•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tiếp tục họp triển khai các đề tài cấp Bộ thực hiện trong năm 2013 và 2014

22/05/2013
Trong tháng 5/2013, Viện Nhà nước và Pháp luật tiếp tục tổ chức các cuộc họp triển khai hai đề tài cấp Bộ do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương và PGS.TS. Nguyễn Như Phát làm chủ nhiệm đề tài.

Tại cuộc họp về đề tài "Dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế pháp lý thực thi dân chủ trực tiếp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam", chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương nêu khái quát mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu. Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề tài là phát huy dân chủ, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Từ đó, ban chủ nhiệm đề ra 2 mục tiêu cụ thể cần đạt được, đó là: Nhận diện trạng thái hiện hành của dân chủ trực tiếp ở Việt Nam hiện nay và xác lập cơ sở khoa học hoàn thiện cơ chế pháp lý thực thi dân chủ trực tiếp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Sau đó, các thành viên đề tài cùng thảo luận và thống nhất một số khái niệm công cụ của đề tài: Dân chủ trực tiếp; Cơ chế pháp lý thực thi dân chủ trực tiếp; Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. 

Đề tài cấp Bộ tiếp theo được họp triển khai là "Hoàn thiện thể chế pháp lý kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế", do PGS.TS. Nguyễn Như Phát làm chủ nhiệm đề tài. Cuộc họp chỉ ra 3 vấn đề chủ yếu cần được nghiên cứu, bao gồm:
    - Khái quát về thể chế pháp lý trong nền kinh tế thị trường
    - Thực trạng hệ thống pháp luật kinh tế
    - Hoàn thiện thể chế pháp lý trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.


Ngoài 2 đề tài cấp Bộ trên, đề tài thuộc Chương trình khoa học xã hội và nhân văn cấp Nhà nước "Nghiên cứu cơ sở pháp lý và phương pháp đấu tranh yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam" do Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ quan chủ trì, đã họp ngày 21/5/2013. PGS.TS. Nguyễn Như Phát là chủ nhiệm đề tài. 

Thành viên đề tài là các chuyên gia đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học pháp lý, Văn phòng Chính phủ, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan khác.

Bốn mục tiêu chính của đề tài này, cụ thể là:
    - Nghiên cứu tìm hiểu hệ thống pháp luật và tư pháp của Hoa Kỳ, pháp luật quốc tế từ đó xác định cơ sở pháp lý quốc tế và quốc gia liên quan tới trách nhiệm của Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại do chất da cam/dioxin gây ra đối với con người và môi trường ở Việt Nam;
    - Phân tích bài học kinh nghiệm từ vụ kiện của các nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam đòi các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại (2004-2008);
    - Nghiên cứu kinh nghiệm và hợp tác với các cá nhân, tổ chức nước ngoài về việc yêu cầu các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường cho các nạn nhân chất da cam/dioxin;
    - Đề xuất phương hướng và giải pháp tiếp tục đấu tranh đòi Chính phủ Hoa Kỳ và/hoặc các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại đối với con người và môi trường do chất da cam/dioxin mà Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam gây ra.

Các tin cùng chuyên mục: