•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học các đề tài cơ sở từ ngày 30/8 đến 1/9/2021

11/09/2021
Trong 03 ngày, từ 30/8 đến 01/9/2021, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức các tọa đàm trực tuyến báo cáo kết quả nghiên cứu của 03 đề tài cơ sở thực hiện trong năm 2021. Đông đảo cán bộ nghiên cứu của Viện đã tham gia và trao đổi tại các buổi sinh hoạt khoa học này.

Sáng ngày 30/08/2021, tọa đàm Đề tài cơ sở “Minh bạch trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay” do TS. Lê Thương Huyền làm chủ nhiệm đã được thực hiện. Các thành viên tham gia đề tài gồm có ThS. Nguyễn Đình Sơn, ThS. Vũ Hoàng Dương và ThS. Nguyễn Lê Dân.

 

Theo kết quả nghiên cứu của đề tài, minh bạch là một trong bốn trụ cột trong hoạt động quản lý nhà nước (cùng với trách nhiệm giải trình, tính dự đoán và khả năng tham gia của nhân dân). Trong một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch  đầy đủ, rõ ràng các thủ tục, quy trình, trách nhiệm của quản lý hành chính nhà nước sẽ giúp xây dựng quyền hành pháp cởi mở và có trách nhiệm, cũng như ngăn chặn được hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính. Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước hiện đã trở thành một yêu cầu, điều kiện trong nhiều cơ chế quốc tế và điều ước quốc tế, là một trong những “luật chơi chung” trong “sân chơi chung” của toàn cầu hóa.

 

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về minh bạch trong quản lý hành chính nhà nước để từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm bảo đảm minh bạch trong quản lý hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

 

Mở đầu tọa đàm, TS. Lê Thương Huyền trình bày một số vấn đề lý luận về minh bạch trong quản lý hành chính nhà nước như: khái niệm, vai trò minh bạch trong quản lý hành chính nhà nước, hình thức thể hiện tính minh bạch trong quản lý hành chính nhà nước, các tiêu chí đánh giá, các yếu tố tác động, nội dung của minh bạch trong quản lý hành chính nhà nước. Tiếp theo, ThS. Nguyễn Đình Sơn và ThS. Vũ Hoàng Dương đánh giá thực trạng các quy định và thực tiễn thực hiện minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. ThS. Nguyễn Lê Dân bước đầu nêu quan điểm, giải pháp nhằm bảo đảm minh bạch trong quản lý nhà nước.

 

Trao đổi về đề tài, PGS.TS. Vũ Thư cho rằng, thông tin của các cơ quan nhà nước cung cấp cho tổ chức, cá nhân cần minh bạch nhưng cũng phải kịp thời và luôn được cập nhật. Theo ông, cần chú ý đến hai dạng minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước là minh bạch về văn bản quản lý của nhà nước và minh bạch trong hành vi quản lý nhà nước.

 

Nhìn nhận về thực trạng quản lý nhà nước hiện nay, theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, nước ta có nhiều đạo luật có các yêu cầu về minh bạch nhưng trong thực tế quản lý nhà nước các yêu cầu này mới thực hiện được một phần. Nhiều vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai có nguyên nhân do yêu cầu về công khai, minh bạch không được tuân thủ. Cần nghiên cứu kỹ nguyên nhân của tình trạng yếu kém trong thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước thì mới có thể đề ra các giải pháp bảo đảm minh bạch trong quản lý nhà nước trong thời gian sắp tới.

 

 PGS.TS. Lê Mai Thanh cho rằng, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước còn hướng đến là bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và phòng, chống tham nhũng. Đề tài cần thể hiện rõ hơn mục tiêu này.

 

Tọa đàm Đề tài cơ sở cá nhân do ThS. Phạm Thị Hương Giang thực hiện với chủ đề “Pháp luật về xóa bỏ lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay” được tổ chức vào sáng ngày 31/8/2021. Tác giả đã cho biết đã nghiên cứu một số vấn đề lý luận về xoá bỏ lao động trẻ em, về pháp luật xóa bỏ lao động trẻ em; phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam về xoá bỏ lao động trẻ em và đang trong quá trình nghiên cứu để đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này. Nội dung nghiên cứu của đề tài gồm có:

  • Một số vấn đề lý luận về xóa bỏ lao động trẻ em và pháp luật về xóa bỏ lao động trẻ em;
  • Thực trạng pháp luật Việt Nam về xóa bỏ lao động trẻ em và thực tiễn áp dụng;
  • Yêu cầu và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về xóa bỏ lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay.

ThS. Phạm Thị Hương Giang đưa ra khái niệm, vai trò, nội dung của pháp luật về xóa bỏ lao động trẻ em dựa trên việc phân tích các quy định của Công ước 182 về xóa bỏ hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; Công ước 138 về tuổi lao động tối thiểu của Tổ chức Lao động quốc tế ILO và các quy định pháp luật khác. Đề tài có đề cập kinh nghiệm áp dụng pháp luật về xóa bỏ lao động trẻ em ở một số quốc gia Châu Phi (Ghana, Bờ Biển Ngà).

 

Góp ý tại tọa đàm, TS. Nguyễn Linh Giang đề xuất: Tác giả cần đưa vào đề tài các quy định về lao động trẻ em trong hai hiệp định mới mà Việt Nam ký kết gần đây là Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo TS. Nguyễn Linh Giang, có 3 vấn đề chính liên quan đến xóa bỏ lao động trẻ em cần lưu ý, đó là: sinh kế (vẫn đói nghèo thì rất khó xóa bỏ lao động trẻ em); trách nhiệm của doanh nghiệp (quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp); nhận thức của người tiêu dùng (ví dụ, về sản phẩm mà có lao động trẻ em).

 

Nhận xét về đề tài, TS. Phạm Thị Thúy Nga đánh giá tốt sự chuẩn bị của Chủ nhiệm đề tài và sự hỗ trợ từ Phòng Luật về các vấn đề xã hội và Quyền con người. TS. Thúy Nga góp ý: Cần làm rõ hơn nữa các khái niệm “lao động trẻ em”, “xóa bỏ lao động trẻ em” và “pháp luật về xóa bỏ lao động trẻ em” để không bị nhầm lẫn với các khái niệm khác. Về định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về xóa bỏ lao động trẻ em, đề tài cần thực hiện theo các quy định về: độ tuổi, ngành nghề, về quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động của thanh tra lao động.  

 

Ngày 1/9/2021, đề tài cơ sở “Các biện pháp điều tra đặc biệt trong tố tụng hình sự Việt Nam” do ThS. Lê Thị Hồng Xuân là chủ nhiệm đã được báo cáo. Đề tài có sự tham gia của ThS. Nguyễn Ngọc Mai và NCV. Trần Tiến Minh. ThS. Hồng Xuân đã trình bày lý do lựa chọn đề tài và bố cục của đề tài. Theo chủ nhiệm đề tài, biện pháp điều tra đặc biệt (BPĐTĐB) là biện pháp điều tra được tiến hành trên cơ sở ứng dụng khoa học, kỹ thuật về âm thanh, hình ảnh, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin… nhằm bí mật thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng bị áp dụng do người có thẩm quyền thực hiện nhằm phục vụ công tác điều tra, khám phá tội phạm.

 

Để tránh sử dụng tràn lan và đảm bảo hiệu quả cao trong việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định chỉ có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với một số loại tội phạm: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ý nghĩa của việc áp dụng các BPĐTĐB là nhằm thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội, tạo ra hồ sơ pháp lý để cơ quan tố tụng truy tố những người phạm các tội nguy hiểm này.

 

Nhóm tác giả cũng chỉ ra những đặc điểm và giới hạn áp dụng các BPĐTĐB. Đồng thời, đề tài cũng nghiên cứu việc áp dụng các BPĐTĐB ở một số nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và Thái Lan.

 

Phát biểu tại toạ đàm, PGS.TS. Hồ Sỹ Sơn lưu ý, BPĐTĐB này chỉ áp dụng đối với một số tội phạm đặc biệt, tuy nhiên, ngoài việc áp dụng BPĐTĐB thì khi điều tra các tội này vẫn được áp dụng cả các biện pháp điều tra thông thường. Trong phần lý luận, cần lý giải rõ vì sao phải áp dụng BPĐTĐB với các loại tội phạm này, lý giải  những cơ sở để ghi nhận trong pháp luật biện pháp này. Biện pháp này đã áp dụng từ trước với tên gọi là các biện pháp nghiệp vụ nhưng chưa được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Hiện nay cần ghi nhận chính thức trong Bộ luật Tố tụng Hình sự vì cần tuân thủ nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong các hoạt động điều tra.

 

Theo TS. Đinh Thế Hưng, đề tài cần bổ sung những nội dung về bảo vệ quyền con người trong quy định và trong áp dụng các BPĐTĐB; cần chú ý vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

 

Tọa đàm cũng nhận được những góp ý, trao đổi, thảo luận của các nhà khoa học về các nội dung của đề tài như: PGS.TS. Vũ Thư, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, PGS.TS. Lê Mai Thanh, TS. Nguyễn Linh Giang, TS. Phan Thanh Hà.

 

Ba tọa đàm đã diễn ra sôi nổi với sự chuẩn bị khá kỹ từ các thành viên đề tài. Các nhà khoa học nhiệt tình trao đổi, thảo luận và góp ý về cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và các nội dung khác nhau trong mỗi đề tài.

 

Các chủ nhiệm đề tài và các thành viên đã cảm ơn các nhà khoa học đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho đề tài. Các chủ nhiệm đề tài cũng ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp này để chỉnh sửa, bổ sung các sản phẩm nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng của đề tài trước khi tiến hành nghiệm thu vào cuối năm nay.   

Các tin cùng chuyên mục: