•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học đề tài cơ sở tổ chức ngày 03/10/2023

17/10/2023
Viện Nhà nước và Pháp luật tiếp tục tổ chức tọa đàm của 03 đề tài cấp cơ sở năm 2023 vào ngày 03/10/2023 tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Đề tài đầu tiên báo cáo kết quả nghiên cứu là “Hoàn thiện chính sách pháp luật về thu hồi đất theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam” do TS. Bùi Đức Hiển là chủ nhiệm.

 

TS. Bùi Đức Hiển (bên trái) trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Đề tài có mục tiêu nghiên cứu nhằm kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật về thu hồi đất theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu trên, Đề tài tập trung thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:

- Làm rõ một số khái niệm, cơ cấu nội dung, các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách pháp luật về thu hồi đất;

- Trình bày thực trạng chính sách pháp luật về thu hồi đất trong pháp luật đất đai hiện hành; chỉ ra những ưu điểm và những bất cập, hạn chế của những quy định đó;

- Làm rõ quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII về thu hồi đất; kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật về thu hồi đất làm cơ sở để hoàn thiện các quy định pháp luật về thu hồi đất ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

Thu hồi đất là việc Nhà nước ban hành quyết định hành chính để thu tài sản là quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, UBND cấp xã quản lý trong những trường hợp cụ thể và Nhà nước có trách nhiệm bồi thường giá trị thiệt hại, hỗ trợ nhằm đảm bảo cuộc sống của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Đề tài nhận định, pháp luật về thu hồi đất là tổng thể các nguyên tắc, các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước hoặc chủ thể có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh quan hệ giữa Nhà nước với người sử dụng đất.

 

Trên cơ sở kế thừa quan điểm về chính sách pháp luật của một số nhà khoa học trong nước và quốc tế, tác giả cho rằng: "Chính sách pháp luật về thu hồi đất là tổng thể lập trường, tư tưởng, nguyên tắc, quan điểm, chủ trương, định hướng, chương trình của Nhà nước xác định vai trò và hướng điều chỉnh của pháp luật về thu hồi đất trong từng giai đoạn hoặc thời kỳ phát triển, làm căn cứ và cơ sở để xây dựng pháp luật về thu hồi đất, đưa pháp luật về thu hồi đất vào cuộc sống và duy trì hiệu lực pháp luật thu hồi đất trong giai đoạn hoặc thời kỳ đó”.

 

Đề tài chỉ ra 3 yếu tố ảnh hưởng chính đến chính sách pháp luật về thu hồi đất, đó là: Quan điểm, đường lối của Đảng; xu thế hội nhập quốc tế, khu vực; yếu tố kinh tế, văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, môi trường… 

 

Trong Chương 2, TS. Bùi Đức Hiển đã phân tích, đánh giá thực trạng chính sách pháp luật về thu hồi đất ở Việt Nam theo các vấn đề cụ thể: Mục tiêu, chủ thể, phương pháp, công cụ. Chẳng hạn, mục tiêu chính sách pháp luật thu hồi đất được đánh giá theo các yêu cầu cụ thể như: Bảo đảm quyền sinh kế của người sử dụng đất; bảo đảm hài hòa lọi ích giữa người sử dụng đất với Nhà nước và chủ đầu tư; phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, dễ hiểu, dễ tiếp cận, tính hiệu quả trong thực hiện thu hồi đất…

 

ThS.LS. Trương Tiến Hùng bình luận về đề tài của TS. Bùi Đức Hiển

 

Từ những đánh giá nêu trên và phân tích quan điểm của Đảng trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đề tài đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về thu hồi đất. Thứ nhất, muốn thực hiện hiệu quả quy định về thu hồi đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thì quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đặc biệt quan trọng. Thứ hai, quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không nên căn cứ nhiều theo mục đích sử dụng đất. Bởi lẽ, nếu bồi thường theo mục đích sử dụng đất thì hiện nay đất nông nghiệp lại được định giá thấp nhất, trong khi đất ở lại được định giá cao nhất.

 

Ngoài các giải pháp này, Đề tài cũng đưa ra một số đề xuất về các vấn đề: quy định cụ thể hơn về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tăng cường giám sát của các cơ quan dân cử; tăng diện tích các căn hộ tái định cư hoặc ưu tiên người có đất bị thu hồi không được bồi thường về đất được mua nhà, đất thuộc các dự án phát triển đô thị với giá ưu đãi và được miễn thuế… 

 

Tại phần thảo luận, TS. Phạm Thị Hương Lan đánh giá cao báo cáo của TS. Bùi Đức Hiển khi đề tài được phân tích theo lớp lang cụ thể. Tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn nếu tác giả làm các nội dung của văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII liên quan đến thu hồi đất.

 

Góp ý cho đề tài, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, tác giả cần phải bám sát vào tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng về đất đai trong đó có các vấn đề thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trên cơ sở đó, cần đánh giá xem Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã ghi nhận được các quan điểm về vấn đề này của Đảng hay chưa và kiến nghị hoàn thiện thế nào. Phát biểu tại tọa đàm, LS.ThS. Trương Tiến Hùng chia sẻ với các quan điểm nêu trên, cần làm rõ quan điểm của Đảng về thu hồi đất để từ đó xác định mục tiêu, chủ thể, phương pháp, công cụ thực hiện, chu trình thực hiện chính sách pháp luật về thu hồi đất.

 

TS. Hoàng Kim Khuyên (bên trái) thảo luận về đề tài

 

Đề tài cũng nhận được các trao đổi, thảo luận của TS. Hoàng Kim Khuyên, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương và một số nhà khoa học khác về các vấn đề: Bổ sung một mục riêng trong Chương 1 về quan điểm, chính sách của Đảng về thu hồi đất, thực hiện điều tra định tính như case study để đánh giá chính sách pháp luật về thu hồi đất được thực hiện có hiệu quả và đạt được sự hài lòng về giá không… TS. Bùi Đức Hiển cảm ơn ý kiến đóng góp của các nhà khoa học để đề tài được hoàn thiện hơn.

 

Tiếp theo, Đề tài thứ hai tổ chức tọa đàm là của ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga, “Lý luận pháp luật về trái phiếu xanh trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay”.

 

Trái phiếu xanh (TPX) là các công cụ nợ tiêu chuẩn mang lại thu nhập cố định cho người nắm giữ, nguồn thu từ việc chào bán các công cụ nợ này có mục đích sử dụng ghi rõ là cấp vốn cho các dự án "xanh" hoặc dự án liên quan đến bảo vệ môi trường. Theo định nghĩa của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Initiative - CBI), TPX là trái phiếu được phát hành nhằm huy động vốn cho những giải pháp biến đổi khí hậu do chính phủ, ngân hàng, địa phương hoặc doanh nghiệp phát hành, dán nhãn TPX dưới dạng chứng khoán nợ bao gồm chứng khoán hóa, phát hành riêng lẻ, trái phiếu có đảm bảo.

 

Đặc điểm phân biệt giữa giữa TPX và các loại trái phiếu thông thường chính là mục đích huy động vốn. Trong đó, nguồn vốn huy động từ TPX được dùng để tài trợ cho những dự án đặc biệt liên quan đến môi trường, bao gồm các dự án vì môi trường và các dự án có tính đến lợi ích môi trường. Đối với nhà đầu tư, TPX sẽ là một tài sản tài chính tốt để đầu tư giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân tán rủi ro và tìm kiếm nguồn lợi phù hợp. Với xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa nền kinh tế trong thời gian tới, thị trường TPX sẽ không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Do đó, đây sẽ là loại tài sản được đánh giá cao, ổn định và có tính thanh khoản tốt với thời gian đáo hạn dài.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Về mặt lý luận, Đề tài đưa ra khái niệm pháp luật về TPX trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hệ thống các quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xác định đối tượng được phát hành TPX trong bảo vệ môi trường; các chủ thể có liên quan, quy trình lựa chọn và đánh giá, ưu đãi để phát triển thị trường TPX, góp phần bảo vệ môi trường. Pháp luật về TPX đóng vai trò trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng môi trường (xử lý nước thải, quản lý rừng, phục hồi đất đai…) cũng như tạo động lực kinh tế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Việc phát hành TPX có thể mang lại lợi ích tài chính và thu hút vốn đầu tư cho các doanh nghiệp có các hoạt động và dự án thân thiện với môi trường.

 

Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến pháp luật về TPX là công nghệ, từ việc tăng cường khả năng đo lường và báo cáo, hỗ trợ quản lý và giám sát, nâng cao khả năng phân loại và xác thực tới khả năng kết nối và tương tác, thúc đẩy sự đổi mới và phát triển công nghệ xanh. Theo ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga, các nguyên tắc điều chỉnh pháp luật về TPX trong bảo vệ môi trường bao gồm: (i) Xác định rõ đối tượng phát hành và sử dụng nguồn vốn thu được từ TPX; (ii) Đảm bảo minh bạch và báo cáo định kỳ; (iii) Đánh giá độc lập về việc sử dụng TPX; (iv) Quản lý rủi ro môi trường; (v) Ưu đãi về phát triển TPX; (vi) Phạt vi phạm. Trong đó, phát hành TPX sẽ nhận được nhiều ưu đãi về thuế, tài chính. Để tránh việc lạm dụng TPX để thu hút nguồn vốn từ người dân thì cần phải đảm bảo công khai, minh bạch và có báo cáo định kỳ.

 

Điều chỉnh pháp luật về TPX trong bảo vệ môi trường là nội dung của Chương 2. Việc quy định các tiêu chí môi trường sẽ là cơ sở để xác định dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành TPX trong điều kiện Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm vai trò của các công cụ tín dụng xanh, TPX trong việc điều chỉnh dòng vốn trong nước và quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hướng đến một nền kinh tế các-bon thấp, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

 

Để triển khai công việc này, Nhà nước cần ban hành danh mục phân loại xanh với các tiêu chí môi trường cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân áp dụng trong quá trình triển khai các hoạt động liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành TPX; thuận lợi cho việc thống kê, theo dõi, đánh giá tình hình cấp tín dụng xanh, phát hành TPX, quản lý, phân bổ nguồn vốn đầu tư. Chủ nhiệm đề tài cũng đề cập đến các vấn đề: các chủ thể liên quan đến TPX; quy trình lựa chọn. đánh giá, quản lý TPX, dự án xanh…

 

TS. Phạm Thị Hương Lan trao đổi với ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga

 

Nhận xét tại tọa đàm, TS. Phạm Thị Hương Lan cho rằng, TPX là lĩnh vực mới, cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga khoa học, giúp người đọc hiểu được nội dung của đề tài. Tuy nhiên, tác giả cần đi sâu phân tích quy định về TPX trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP để xây dựng cơ cấu điều chỉnh pháp luật về TPX.

 

Theo TS. Nguyễn Linh Giang, Chương 2 cần bổ sung một phần về đánh giá khung pháp luật Việt Nam hiện hành đã đáp ứng được việc tiếp nhận TPX chưa và nếu đã đáp ứng được thì đang ở mức độ nào và cần sửa đổi, bổ sung gì không, cũng như liệu có cần xây dựng một đạo luật riêng về TPX không. Nếu giải đáp được những vấn đề này thì Đề tài mới có giá trị thực tiễn hơn.

 

Đề tài thứ ba trong ngày thực hiện báo cáo khoa học bằng hình thức trực tuyến là “Thực trạng pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực điện gió ở Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thu Dung. Đề tài bao gồm 2 phần, thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực điện gió ở Việt Nam hiện nay.

 

Tác giả giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của pháp luật về PPP điện gió ở Việt Nam. Về đầu tư PPP là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP; về ngành điện là Luật Điện lực năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2018), các nghị định hướng dẫn thi hành; về điện gió có Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTG sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, Thông tư số 02/2019/TT-BCT của Bộ Công thương về phát triển dự án điện gió, Thông tư 01/2023/TT-BCT bãi bỏ một số quy định tại Thông tư số 02/2019/TT-BCT.

 

Đề tài đã đánh giá chung pháp luật về PPP theo các khía cạnh nguyên tắc pháp luật, cấu trúc pháp luật, nguồn luật; phân tích ưu điểm, hạn chế của một số chế định cơ bản của pháp luật về PPP điện gió của Việt Nam hiện nay như cơ chế chia sẻ rủi ro, cơ chế thỏa thuận/hợp đồng, cơ chế hỗ trợ nhà nước, trình tự, thủ tục và các thể chế. Ở Việt Nam, cơ chế chia sẻ rủi ro lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật PPP năm 2020. Theo đó, chia sẻ rủi ro về doanh thu được quy định tại Điều 82, cụ thể là khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế. Tuy nhiên, việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được áp dụng khi đáp ứng một số điều kiện. 

 

Đặc điểm khác biệt rủi ro về doanh thu giữa điện gió so với các điện khác là các PPP điện tái tạo bị hạn chế bởi nguồn nguyên liệu sẵn có nền thường dựa trên cấu trúc “must take” của bên mua, với một khoản bồi thường thêm từ bên mua trong trường hợp xảy ra rủi ro từ phía bên mua, ví dụ như quá tải hoặc sụt giảm nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay, hợp đồng mẫu PPA không đặt ra nghĩa vụ nhận hoặc trả tiền rõ ràng đối với EVN và do đó không có bảo đảm gì về sự chắc chắn đối với nguồn doanh thu của dự án trong tương lai. PPA cũng miễn trừ nghĩa vụ cho EVN trong trường lưới điện đang được sửa chữa, kiểm tra, thử nghiệm hoặc gặp sự cố. Điều này đã đẩy rủi ro về phía bên bán điện và bên cho vay. Đây được coi là rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư cổ phần và các bên cho vay trong số các rào cản pháp lý, đặc biệt là rủi ro cắt giảm.

 

Thảo luận tại tọa đàm, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương cung cấp thông tin về thực tiễn hoạt động đầu tư điện gió của doanh nghiệp khi gặp phải những khó khăn như giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng, không bán được điện và cơ chế chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Ngoài ra, Đề tài cũng nhận được các ý kiến của một số nhà khoa học khác về: chính sách phát triển điện gió, sự hợp tác giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thực hiện PPP điện gió.

Các tin cùng chuyên mục: