•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Thực hiện pháp luật kinh tế tại Quảng Ninh: Thực trạng và giải pháp”

20/11/2023
Ngày 17/11/2023, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh tổ chức Tọa đàm khoa học “Thực hiện pháp luật kinh tế tại Quảng Ninh: Thực trạng và giải pháp”. Ông Đặng Bá Bắc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh và TS. Phạm Thị Thúy Nga, Chủ nhiệm đề tài, chủ trì buổi Tọa đàm.

TS. Phạm Thị Thúy Nga và ông Đặng Bá Bắc đồng chủ trì Tọa đàm

 

Tọa đàm nhằm tìm hiểu thực tế việc thực hiện pháp luật kinh tế tại Quảng Ninh, đồng thời tiếp nhận những phản ánh, đề xuất, kiến nghị để đề ra giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là hoạt động khoa học thuộc Đề tài cấp nhà nước “Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế - Nội dung trong tâm của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật làm chủ nhiệm. 

 

Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay 6 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI và 10 năm liền nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Quảng Ninh là một trong ba địa phương được Đề tài KX.04.14/21-25 lựa chọn khảo sát nhằm phát hiện bài học kinh nghiệm có thể nhân rộng ra cả nước. Đồng thời, tìm ra những điểm nghẽn thể chế, vướng mắc trong thực hiện pháp luật kinh tế từ góc nhìn của địa phương.

 

Các báo cáo tại Tọa đàm bao gồm các tham luận của các Sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, luật sư của tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, còn có một số tham luận của các nhà nghiên cứu. Các tham luận thu hút được sự quan tâm của các đại biểu và có những thảo luận sôi nổi. Đặc biệt là các nội dung về đổi mới sáng tạo; kinh tế đêm; bảo vệ môi trường.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Về đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Sơn Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải biển và Xuất nhập khẩu Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh đã thể hiện quyết tâm với việc ban hành hàng loạt các nghị quyết tập trung vào phát triển khoa học công nghệ và phân bổ 4% từ ngân sách của tỉnh, cao hơn 200% so với mặt bằng chung cả nước, nhằm thu hút nhân lực và các sáng kiến khoa học công nghệ. Tuy nhiên vẫn còn có những khó khăn. Hành lang pháp lý, cơ chế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đồng bộ; các doanh nghiệp sản xuất còn khó khăn về giải tỏa mặt bằng; các khu công nghiệp được lấp đầy nhưng chưa được nhà đầu tư vận hành sản xuất; các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vay vốn; chính sách thuế vẫn còn bất cập, chưa khuyến khích được doanh nghiệp khoa học và công nghệ”.

 

Ông Mai Đoàn Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh thông tin, thực tế nguồn ngân sách cho khoa học công nghệ thường không sử dụng hết. Các đại biểu thảo luận về việc Quảng Ninh cũng cần mạnh dạn triển khai các hình thức đấu thầu sáng kiến, ý tưởng khoa học thay vì chỉ đấu thầu giao nhiệm vụ. Tương xứng với yêu cầu này, pháp luật kinh tế cần thiết có quy định rõ ràng về “rủi ro trong nghiên cứu khoa học”, cần có cơ chế bảo vệ các quyết định thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo do bản chất của các hoạt động sáng tạo có những rủi ro. Nếu không chấp nhận thất bại sẽ không thể phát triển được khoa học và công nghệ.

 

Về phát triển kinh tế đêm, Luật sự Đặng Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH Luật LK và Cộng sự, chỉ ra một số rào cản pháp lý cần thiết phải sửa đổi. Các thảo luận tại Tọa đàm cho thấy các quy định pháp luật về kinh tế đêm hiện nay chưa phù hợp. Chẳng hạn, khung thời gian cho kinh tế đêm là chưa phù hợp đối với một số dịch vụ giải trí như karaoke, vũ trường; dịch vụ biểu diễn, vũ trường còn chưa có những ràng buộc về vị trí, biện pháp kiểm soát độ tuổi khách hàng; các biện pháp về xử lý sự cố như đường dây nóng, lực lượng phản ứng nhanh như cảnh sát du lịch còn chưa được quy định hợp lý trong hệ thống pháp luật kinh tế hiện hành. Pháp luật cần có hướng dẫn thi hành cụ thể về các nội dung này. Ngoài ra, quản lý lao động di trú, lao động trẻ em, người cao tuổi phục vụ kinh tế đêm có nhiều rủi ro cần được lưu ý.

 

Các đại biểu, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm

 

Vấn đề đất đai, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một nội dung rộng và được thảo luận nhiều. PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, chỉ ra một số vướng mắc trong quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất tôn giáo. Nhiều đại biểu đánh giá tích cực về lộ trình và những giải pháp bảo vệ mội trường mà Quảng Ninh đã thực hiện trong những năm qua nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Ông Mai Đoàn Dũng cho biết, hằng năm, tỉnh Quảng Ninh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp môi trường. Tỉnh đã đề ra các giải pháp phù hợp, mạnh tay trong triển khai thực hiện những vấn đề “nóng”, gây bức xúc lớn liên quan đến bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn còn nhiều việc phải làm trong công tác bảo vệ môi trường bền vững. Các đại biểu thảo luận về những giải pháp pháp lý trước tình trạng suy giảm chất lượng nước biển ven bờ; những tác động xấu của việc khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ than đến môi trường; nước thải sinh hoạt; quản lý chất thải rắn …

 

Thay mặt các thành viên Đề tài, Chủ nhiệm TS. Phạm Thị Thúy Nga nhấn mạnh: “Tất cả các ý kiến của các đại biểu sẽ được các thành viên đề tài nghiêm túc nghiên cứu, đặc biệt là những phát hiện về các bất cập của pháp luật và những đòi hỏi của thực tiễn yêu cầu đổi mới chính sách và pháp luật trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư, lao động, an sinh xã hội… Tất cả những phát hiện, gợi mở đó sẽ được kết nối với nhau để nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể và tìm kiếm những giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ, có tầm nhìn nhằm mục đích tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.”

 

Kết thúc tọa đàm, đại diện Viện Nhà nước và Pháp luật, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh cảm ơn các đại biểu, báo cáo viên về sự hợp tác cùng những đóng góp tích cực cho Tọa đàm.

Các tin cùng chuyên mục: