•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Thực hiện pháp luật kinh tế ở thành phố Đà Nẵng: Thực trạng và giải pháp”

05/12/2023
Sáng ngày 27/11/2023, tại Đà Nẵng, Viện Nhà nước và Pháp luật và Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp tổ chức Tọa đàm “Thực hiện pháp luật kinh tế ở thành phố Đà Nẵng: Thực trạng và giải pháp”.

Đây là tọa đàm trong khuôn khổ của Đề tài cấp nhà nước KX.04.14/21-25 do TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật) là chủ nhiệm: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế - Nội dung trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

Đồng chủ trì tọa đàm là PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm), TS. Hoàng Hồng Hiệp (Quyền Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ) và TS. Phạm Thị Thúy Nga.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (giữa), TS. Hoàng Hồng Hiệp và TS. Phạm Thị Thúy Nga đồng chủ trì tọa đàm

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho biết, Toạ đàm được tổ chức nhằm tìm hiểu thực tế thực hiện pháp luật kinh tế ở Tp. Đà Nẵng trong thời gian qua, ghi nhận những phản ánh, lắng nghe các ý kiến của các nhà quản lý, những người làm công tác thực tiễn, các nhà khoa học về thực hiện pháp luật kinh tế tại thành phố trên các lĩnh vực: Khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư, lao động, an sinh xã hội. Ngoài ra, việc thực hiện các chủ trương lớn về ban hành cơ chế đặc thù để xây dựng và phát triển Tp. Đà Nẵng; phát triển thị trường khoa học công nghệ; cơ chế đột phá huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; cơ chế đặc thù thu hút các nhà đầu tư chiến lược; vấn đề thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển liên kết vùng… cũng là những nội dung mà Tọa đàm quan tâm.

 

Tọa đàm diễn ra với các tham luận của đại diện các Sở, ngành, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu đang hoạt động và làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Nhiều tham luận thu hút được sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt ở các nội dung về môi trường kinh doanh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp; định hướng và giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững tại Đà Nẵng; cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển Tp. Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố…

 

Về lĩnh vực môi trường kinh doanh và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vùng Nam Trung Bộ, TS. Hoàng Hồng Hiệp cho rằng, các nhân tố đặc trưng của doanh nghiệp như vốn, lao động, tuổi doanh nghiệp và năng suất lao động là những nhân tố quan trọng có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các SME của vùng. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là đa số các SME ở vùng Nam Trung Bộ thâm dụng lao động cao. Các doanh nghiệp tư nhân đạt được sự vượt trội về mặt doanh thu song lại thấp hơn đáng kể về lợi nhuận so với các loại hình doanh nghiệp khác.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Ngoài ra, quy mô thị trường nội tỉnh đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động của các SME vùng Nam Trung Bộ. Trong khi đó, các SME tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung lại có hiệu quả kinh doanh thấp hơn so với các SME ở các tỉnh còn lại. Liên quan đến môi trường kinh doanh và năng lực quản trị địa phương, các kết quả ước lượng đều khẳng định, môi trường vĩ mô và chất lượng thể chế địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự thành công của các SME tại vùng Nam Trung Bộ.

 

Trong việc định hướng và giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững tại Đà Nẵng, ông Lê Minh Dương (Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra, sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Đây là khu vực có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, tuy nhiên việc thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này đến nay còn rất hạn chế. Vì vậy, cần phải có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và nỗ lực từ địa phương.

 

Chính phủ đôn đốc các địa phương thực hiện thật nhanh và có hiệu quả công tác quy hoạch, đặc biệt trong các ngành về phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển xanh; tăng cường đối thoại giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương với nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, người dân để kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gặp phải trong hoạt động của các dự án nông nghiệp. Đối với địa phương, cần chú trọng “liên kết vùng” gắn với “tư duy phát triển”. Việc liên kết, hợp tác giữa các tỉnh thành sẽ tạo động lực, sức mạnh tổng hợp trong việc hỗ trợ nhau thu hút FDI có hiệu quả vào phát triển nông nghiệp bền vững và giải quyết tốt các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Các đại biểu, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm

 

Về thực tiễn thực hiện quy định về thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Tp. Đà Nẵng, ông Huỳnh Sang (Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết, việc xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã xác định: “Xây dựng Tp. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”.

 

Xác định được vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm, tập trung triển khai thực hiện các hoạt động KNĐMST, từng bước tạo phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

 

Ngoài ra, nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực để triển khai các hoạt động KNĐMST, Đà Nẵng đã hỗ trợ, khuyến khích các trường đại học, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị trên địa bàn hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các vườn ươm, các không gian sáng tạo, khu làm việc chung, câu lạc bộ về KNĐMST. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 01 Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST thành phố; 02 Trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học; 09 vườn ươm; 04 không gian sáng tạo; 09 không gian làm việc chung; 05 Quỹ đầu tư khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng và cộng đồng các doanh nghiệp KNĐMST.

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga phát biểu kết thúc tọa đàm

 

Phát biểu kết thúc tọa đàm, TS. Phạm Thị Thúy Nga khẳng định, tất cả các ý kiến của các đại biểu sẽ được các thành viên đề tài nghiêm túc nghiên cứu, đặc biệt là những phát hiện về các bất cập của pháp luật và những đòi hỏi của thực tiễn yêu cầu đổi mới chính sách và pháp luật trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư, lao động, an sinh xã hội… Những phát hiện, gợi mở đó sẽ được kết nối với nhau để nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể và tìm kiếm những giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ, có tầm nhìn nhằm mục đích tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện.

Các tin cùng chuyên mục: