•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay”

27/05/2015
Sáng ngày 25/5/2015, tại Hội trường đã diễn ra buổi sinh hoạt khoa học của Đề tài cơ sở "Hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay" do ThS. Hoàng Kim Khuyên làm chủ nhiệm.

Tại đây, các thành viên Đề tài đã trình bày những nghiên cứu của mình cho đến thời điểm này. Theo tiến độ đề ra, các chuyên đề sẽ được hoàn thiện vào cuối tháng 9/2015 và nghiệm thu trước Hội đồng khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật vào tháng 10/2015.

 

Chuyên đề 1 do ThS. Hoàng Kim Khuyên thực hiện, “Cơ sở lý luận, thực tiễn và yêu cầu, giải pháp của việc hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay”. ThS. Khuyên chỉ ra và phân tích ba cơ sở lý luận, thực tiễn chính cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội ở Việt Nam, đó là:

- Căn cứ vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng với chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước;

- Hoàn thiện bộ máy tổ chức, quản lý về an sinh xã hội. 

 

Các thành viên Đề tài (từ trái sang phải): ThS. Hoàng Kim Khuyên,

NCV. Phạm Thị Hương Giang, TS. Phạm Thị Thúy Nga. 

 

Chuyên đề 2 “Hoàn thiện pháp luật bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay” do TS. Phạm Thị Thúy Nga thực hiện. Tác giả đã phân tích, đánh giá những thành tựu đạt được cũng như hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội 2006; chỉ ra những điểm mới, khác biệt của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2016) so với Luật Bảo hiểm xã hội 2006 từ đó định hướng, đề xuất các yêu cầu để hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội ở Việt Nam.

 

Theo đó, TS. Phạm Thị Thúy Nga chỉ ra những hạn chế trong việc áp dụng Luật BHXH 2006, như: tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH của doanh nghiệp; mức phạt vi phạm thấp; mức đóng BHXH tự nguyện khá cao so với thu nhập của người dân; mất cân đối thu - chi dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ hưu trí, tử tuất;…

 

So với luật cũ, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã có nhiều thay đổi: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; tăng mức trợ cấp ốm đau; bổ sung nhiều chế độ thai sản; điều chỉnh chế độ hưu trí;… Trong đó, lần đầu tiên Luật mới thêm chế độ chế độ lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con, quy định trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội, bổ sung chế độ thai sản cho lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

 

Một vấn đề nữa cũng được TS. Phạm Thị Thúy Nga và các nhà khoa học quan tâm thảo luận tại buổi sinh hoạt là nội dung của Điều 60 Luật này. Có ý kiến cho rằng quy định như Điều 60 là rất nhân văn, có lợi và bảo vệ cho người lao động về già có lương hưu bảo đảm cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy không phù hợp với một bộ phân công nhân, người lao động làm việc ở một số ngành đặc thù không có điều kiện chờ đợi để nhận lương hưu. Phân tích theo ý kiến nào cũng thấy ưu điểm và hạn chế của Điều 60. Nhưng thực tế phải căn cứu vào điều kiện hiện nay của một bộ phận công nhân và người lao động không có điều kiện tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo hướng có lợi hơn. Do vậy, luật nên có quy định mở để người lao động có điều kiện lựa chọn.

 

Sau đó, hai chuyên đề còn lại của đề tài được trình bày:

- Hoàn thiện pháp luật về Bảo hiểm y tế và kinh nghiệm nước ngoài – NCV. Phạm Thị Hương Giang;

- Hoàn thiện pháp luật về ưu đãi xã hội và bảo trợ xã hội ở Việt Nam hiện nay: NCV. Đinh Đức Thiện.

 

Bình luận về phần trình bày của các thành viên Đề tài, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng về cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội, tác giả nên phân tích thêm dưới góc độ quyền con người với an sinh xã hội, sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an sinh xã hội. Về chuyên đề 2, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đặt ra câu hỏi liệu Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã có quy định, phương án để phòng chống vỡ quỹ hưu trí, tử tuất chưa?

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (ngoài cùng bên phải) thảo luận tại buổi sinh hoạt.

 

Buổi sinh hoạt cũng thảo luận về cơ chế hoạt động của bảo hiểm xã hội, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội của tổ chức, doanh nghiệp và nguyên nhân của nó. Về đối tượng hưởng ưu đãi xã hội, các cán bộ nghiên cứu bình luận về tiêu chí, điều kiện để xác định thế nào là người có công trong thời điểm hiện nay.

 

Kết thúc buổi sinh hoạt, các thành viên Đề tài đã có thêm thông tin, luận cứ khoa học để hoàn thành các chuyên đề đúng kế hoạch, có chất lượng.

 

Các tin cùng chuyên mục: