đối với tác phẩm được tạo ra bởi AI là những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc, định hướng, chủ trương, chương trình để làm căn cứ xây dựng quy định pháp luật về (bảo hộ) quyền SHTT đối với tác phẩm được tạo ra bởi AI và duy trì những quy định đó trên thực tế (thực thi).
Trong Chương 2, tác giả lập luận, phân tích theo hai mục chính:
- Những vấn đề đặt ra đối với chính sách pháp luật Việt Nam về căn cứ bảo hộ quyền sử hữu đối với tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo;
- Những vấn đề đặt ra đối với chính sách pháp luật Việt Nam về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể bảo hộ quyền sử hữu đối với tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.
ThS. Cao Thị Lê Thương dẫn chứng những văn bản quan trọng mang tính định hướng của Đảng. Đầu tiên là Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định, một trong những ngành công nghệ cần ưu tiên phát triển là công nghệ thông tin, theo đó “giai đoạn 2030 - 2045, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hoá…”. Tiếp đó, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong Nghị quyết này, lần đầu tiên nhắc đến khái niệm “trí tuệ nhân tạo” và xác định đây là một trong những lĩnh vực cần có chính sách ưu tiên phát triển
Trong Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung pháp luật về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu và các vấn đề khác có liên quan của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ Tư pháp đang nỗ lực nghiên cứu, xây dựng Báo cáo về xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới AI và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2024.
Đề tài đã nhận được các ý kiến góp ý, thảo luận giúp cho chủ nhiệm có thêm chất liệu để bổ sung, hoàn thiện nội dung nghiên cứu trước khi nghiệm thu.