Phát biểu giới thiệu về Tọa đàm, TS. Lê Mai Thanh – Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật cho biết đây là một trong những hoạt động khoa học được tiến hành nhằm đưa ra những căn cứ pháp lý để thực hiện đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia liên quan đến việc hạ đặt giàn khoan trái phép xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nói riêng cũng như chính sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc nói chung.
Tham dự Tọa đàm có sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Như Phát – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, đại diện các Viện chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm; các nhà quản lý đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, các nhà khoa học chuyên ngành luật quốc tế cùng các cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết ý nghĩa quan trọng của Tọa đàm này không chỉ là buổi trao đổi khoa học thông thường mà còn góp phần hoàn chỉnh cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đấu tranh pháp lý một cách hòa bình để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Ông cho rằng, sức mạnh của chúng ta trong việc bảo vệ chủ quyền thể hiện ở 3 yếu tố chính: sức mạnh lòng dân; bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa; sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia và bạn bè quốc tế.
Tiếp theo, Tọa đàm lắng nghe tham luận đầu tiên với tiêu đề “Khái quát các yêu sách đối với Biển Đông” của TS. Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao. Theo ông, đối với Biển Đông có 3 yêu sách chính:
- Tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ;
- Tranh chấp về vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán;
- Tranh chấp liên quan đến thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Trao đổi về yêu sách thứ nhất, ông cho biết, có đầy đủ những tư liệu lịch sử, cơ sở pháp lý chứng minh chúng ta đã xác lập chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bằng chứng rõ nhất là từ thế kỷ 17 thời vua, chúa nhà Nguyễn đã có những hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải quản lý, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền ở những quần đảo này một cách liên tục, hiệu quả và hòa bình qua việc xây chùa, trồng cây, cho đến khi quân đội thực dân Pháp trên danh nghĩa Nhà nước Việt Nam xây dựng đài khí tượng, trạm quan sát trên quần đảo Hoàng Sa.

Từ trái sang phải: TS. Nguyễn Hùng Sơn và TS. Nguyễn Đăng Thắng.
Sau đó, TS. Nguyễn Đăng Thắng - Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao trình bày về khía cạnh pháp lý của vụ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. Theo ông, cso 3 nghĩa vụ chính mà các quốc gia có vùng biển tranh chấp cần thực hiện, đó là:
- Nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển;
- Nghĩa vụ thực hiện Công ước Luật biển 1982;
- Nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình và giải quyết các tranh chấp một cách thiện chí và hòa bình.
Theo Công ước 1982 quy định các quốc gia ven biển có vùng thềm lục địa tổi thiểu 200 hải lý tính từ đường cơ sở, nơi các quốc gia ven biển đương nhiên có quyền thăm dò, khai thác tài nguyên được hưởng và riêng biệt. Vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, nằm sâu vào ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tính từ đường cơ sở là 81 hải lý, cách đảo Tri Tôn là nơi xa nhất về phía nam của quần đỏa Hoàng Sa 17 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 183 hải lý. Điều này cho thấy hành vi hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí của Trung Quốc là vi phạm Công ước Luật biển 1982, cụ thể là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình.
Quyền của các quốc quốc gia ven biển với vùng thềm lục địa là riêng biệt nghĩa là không một quốc gia, cá nhân, tổ chức nào được xâm phạm đến quyền tự do thăm dò, khai thác tài nguyên, thiên nhiên ở vùng thềm lục địa nếu như không có sự đồng ý rõ ràng của quốc gia ven biển. Vì thế, hành vi hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Bàn về cơ sở pháp lý áp dụng đối với hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc, TS. Hoàng Ngọc Giao – Viện NC Chính sách, pháp luật và phát triển (PLD) đưa ra cách tiếp cận rộng hơn, không chỉ dựa trên Công ước Luật biển 1982 mà cần tiếp cận theo góc độ công pháp quốc tế, luật biển quốc tế và luật biển quốc gia.
Với công pháp quốc tế, những tàu hải giám, tàu quân sự, máy bay của Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực nhằm ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam, phục vụ cho việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam là đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực. Điều 41 Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ Hội đồng Bảo an có thẩm quyền đánh giá về mức độ đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam có thể đấu tranh bằng con đường ngoại giao khi đưa vụ việc ra Hội đồng Bảo an. Khi đó, các quốc gia ủy viên thường trực cũng như không thường trực Hội đồng Bảo an có thể lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này, tạo nên sức ép chính trị đối với Trung Quốc.

TS. Hoàng Ngọc Giao phát biểu tại Tọa đàm.
Tiếp cận theo luật biển quốc tế, có hai cơ chế Tòa án công lý quốc tế và Tòa án quốc tế về luật biển theo Công ước luật biển 1982. Chúng ta cần làm thì thể hiện tính thượng tôn của pháp luật. Chúng ta cần sớm xây dựng bộ hồ sơ, lập nhóm chuyên gia nghiên cứu để đưa ra kiện tại các Tòa án quốc tế này. Để giải quyết tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ, chúng ta có thể đưa ra kiện tại Tòa án công lý quốc tế của Liên hợp quốc. Về hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép, chúng ta đưa ra kiện tại Tòa án quốc tế về luật biển theo cơ chế giải quyết bằng trọng tài. Việc nhanh chóng xây dựng bộ hồ sơ sẽ tạo ra sức ép pháp lý cho Trung Quốc cũng như thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ông cũng đề xuất Bộ Ngoại giao nên mời thêm các chuyên gia quốc tế cũng như các chuyên gia Việt kiều có kiến thức sâu rộng về luật biển hợp tác, cung cấp trao đổi thông tin, chia sẽ dữ liệu để cùng xây dựng bộ hồ sơ có chất lượng và thuyết phục các tòa án quốc tế.
Về tiếp cận theo pháp luật quốc gia, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng quyền tài phán quốc gia, thực thi pháp luật theo lĩnh vực dân sự, kinh tế khi Trung Quốc vi phạm Luật Biển Việt Nam 2013. Chẳng hạn như, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hoặc Hội nghề cá Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Tổng công ty dầu khí Hải Dương của Trung Quốc.
Trình bày về phương thức khởi kiện quốc tế, TS. Lê Mai Thanh đưa ra 3 tiêu chí: thẩm quyền; chứng cứ; và hiệu quả về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế của các phán quyết. TS. Thanh đồng tình với những ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước đó về căn cứ pháp lý, đánh giá hành vi hạ đặt giàn khoan nói riêng và chính sách “cường quốc biển” của Trung Quốc nói chung.
Về mặt thẩm quyền, TS. Lê Mai Thanh cho rằng Việt Nam có thể đưa vụ việc ra Đại hội đồng Liên hợp quốc theo Điều 35.1 của Hiến chương Liên hợp quốc. Chúng ta có thể vận động các quốc gia thành viên đồng ý và ủng hộ Việt Nam.

Từ trái sang phải: TS. Lê Mai Thanh và PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện Nhà nước và Pháp luật.
Ngoài các phương thức dựa theo căn cứ vào Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, công cụ của Liên hợp quốc và các án lệ, TS. Thanh đưa ra một số phương thức giải quyết khác. Bà cho biết, Trung Quốc và Việt Nam cùng là thành viên của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), tổ chức hoạt động vì mục đích an ninh, an toàn hàng hải, chống ô nhiễm và những vấn đề mang tính kỹ thuật khác. Theo đó, tổ chức này có đưa ra quy định về thái độ của các tàu thuyền đi lại, sử dụng tự do hàng hải.
Thêm nữa, chúng ta có thể tiếp cận dưới góc độ quyền con người. Theo Hiến chương Liện hợp quốc và các các công ước quốc tế khác, các quốc gia có trách nhiệm hợp tác, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Nhiều bằng chứng cho thấy từ năm 2009 đến nay, các tàu đánh cá, tàu hải giám của Trung Quốc thường xuyên có hành vi đâm va tàu đánh cá, bắt giữ các ngư dân Việt Nam. Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Với mỗi phương thức đã nêu ở trên, TS. Lê Mai Thanh đã phân tích và đánh giá hiệu quả, tính khả thi về mặt pháp lý cũng như khả năng thực tế.
Tọa đàm cũng đã lắng nghe những bài bình luận của PGS.TS. Nguyễn Trung Tín - Viện NC phát triển thực hành pháp luật và PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng các trao đổi của các nhà khoa học khác.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho biết Tọa đàm này mới là buổi thảo luận đầu tiên, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động khoa học nhằm tìm ra những cơ sở pháp lý xác đáng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia. Đây vừa là nhiệm vụ khoa học cũng vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Những kết quả từ các lần thảo luận, trao đổi khoa học về vấn đề này sẽ được chúng tôi tập hợp thành báo cáo trình lên các cơ quan cấp cao.