•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Những quan điểm mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015”

03/06/2016
Sáng ngày 31/5/2016, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm khoa học “Những quan điểm mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015”. Đây là hoạt động khoa học thuộc Nhiệm vụ cấp Bộ năm năm 2016 – 2017 “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc thực hiện hiệu quả Bộ luật Hình sự năm 2015” do TS. Phạm Thị Thúy Nga làm chủ nhiệm. Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015 tại Kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Tham dự Tọa đàm có TS. Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Lê Mai Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật và các cán bộ nghiên cứu trong Viện.

 

TS. Nguyễn Văn Hoàn và ThS. Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Pháp luật Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật chủ trì Tọa đàm.

 

TS. Nguyễn Văn Hoàn và ThS. Đinh Thế Hưng chủ trì Tọa đàm (từ trái sang)

 

Mở đầu Tọa đàm là tham luận của TS. Nguyễn Văn Hoàn, chuyên gia về pháp luật hình sự và là người tham gia vào việc soạn thảo Bộ luật Hình sự năm 2015. TS. Nguyễn Văn Hoàn cho biết, sau khi chúng ta tiến hành hội nhập quốc tế, tham gia vào các điều ước quốc tế thì xuất hiện nhiều quan hệ xã hội mới đòi hỏi Bộ luật Hình sự cần có những sửa đổi, bổ sung căn bản về nội dung và hình thức.

 

Về mặt định hướng, Ban soạn thảo xác định có 5 hướng chính:

-   Thể chế hóa về mặt hình sự những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc thúc đẩy và pháp triển nền kinh tế thị trường, đảm bảo sự phát triển bền vững. Cụ thể là tập trung vào sửa đổi các điều luật trong chương về kinh tế và môi trường;

-   Đề cao tính phòng ngừa, tính hướng thiện trong việc xử lý hình sự, tôn trọng và bảo vệ quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013;

-   Phải có sự đổi mới về mặt nhận thức về chính sách để khắc phục những bất cập trong thực tiễn;

-   Nội luật hóa các điều ước quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế liên quan đến đấu tranh, phòng chống tội phạm để nhằm thực hiện cũng như tăng cường hợp tác trong đấu tranh, phòng chống tội phạm;

-   Hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp để nâng cao tính minh bạch, rõ ràng trong các quy định, bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ nội dung của Bộ luật Hình sự cũng như giữa Bộ luật Hình sự với các luật khác.

 

Từ những định hướng nêu trên, Chính phủ đề ra những vấn đề chính cần được thể hiện trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Đầu tiên phải kể đến là bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Vấn đề này đã được đưa ra năm 1999 và tiếp tục đưa ra thảo luận năm 2009 qua vụ  công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường. Đòi hỏi phải xử lý hình sự trong khi trách nhiệm hành chính đặt ra không hiệu quả. Bộ luật Hình sự lần này đã bổ sung chế định này nhưng hạn chế tác động để pháp nhân có thể hoạt động bình thường sau khi bị xử lý. Chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại thuộc 2 nhóm tội kinh tế và môi trường (ghi nhận 31 tội quy định tại Điều 76).

 

Một vấn đề khác được các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận là hạn chế hình phạt tử hình. Cũng như Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, Bộ luật Hình sự năn 2015 tiếp tục giảm số tội áp dụng hình phạt tử hình (còn 18 tội/314 tội, chiếm 5,73%), được xem xét trên 3 phương diện:

- Quy định cụ thể loại tội nào bị áp dụng hình phạt tử hình;

- Mở rộng diện người không bị áp dụng và người không bị thi hành hình phạt tử hình;

- Giảm bớt tội có hình phạt tử hình.

 

Trong đó, ở phương diện thứ nhất, loại tội bị áp dụng hình phạt tử hình là nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, quyền con người, ma túy, chống loài người và một số tội khác (tội khủng bố, tội sản xuất, buôn bán thuốc giả). Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung quy định người 75 tuổi trở lên phạm tội không áp dụng hình phạt tử hình. 

 

Về chính sách đối với người chưa thành niên phạm tội, Bộ luật Hình sự lần này có những thay đổi lớn về mặt nhận thức. Với các đối tượng từ 14 đến dưới 16 tuổi, phạm vi xử lý trách nhiệm hình sự được thu hẹp đáng kể với 29 tội (Điều 12 và 13), ngoài những tội đó thì không bị truy cứu. Nguyên nhân dẫn đến các em phạm tội còn do sự thiếu trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Vì thế, cần tăng cường các biện pháp giáo dục các em. Quy định này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước. 29 tội thuộc 4 nhóm tội về xâm phạm tính mạng sức khỏe, sở hữu, ma túy và an toàn công cộng. Với hành vi chuẩn bị phạm tội, Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ ghi nhận 4 tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là: tội giết người, tội cố ý gây thương tích, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm cướp tài sản.

 

Tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hoàn cũng nêu ra những điểm mới khác được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, đó là: (i) loại trừ trách nhiệm hình sự; (ii) chính sách đối với đối tượng yếu thế và đặc biệt; (iii) tha tù; (iv) xóa án tích; (v) hiệu lực của Bộ luật Hình sự.

 

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cám ơn TS. Nguyễn Văn Hoàn đã đến dự và cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các cán bộ nghiên cứu của Viện về những quy định mới trong Bộ luật Hình sự. Ông rất mong TS. Nguyễn Văn Hoàn tiếp tục hợp tác với đề tài trong thời gian tới. Bình luận về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng, trong thời gian tới các nhà khoa học và các nhà làm luật cần  làm rõ hơn 3 vấn đề: (i) trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Nhà nước; (ii) trách nhiệm hình sự của người đại diện cho pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm với Nhà nước; (iii) trách nhiệm trong nội bộ.

 

Về trường hợp trách nhiệm hình sự trong nội bộ, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đưa ra câu hỏi liệu pháp luật hình sự có điều chỉnh trách nhiệm hình sự của pháp nhân với trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi dẫn đến pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự không.

 

Bình luận về hiệu lực của Bộ luật Hình sự, TS. Lê Mai Thanh hỏi về việc áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và mối quan hệ với Công ước Luật biển năm 1982 mà Việt Nam tham gia. Nhận định về Khoản 1 Điều 6 áp dụng với người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam, bà cho rằng quy định này liệu có mâu thuẫn với Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị khi hành vi đó không bị coi là phạm tội.

 

Tọa đàm cũng đón nhận nhiều ý kiến, trao đổi của PGS.TS. Vũ Thư, TS. Phạm Thị Thúy Nga, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương và các nhà khoa học khác. Những ý kiến này đã thể hiện sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đến những quan điểm khoa học lên quan đến các chế định mới quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Những ý kiến tại Tọa đàm chắc chắn sẽ giúp cho Ban chủ nhiệm Đề tài thu thập được những quan điểm khoa học hữu ích đóng góp vào nội dung của Đề tài.