•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tin hội thảo “Các giải pháp xây dựng mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân và với Đảng cộng sản trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

26/08/2010
Ngày 13/08/2010, tại Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân và với Đảng cộng sản trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020”; mã số: CT 09-16-05 thuộc Chương trình nghiên cứu CT 09-16, đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm tiếp tục thảo luận về các nội dung nghiên cứu đề tài. PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương - Chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo.
Tham gia hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Như Phát - Viện trưởng, Chủ nhiệm chương trình, Chủ nhiệm các đề tài nhánh thuộc Chương trình và các thành viên đề tài CT 09-16-05.

Tại Hội thảo, có 8 bản báo cáo được trình bày:
    -    Tính phổ biến và tính đặc thù của mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam;
    -    Tính phổ biến và tính đặc thù của mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng Cộng sản trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam;
    -    Các bước phát triển trong nhận thức tư duy lý luận của Đảng ta về xây dựng mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, giữa Nhà nước và Đảng cộng sản trong tiến trình đổi mới đất nước;
    -    Mức độ đạt được về tính pháp quyền của Nhà nước và những vấn đề đặt ra từ thực trạng mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, giữa Nhà nước với Đảng cộng sản ở nước ta hiện nay;
    -    Yêu cầu, nguyên tắc và bảo đảm cho việc thiết lập và duy trì mối quan hệ đúng đắn giữa Nhà nước với Đảng cộng sản trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam;
    -    Nội dung và phương thức thực hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam;
    -    Nội dung và phương thức thực hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và Đảng cộng sản trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam;
    -    Quan hệ giữa Đảng và Quốc hội: Thực trạng và giải pháp.


Trong hội thảo, đã có nhiều ý kiến thảo luận về 8 chủ đề nêu trên và các vấn đề liên quan đến nội dung nghiên cứu đề tài.

Về mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng cộng sản, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hưởng,Viện KHXH&NV, trao đổi: Đây là mối quan hệ thống nhất, cùng một mục tiêu chung. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh của Đảng. Làm thế nào để đạt được mục tiêu chung, làm thế nào để hoạt động của Đảng và Nhà nước đi đúng quỹ đạo phục vụ nhân dân, đảm bảo tính chính đáng và hợp pháp…? Đây là vấn đề hiện đang còn vướng mắc cả về lý thuyết và thực tiễn, rất cần tiếp tục nghiên cứu giải mã.

Bàn về mức độ đạt được về tính pháp quyền của Nhà nước từ mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, GS.TSKH. Đào Trí Úc khẳng định, tư tưởng quyền lực nhân dân là tư tưởng được Đảng ta nhận thức nhất quán và được thể hiện rõ trong điều 2 Hiến pháp 1992. Tổng kết sau 20 năm đổi mới, bài học kinh nghiệm được Đảng ta rút ra là luôn gần dân, lắng nghe dân, phấn đấu để nhân dân thực sự là chủ thể của quyền lực. Trên thực tế, quyền lực Nhà nước thuộc về một giai cấp nhất định. Vấn đề là giai cấp cầm quyền phải luôn luôn lắng nghe, huy động và bồi dưỡng sức dân. Sự kiêu ngạo cộng sản, xa rời dân có thể sẽ gây ra khủng khoảng chính trị. Từ nhận thức đó, GS cho rằng, cùng với việc hoàn thiện cơ chế dân chủ đại diện, hiện rất cần phải tăng cường cơ chế dân chủ trực tiếp. Pháp quyền là quyền lực hợp pháp, hợp hiến, muốn hợp pháp hợp hiến thì quyền lực phải là của nhân dân.

Về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, GS.TSKH. Đào Trí Úc phân tích sâu thêm vị trí, vai trò của Đảng: Đảng cộng sản hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng luôn luôn là một bộ phận của hệ thống chính trị, chịu sự ràng buộc của pháp luật. Vì vậy, muốn chính đáng và hợp pháp thì đường lối của Đảng phải phản ánh, bám sát lợi ích, ý chí của nhân dân. Tuy nhiên, GS cũng chỉ ra rằng, hiện nay chưa có cơ chế đủ mạnh và hiệu quả để kiểm tra, làm rõ trách nhiệm các các cấp ủy Đảng.

PGS.TS. Lê Văn Hòe, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, cũng cho rằng yêu cầu chung của việc thiết lập và duy trì mối quan hệ đúng đắn giữa Nhà nước với Đảng là phải thiết lập chế độ pháp quyền. Trên cơ sở này, ông nêu ra một số yêu cầu cụ thể như:
    - Đối với Đảng: Phải có cơ chế phản biện xã hội về đường lối của Đảng; cơ chế bảo vệ người phản biện; đơn giản hóa bộ máy của Đảng; khắc phục mặt trái trong công tác quản lý cán bộ của Đảng; từng bước luật hóa hoạt động của Đảng...
    - Đối với Nhà nước: Tính pháp quyền phải đồng bộ.
    - Trong quan hệ giữa Nhà nước và Đảng cần xác lập các nguyên tắc, trong đó chú ý nguyên tắc về trách nhiệm của Đảng; từng bước thống nhất cơ chế Đảng – Nhà nước; từng bước thống nhất công tác cán bộ…

Bàn về mối quan hệ giữa Đảng với một thiết chế cụ thể là Quốc hội, Ths. Nguyễn Tư Long – Văn phòng Quốc hội, cho rằng hiện vẫn tồn tại tình trạng chưa rõ về sự phân định giữa quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước. Điều này gây khó khăn cho thực tiễn phân định chức năng và thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan Đảng và Quốc hội. Từ đó, Ths. Nguyễn Tư Long đã đưa ra một số giải pháp xây dựng mối quan hệ này, trong đó có nhấn mạnh sự cần thiết làm rõ sự khác biệt trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với từng tổ chức nhà nước, đặc biệt chú trọng tới sự lãnh đạo hoạt động của cơ quan Quốc hội, đồng thời Đảng phải biết lắng nghe những phản biện từ các cơ quan Nhà nước và nhân dân…

Nhiều đại biểu có ý kiến chia sẻ và bổ sung làm phong phú thêm những quan điểm khoa học nêu trên.

Hội thảo kết thúc với sự nhất trí cao của các đại biểu về giá trị của hội thảo trong việc làm rõ thêm một bước các nội dung nghiên cứu đề tài.

Các tin cùng chuyên mục: