•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”

29/03/2024
Tọa đàm là hoạt động sinh hoạt khoa học của Viện được tổ chức vào ngày 25/03/2024. Chủ đề của tọa đàm do Phòng Luật Kinh tế đề xuất và triển khai thực hiện.

Tham gia tọa đàm có TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện), TS. Trần Văn Biên (Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật) và đông đảo nhà nghiên cứu của Viện. TS. Phạm Thị Hương Lan (Trưởng phòng Phòng Luật Kinh tế) chủ trì và điều hành tọa đàm.

 

TS. Phạm Thị Hương Lan chủ trì tọa đàm

 

Phát biểu mở đầu tọa đàm, TS. Phạm Thị Hương Lan cho biết, Việt Nam hiện chưa có Luật Năng lượng tái tạo, nhưng có 2 văn bản quan trọng mang tính định hướng chiến lược cho phát triển năng lượng tái tạo, đó là: (i) Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; và (ii) Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Sau Quyết định và Nghị quyết này, có nhiều văn bản dưới luật được ban hành, nhằm điều chỉnh hoạt động chủ yếu ở hai lĩnh vực điện mặt trời và điện gió.

 

Như vậy, để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam trong thời gian tới thì việc xây dựng dự thảo Luật Năng lượng tái tạo là cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển NLTT và giải quyết các vấn đề sau:

  • Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển NLTT, phát triển công nghiệp NLTT, năng lượng mới phục vụ trong nước và xuất khẩu.
  • Xây dựng luật về NLTT để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, xử lý các vướng mắc, thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn sử dụng NLTT; tách bạch vai trò quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, với quan điểm phát triển xanh và bền vững, nguồn năng lượng tái tạo trong đó có năng lượng gió, mặt trời sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng, hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

 

Báo cáo đầu tiên trình bày tại tọa đàm là của ThS. Nguyễn Thu Dung, “Luật Năng lượng tái tạo của Trung Quốc và gợi mở cho Việt Nam”. Sau khi ban hành Luật Năng lượng tái tạo Trung Quốc năm 2005, Trung Quốc trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng về nguồn NLTT, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về lắp đặt và sản xuất NLTT. Trong đó, công suất điện gió tăng trưởng với tốc độ ngoạn mục, gần như tăng gấp đôi mỗi năm trong giai đoạn 04 năm từ 2006 đến 2009, từ 1,3 GW vào cuối năm 2005 lên 64,4 GW vào cuối năm 2011, vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có công suất lắp đặt điện gió lớn nhất thế giới.

 

Tuy nhiên, dù công suất điện gió lắp đặt gia tăng nhanh chóng nhưng lượng điện thực tế được tạo ra từ các tuabin gió lại thấp hơn so với Mỹ. Điều này được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chậm trễ trong giai đoạn kết nối các trang trại gió với lưới điện, sự tích hợp kém của các trang trại gió vào lưới điện và việc các công ty lưới điện cắt giảm điện gió do những lo ngại có thể làm mất ổn định lưới điện… Nhận diện được những thách thức này, năm 2009, Trung Quốc đã sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng tái tạo.

 

ThS. Nguyễn Thu Dung (ngồi giữa)

 

Tham luận đã nghiên cứu, phân tích một nội dung cụ thể được sửa đổi, bổ sung trong Luật năm 2009 là chính sách đấu nối và mua bán điện bắt buộc nhằm cải thiện việc tích hợp NLTT vào lưới điện.

 

Thứ nhất, việc cải thiện chính sách mua và kết nối bắt buộc nhằm cân bằng trách nhiệm của nhà sản xuất điện và công ty lưới điện trong việc bảo đảm mức độ ổn định của hệ thống lưới điện. Luật năm 2005 yêu cầu các công ty lưới điện phải mua vô điều kiện tất cả NLTT có sẵn. Luật năm 2009 cho phép các công ty lưới điện chỉ phải mua NLTT từ những máy phát điện đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nhất định để đấu nối.

 

Thứ hai, xác định rõ các điều kiện cắt giảm điện cho phép và biện pháp đền bù hợp lý. Các công ty lưới điện có thể cắt giảm sản lượng trong một số trường hợp nhất định như: Lưới điện bị quá tải; đã đảm bảo rằng lượng điện lớn nhất từ nguồn NLTT đã được mua; đã có báo cáo hiện trạng hệ thống lưới điện. Tuy nhiên, trong các trường hợp nêu trên thì nhà sản xuất điện phải được đền bù một khoản tương xứng trên cơ sở thương lượng hoặc ấn định.

 

Thứ ba, hạn chế các thỏa thuận hợp đồng cho phép cắt giảm. Câu hỏi đặt ra là liệu các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện về một số trường hợp cắt giảm điện ngay cả khi vi phạm Luật Năng lượng tái tạo hay không? Ở Đức, các hợp đồng mua bán điện thường có điều khoản cho phép các công ty điện gió kết nối một dự án điện gió mới nếu họ đồng ý tuân theo lệnh cắt giảm mà không yêu cầu khoản bồi thường nào trong thời gian cắt giảm. Điều khoản này cũng làm gia tăng lượng điện năng tái tạo kết nối với lưới điện hơn. Ở Trung Quốc, có thể có lợi ích tương tự nhưng khả năng lạm dụng điều khoản này là rất cao. Các công ty lưới điện ở Trung Quốc thường có ưu thế, các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện thường do các công ty lưới điện đưa ra, quyền thương lượng thường đáng kể hơn so với bên bán điện, khiến cho bên bán điện rất ít có sự lựa chọn pháp lý.

 

Từ những phân tích, nhận định nêu trên, ThS. Nguyễn Thu Dung cho rằng, Việt Nam cần thiết phải có một đạo luật riêng về NLTT để đưa ra một chính sách thống nhất về NLTT đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị của Nhà nước trong việc thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng này. Bên cạnh đó, cần phải có các quy định pháp luật cụ thể liên quan đến vấn đề cắt giảm điện khi hiện nay tình trạng cắt giảm điện diễn ra khá thường xuyên, không được giải trình minh bạch từ các doanh nghiệp cung cấp điện đã gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Từ thực tiễn của Trung Quốc, Việt Nam có một số điểm tương đồng về thị trường và môi trường đầu tư liên quan đến ưu thế độc quyền của các công ty mua bán điện nhà nước cho nên Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm trong việc hạn chế các thỏa thuận hợp đồng cho phép cắt giảm điện.

 

TS. Bùi Đức Hiển trình bày tham luận

 

Tiếp theo, tọa đàm lắng nghe tham luận “Thực trạng pháp luật về phát triển điện mặt trời ở Việt Nam hiện nay” của TS. Bùi Đức Hiển. Quan điểm về thúc đẩy và phát triển NLTT trong đó có điện mặt trời được ghi nhận trong Luật Điện lực 2012, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Đầu tư… Tuy nhiên, các quy định pháp luật về NLTT trong đó có điện mặt trời nằm trong các văn bản dưới nghị định như nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ Công thương… Các quy định này phần lớn tập trung vào các vấn đề hỗ trợ vốn, hỗ trợ đất đai, hỗ trợ về giá, phát triển công nghệ… với nhiều điểm hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, trong việc hỗ trợ vốn đầu tư, ngân hàng quy định các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời phải có nguồn vốn tự có từ 30-40%, điều này gây cản trở cho các nhà đầu tư có nguồn vốn không cao cũng như khiến họ phải đối mặt với khả năng gặp rủi ro lớn.

 

Về giải pháp phát triển NLTT nói chung và điện mặt trời nói riêng, TS. Bùi Đức Hiển hoàn toàn đồng tình với quan điểm của ThS. Nguyễn Thu Dung rằng chúng ta cần hoàn thiện hành lang pháp lý, không chỉ là các quy định dưới luật mà phải là một đạo luật về NLTT để điều chỉnh toàn diện hơn trong các vấn đề: Xác định các chủ thể tham gia; tự chủ về công nghệ trong phát triển NLTT và xử lý chất thải từ NLTT; xây dựng thị trường điện cạnh tranh; ưu đãi cho điện tái tạo; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục mua bán điện từ NLTT.

 

Sao đó, ThS. Phạm Hồng Nhật trình bày báo cáo “Phát triển năng lượng điện tái tạo và một số vấn đề đặt ra”. Phát triển năng lượng tái tạo không phải vấn đề mới mà đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xây dựng chính sách thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do còn nhiều rào cản khó khăn nên việc triển khai các dự án đầu tư và khai thác, ứng dụng còn hạn chế. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ cả về pháp lý, tài chính, công nghệ và xã hội, với sự chung tay, giúp sức của các cấp quản lý tại trung ương, địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp liên quan để nguồn năng lượng tái tạo sẽ phát triển đạt được kì vọng trong thời gian tới.

 

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương phát biểu ý kiến

 

Thảo luận tại tọa đàm, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương cho rằng, chúng ta cần có nhìn đa chiều trong quản lý, cung cấp, mua bán điện giữa các doanh nghiệp nhà nước với người dân và nhà đầu tư. Đúng là trên thực tế có những ưu thế nhất định của công ty nhà nước so với nhà đầu tư trong hợp đồng mua bán điện cũng như việc cung cấp điện cho người dân. Tuy nhiên, Nhà nước cũng đang phải đối mặt với những khó khăn trong đảm bảo, duy trì ổn định nguồn điện, phát triển hệ thống lưới điện. Ngoài ra, ThS. Bạch Dương đề xuất cần có quỹ đầu tư mạo hiểm để thu hút vốn đầu tư.

 

Tọa đàm tiếp tục diễn ra với tham luận “Chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành NLTT trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam hiện nay” của TS. Hoàng Kim Khuyên. Nội dung bài viết cho thấy việc đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới là vô cùng quan trọng trong bối cảnh ngành NLTT còn khá mới, các chuyên gia trong lĩnh vực này phần lớn là người nước ngoài. Tác giả đã chỉ ra những thách thức và đề xuất một số nội dung về chính sách phát triển nguồn nhân lực, đó là:

  • Xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực NLTT;
  • Thành lập cơ quan/trung tâm phát triển nguồn nhân lực năng lượng trong đó có NLTT;
  • Xây dựng các tiêu chuẩn nghề liên quan đến các ngành, nghề NLTT;
  • Thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục  nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi năng lượng;
  • Kế hoạch để sử dụng nguồn nhân lực quốc tế bên cạnh nguồn nhân lực nội địa.

ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga trình bày tham luận

 

Tham luận cuối cùng tại tọa đàm do ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga trình bày có chủ đề “Chính sách, pháp luật về NLTT ở một số quốc gia và gợi mở cho Việt Nam”. Tác giả đã lựa chọn tìm hiểu ở hai quốc gia Châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc. Tháng 4/2021, Nhật Bản đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, nâng mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính từ mức 26% năm 2013 lên 46% vào năm 2030; tiếp tục duy trì sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng. Theo kế hoạch đã đặt ra, Nội các Nhật Bản phê duyệt NLTT sẽ chiếm 36 - 38% nguồn cung cấp điện vào năm 2030 (gấp đôi mức của năm 2019), trong đó 14 - 16% đến từ năng lượng mặt trời, 5% từ gió, 1% từ địa nhiệt, 11% từ thủy điện và 5% từ sinh khối.

 

Để đạt được những tham vọng đó, chính sách thúc đẩy phát triển NLTT ở Nhật Bản đã được triển khai từ rất sớm.

 

Thứ nhất, ngay từ năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà sử dụng NLTT với thời gian trả nợ tối đa là 10 năm. Chính phủ còn mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời.

 

Thứ hai, đưa ra mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050. Đây là một nhiệm vụ cấp bách đối với Chính phủ Nhật Bản. Quốc gia này đã đặt mục tiêu giảm 26% (hoặc hơn) lượng khí thải vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.

 

Thứ tư, áp dụng thuế môi trường cao đối với các hoạt động sản xuất gây phát thải khí nhà kính, loại bỏ trợ cấp cho năng lượng truyền thống; từ đó, gián tiếp tạo ra tính cạnh tranh cho NLTT và thúc đẩy phát triển các dự án NLTT.

 

Thứ năm, tăng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ NLTT: nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, dán nhãn cho sản phẩm và cung cấp những thông tin về tác động đến môi trường.

 

Thứ sáu, thực hiện phi tập trung hóa, xem xét lại một số Luật gây cản trở cho việc phát triển NLTT, như Luật về vườn quốc gia, Luật về đất nông nghiệp, Luật rác thải và vệ sinh… tạo cơ chế thông thoáng cho NLTT phát triển. 

 

Thứ bảy, áp dụng các chính sách mới để kích thích đầu tư vào NLTT, thu hút khu vực tư nhân. Cùng với đó là cải tổ nhằm điều chỉnh hệ thống năng lượng cũ, như việc các công ty điện lực khu vực có quy mô lớn thường kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, từ việc phát điện cho đến khâu phân phối và bán lẻ. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn đưa ra một số chính sách, pháp luật khác nữa.

 

ThS. Nguyễn Thị Hưng trao đổi tại tọa đàm

 

Trao đổi tại tọa đàm về việc ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn, ThS. Nguyễn Thị Hưng cho rằng, việc kiến nghị ngân hàng cho vay 100% vốn là không phù hợp, mức tối đa chỉ có thể là 80%. Bởi lẽ, về nguyên tắc, tương tự như việc vay tiền để mua nhà thì người mua cần phải có ít nhất từ 20-30% số vốn. Nếu ngân hàng cho vay 100% vốn thì mức độ rủi ro là rất cao, nhất là trong lĩnh vực đầu tư vào một lĩnh vực mới như điện từ NLTT. ThS. Nguyễn Thị Hưng cũng chia sẻ những thông tin thực tế hữu ích liên quan đến: phân loại điện mặt trời (điện cánh đồng, điện áp mái), hoạt động của người dân, doanh nghiệp khi đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời…

Các tin cùng chuyên mục: