ThS. Nguyễn Thu Dung báo cáo kết quả nghiên cứu
Đề tài đầu tiên báo cáo kết quả nghiên cứu có chủ đề “Những vấn đề lý luận của pháp luật về hỗ trợ phát triển đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong kinh tế nông nghiệp tuần hoàn” của ThS. Nguyễn Thu Dung. Đề tài nhìn nhận, hỗ trợ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là các biện pháp được Nhà nước quyết định áp dụng nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi về tài chính, hạ tầng kỹ thuật, khoa học công nghệ… để thực hiện các dự án đầu tư với mục đích thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. PPP lần đầu tiên được đề cập đến trong Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994, sau đó Luật Đầu tư năm 2005 và tiếp tục kế thừa, phát triển các quy định trong Luật Đầu tư năm 2014 và hiện nay là Luật Đầu tư năm 2020. Từ những dẫn chứng trên, đề tài đưa ra khái niệm pháp luật về hỗ trợ đầu tư theo phương thức PPP trong nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) là bao gồm tất cả các quy phạm pháp luật liên quan đến các biện pháp hỗ trợ đầu tư áp dụng cho các dự án trong lĩnh vực NNTH.
Đề tài chia ra 4 nhóm quy định trong nội dung của pháp luật về hỗ trợ đầu tư theo phương thức PPP trong nông nghiệp tuần hoàn, bao gồm: Nguyên tắc, mục tiêu, hình thức, quản lý, theo dõi và đánh giá. Trong đó, mục tiêu của hỗ trợ đầu tư theo PPP trong NNTH là nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ được cung cấp cũng như cải thiện tính cạnh tranh, giảm giá và tăng khả năng thành công của chương trình PPP.
Sau khi chỉ ra vai trò của pháp luật về hỗ trợ đầu tư theo phương thức PPP, tác giả lập luận về các yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến xây dựng và thực hiện pháp luật về hỗ trợ đầu tư theo phương thức PPP trong NNTH. Trong đó, có 3 nhóm yếu tố khách quan là nhu cầu thị trường, công nghệ và kinh nghiệm quốc tế. Sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường tạo động lực cho phát triển các dự án PPP. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên có thể thúc đẩy hoặc yêu cầu cập nhật các quy định pháp luật để khuyến khích đổi mới sáng tạo.
TS. Phạm Thị Hương Lan nhận xét về đề tài của ThS. Nguyễn Thu Dung
Hiện nay, đề tài đang nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ đầu tư theo phương thức PPP trong NNTH. Nhận xét tại tọa đàm, TS. Phạm Thị Hương Lan cho rằng, đề tài đã làm rõ được những khái niệm về hỗ trợ đầu tư theo phương thức PPP, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp... Những khái niệm nêu trên sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho những người quan tâm đến lĩnh vực này.
Tiếp theo, ThS. Phạm Thị Hiền trình bày đề tài “Pháp luật về ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay”. Ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp là các biện pháp ưu đãi cho doanh nghiệp để khuyến khích họ đầu tư vào các lĩnh vực mà Nhà nước mong muốn. Nói cách khác, doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực được khuyến khích sẽ được hưởng các ưu đãi nhất định. Mục đích của ưu đãi đầu tư này nhằm tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Nhà nước thực hiện áp dụng các ưu đãi đầu tư vào trong chính sách thuế, tín dụng, sử dụng đất đai và tài nguyên, xuất khẩu và nhập khẩu, cùng với các ưu đãi khác dựa vào căn cứ quy hoạch và định hướng phát triển trong từng thời kì.
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả đưa ra khái niệm pháp luật về ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) là hệ thống các quy phạm pháp luật quy định các nội dung ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động kinh tế (sản xuất, chế tạo, nghiên cứu sản phẩm...) theo mô hình phát triển của KTTH. Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản pháp luật liên quan, các ngành nghề được ưu đãi đầu tư là:
- Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng;
- Thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải;
- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm, dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong đó có quy định cụ thể các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư như: đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sản xuất các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường... Đề tài cũng phân tích thực trạng pháp luật về hình thức, đối tượng áp dụng và địa bàn ưu đãi đối với doanh nghiệp trong phát triển KTTH ở Việt Nam. Nhận định về hiện trạng đáp ứng của pháp luật về ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp trong phát triển KTTH, đề tài nhận thấy các quy định còn rất hạn chế, chưa cụ thể, vẫn chủ yếu nằm trong các quy định về ưu đãi đầu tư chung. Hiện nay, các quy định chỉ dừng ở mức độ là có liên quan tới khía cạnh về bảo vệ môi trường hoặc thân thiện với môi trường, tái chế chứ chưa có quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp phát triển KTTH. Điều này dẫn đến doanh nghiệp chưa có cơ sở và điều kiện pháp lý cụ thể để phát triển KTTH, chưa mạnh dạn đầu tư phát triển theo mô hình tuần hoàn. Việt Nam cũng chưa xây dựng được các tiêu chí cụ thể về KTTH cũng như các bộ quy chuẩn kỹ thuật về KTTH đối với từng ngành, nghề, lĩnh vực, chưa có cơ sở dữ liệu về KTTH… Do vậy, việc áp dụng các chính sách ưu đãi cũng như khuyến khích phát triển KTTH còn hạn chế.
ThS. Phạm Thị Hiền đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp
trong phát triển kinh tế tuần hoàn
Từ những bất cập nêu trên, ThS. Phạm Thị Hiền đề ra một số giải pháp hoàn thiện nội dung pháp luật. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế, trong đó lưu ý các nội dung ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư phát triển KTTH, chú trọng cả nhóm chính sách định hướng phát triển và nhóm chính sách ưu đãi phát triển KTTH. Bên cạnh đó, cần lưu ý tới chính sách thuế tối thiểu toàn cầu vì đây là một yêu cầu mà các quốc gia muốn phát triển và hội nhập cần phải thực hiện. Đề tài cũng kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về ưu đãi đầu tư phát triển KTTH cho doanh nghiệp.
Bình luận về chủ đề của đề tài, ThS. Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, Việt Nam đã đưa ra khá nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nhưng nhìn chung các doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà. Vì thế, đề tài nên rà soát, nhìn nhận xem chính sách ưu đãi hiện giờ đã phù hợp chưa, mục tiêu đề ra trong việc thu hút đầu tư đã phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội chưa. Đề tài cũng thu nhận những góp ý của các nhà khoa học về: Chỉnh sửa bố cục, bổ sung đặc điểm của pháp luật về ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp trong phát triển KTTH, đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật cụ thể hơn trong chính sách ưu đãi về thuế...
Vào ngày 01/10, Viện tiếp tục tổ chức buổi sinh hoạt khoa học của hai đề tài cơ sở. Đề tài thứ nhất có tiêu đề “Các yếu tố truyền thống và đương đại tác động đến văn hóa pháp luật ở Việt Nam” do ThS. Cao Việt Thăng là chủ nhiệm, TS. Trương Vĩnh Khang và ThS. Nguyễn Thanh Tùng là thành viên. Giống như văn hóa, có rất nhiều khái niệm về văn hóa pháp luật. ThS. Cao Việt Thăng cho biết, đề tài quan niệm văn hóa pháp luật là tất cả những giá trị pháp lý mà con người sáng tạo, nó được xây dựng trên cơ sở truyền thống văn hóa và các hành vi ứng xử đối với pháp luật của một cộng đồng, quốc gia, dân tộc, từ đó hình thành nên khuôn mẫu hành vi, định hướng lối sống tuân theo pháp luật của từng cá nhân trong xã hội.
Toàn cảnh buổi tọa đàm ngày 30/09/2024
Để nhận diện một nền văn hóa pháp luật cần có một cái nhìn tổng hợp và bao quát từ ý thức pháp luật, hệ thống pháp luật và hành vi pháp luật. Bởi trên thực tế, tất cả các phương diện này có mối quan hệ tác động qua lại, là tiền đề và hệ quả của nhau. Ý thức pháp luật có vai trò chỉ đạo việc xây dựng chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật của Nhà nước cũng như việc thực hiện hành vi pháp luật của cá nhân. Ngược lại, chính sách và hệ thống pháp luật có vai trò định hướng cho việc giáo dục ý thức pháp luật và hành vi pháp luật. Đến lượt mình, ý thức pháp luật và hành vi pháp luật tác động trở lại quá trình phát triển và hoàn thiện chính sách và hệ thống các thiết chế thực thi pháp luật. Như thế, ý thức pháp luật và hành vi pháp luật vừa là thước đo, vừa là bằng chứng thể hiện hiệu quả xã hội của một chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật.
Tiếp theo, TS. Trương Vĩnh Khang trình bày về sự tác động của yếu tố lịch sử, truyền thống đến việc hình thành văn hóa pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Các yếu tố đó là: Tôn giáo, gia đình, đạo đức truyền thống, học thuyết Khổng giáo, hương ước, luật tục. Trong đó, tôn giáo, mà cụ thể là Phật giáo, được du nhập vào nước ta bằng con đường hòa bình nên đã nhanh chóng bén rễ ngay từ thời Bắc thuộc, để rồi cộng sinh và thẩm thấu trong văn hóa Việt ở tầng sâu nhất của triết lí sống từ ngàn năm nay. Tư tưởng khoan dung, nhân ái của Phật giáo đã cộng hưởng rất đồng điệu với văn hóa trọng tình của người Việt nên đã được các thế hệ người Việt tiếp thu một cách tự nhiên, tự nguyện “như nước mưa thấm vào lòng đất mẹ”, để rồi từ đó càng tô đậm thêm triết lý sống thương người, lòng nhân ái, vị tha, bao dung trong lối sống cộng đồng và ứng xử trọng tình vốn đã rất đậm nét trong truyền thống của dân tộc ta. Các quy phạm của Phật giáo được xây dựng dựa trên nền tảng của quy phạm đạo đức với giá trị phổ quát nên khi thực hiện các ý niệm của Phật giáo thì sẽ có những đóng góp tích cực cho việc hình thành ý thức pháp luật.
ThS. Nguyễn Thanh Tùng và TS. Hoàng Kim Khuyên
Ngày nay, sự hình thành văn hóa pháp luật ở Việt Nam chịu sự tác động của rất nhiều các yếu tố đương đại. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển của nền kinh tế thị trường, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp là những yếu tố đương đại quan trọng tác động đến sự hình thành văn hóa pháp luật Việt Nam. Theo ThS. Nguyễn Thanh Tùng, hội nhập quốc tế có tác dụng thúc đẩy sự chuyển hóa những giá trị mang tính phổ quát của quyền con người trong các cải cách đối với hệ thống pháp luật. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu giao lưu hội nhập quốc tế chính là một trong những nhân tố thúc đẩy tự quản địa phương. Hội nhập quốc tế giúp Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm tổ chức chính quyền theo hướng bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, tạo ra những tiền đề cho sự phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam.
Từ những yếu tố đã nêu, đề tài đã kiến nghị một số giải pháp để nâng cao văn hóa pháp luật Việt Nam. Đó là việc cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng phân định rõ ràng với quyền hạn quản lý của chính quyền và các cơ quan lập pháp cần được tiếp tục tăng cường. Khi xây dựng văn hóa pháp luật cần có sự cân bằng trong cải cách kinh tế, chính trị và pháp luật cũng như cân bằng mối quan hệ giữa pháp luật được tiếp nhận từ nước ngoài với văn hóa pháp luật sở tại.
Góp ý về đề tài này, TS. Hoàng Kim Khuyên cho rằng, ngoài 3 yếu tố đương đại là những xu thế lớn đang diễn ra như đề tài đã nêu thì cần nghiên cứu thêm các yếu tố tự thân của Việt Nam như yếu tố văn hóa con người. Về phần thực trạng, khi đánh giá các yếu tố tác động thì đề tài nên chia thành nhóm vấn đề. Theo đó, có thể chia làm 2 nhóm: (i) Những yếu tố đó tác động đến văn hoá pháp luật nói chung; (ii) Những yếu tố đó tác động đến văn hóa pháp luật cụ thể. Ví dụ, nếu chia theo nhóm chủ thể của pháp luật thì sẽ có văn hoá pháp luật ở các cơ quan nhà nước (cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp), ở các tổ chức (doanh nghiệp, tổ chức giáo dục, y tế...) và các cá nhân trong xã hội.
Theo TS. Nguyễn Linh Giang, những giải pháp đưa ra cần cụ thể hơn, chẳng hạn, tổ chức các chương trình giáo dục pháp luật trong hệ thống trường học, hoặc một gợi mở khác như chương trình phổ biến, hướng dẫn chống hành vi tham nhũng trong các cơ quan nhà nước…
ThS. Nguyễn Lê Dân, Chủ nhiệm đề tài "Kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính cá biệt
ở Việt Nam hiện nay"
Đề tài cuối báo cáo kết quả nghiên cứu do ThS. Nguyễn Lê Dân là chủ nhiệm, “Kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính cá biệt ở nước ta hiện nay”. Về khái niệm, đề tài nhìn nhận, kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính cá biệt là toàn bộ hoạt động xem xét, theo dõi, đánh giá theo chu trình để ngăn ngừa, loại bỏ nguy cơ ban hành quyết định hành chính sai trái đảm bảo cho những quyết định hành chính được ban hành hợp pháp và khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như phụ vụ lợi ích chính đáng của đối tượng quản lý. Việc kiểm soát này là nhu cầu tất yếu để các cơ quan thực thi quyền lập pháp có được thông tin trên thực tế để xem xét, đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật từ đó có thể điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản pháp luật hiện hành nhằm kịp thời phục vụ cho việc quản lý hành chính nhà nước. Phương thức kiểm soát quyết định hành chính các biệt được tác giả phân ra làm 2 nhóm: Quyền lực nhà nước và quyền lực nhân dân. Việc kiểm soát bằng quyền lực nhà nước có tính chất bắt buộc, phải tuân thủ trong quá trình ban hành để bảo đảm đúng quy định pháp luật, hợp lý.
Mặc dù, pháp luật về kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính cá biệt khá đầy đủ và hoàn thiện để điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình ban hành và thực thi nhưng vẫn còn thiếu một số văn bản khung, trong đó quy định chi tiết hơn biện pháp kiểm soát làm cơ sở để thực hiện ở các cơ quan từ trung ương đến địa phương làm sao thống nhất và đồng bộ. Từ những hạn chế, bất cập trên thực tế, đề tài đưa ra một số giải pháp cơ bản để hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ban hành quyết định hành chính cá biệt, đó là:
- Thực hiện nghiên cứu toàn diện về kiểm soát ban hành quyết định hành chính cá biệt;
- Bảo đảm hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật về kiểm soát ban hành quyết định hành chính cá biệt;
- Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa pháp luật về kiểm soát ban hành quyết định hành chính cá biệt;
- Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ban hành quyết định hành chính cá biệt trong quy trình ban hành quyết định hành chính;
- Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ban hành quyết định hành chính cá biệt trong tổ chức thi hành quyết định hành chính.
Từ phải sang trái: ThS. Cao Việt Thăng, TS. Lê Thương Huyền, TS. Trương Vĩnh Khang
TS. Lê Thương Huyền cho rằng, việc ban hành quyết định hành chính cá biệt cần thực hiện theo quy trình. Vì thế, kiểm soát việc ban hành quyết định cũng sẽ theo từng bước. Chẳng hạn, ở bước xây dựng biên bản, khi nội dung hay cách trình bày của bản dự thảo không đúng thì có công cụ hay cách nào để kiểm soát hay không. Hoặc ở bước chủ thể có thẩm quyền đã ban hành quyết định hành chính cá biệt mà không hợp pháp, sai thẩm quyền thì áp dụng khiếu nại, khởi kiện có đủ kiểm soát được không.
Góp ý cho đề tài, TS. Nguyễn Linh Giang cho biết, đang có đề xuất về việc xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính thì trong Chương 3 của đề tài nên đưa ra quan điểm là đạo luật này có cần thiết không. Đề tài cũng nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận của các nhà khoa học về: Hình thức kiểm soát, nguyên tắc kiểm soát, ý nghĩa của việc tại sao phải kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính cá biệt…