
PGS.TS. Nguyễn Duy Phương đồng chủ trì tọa đàm
Đồng chủ trì tọa đàm là hai chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương (Phó Hiệu trưởng Đại học Luật, Đại học Huế) và TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng Luật Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật). Tham gia tọa đàm là các thành viên đề tài và các nhà khoa học đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật; Đại học Luật, Đại học Huế; Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Đề tài được kết cấu gồm 02 phần chính:
Phần 1: Những vấn đề lý luận
- Chính sách hình sự thể hiện trong Bộ luật Hình sự năm 2015
- Chính sách pháp luật hình sự Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới
- Bình luận quan điểm chỉ đạo xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015
Phần 2: Bình luận từng chế định cụ thể thuộc Phần chung Bộ luật Hình sự năm 2015

TS. Đinh Thế Hưng (bên phải)
Phát biểu mở đầu tọa đàm, TS. Đinh Thế Hưng tóm tắt mục đích, yêu cầu của đề tài là bình luận khoa học chuyên sâu các quy định thuộc Phần chung của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Lực lượng tham gia đề tài là các nhà khoa học đến từ hai cơ sở Viện Nhà nước và Pháp luật và Đại học Luật, Đại học Huế đồng thời thu hút sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu về khoa học luật hình sự ở Việt Nam hiện nay. Đối tượng độc giả mà Ban chủ nhiệm đề tài hướng đến gồm 3 cấp độ: sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh; tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học cũng như là cuốn sách phổ biến pháp luật cho người đọc quan tâm đến luật hình sự nói chung.
Nhìn nhận về cách thức thực hiện đề tài, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí cho rằng, khi bình luận điều luật cần dựa trên một cơ sở lý thuyết cụ thể. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần tiếp cận dưới góc độ quyền con người, đặt biệt là trong luật hình sự. Ngoài ra, khi viết bình luận cần luận giải, đưa ra những ý kiến khen, chê, góp ý và phải có trích dẫn cụ thể.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí thảo luận tại tọa đàm
TS. Đinh Thế Hưng đồng ý với những quan điểm trên của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí về cách thức và tính chất của bình luận. Anh cho rằng, khi bình luận điều luật cụ thể, người viết cũng cần đưa các vụ án vào để minh họa.
Tiếp theo, tọa đàm đã thu nhận những góp ý, thảo luận của PGS.TS. Nguyễn Như Phát, TS. Trần Văn Biên (Viện Nhà nước và Pháp luật); PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, TS. Nguyễn Ngọc Kiện (Đại học Luật Huế); TS. Lê Xuân Lục (Đại học Kiểm sát Hà Nội) về các chuyên đề của đề tài, cụ thể ở các lĩnh vực: phòng vệ chính đáng; tội phạm có tổ chức; trách nhiệm hình sự của pháp nhân; xóa án tích; hình phạt;…
Sau đó, các thành viên đề tài đã thống nhất bổ sung thêm một chương ở Phần 1 với nội dung giới thiệu về sự hình thành của luật hình sự ở Việt Nam và sự ra đời các Bộ luật Hình sự từ trước đến nay. Trong Phần 2, đề tài thực hiện bình luận theo từng điều luật. Tuy nhiên, trước khi đi vào bình luận từng điều luật, sẽ có phần bình luận chung cho mỗi chế định cụ thể.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, TS. Đinh Thế Hưng cám ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và mong muốn các thành viên sớm hoàn thiện các chuyên đề để đề tài được hoàn thành đúng tiến độ.