•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Viện Nhà nước và Pháp luật: Quá trình phát triển và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới”

01/12/2023
Nhằm mục đích góp phần chào mừng Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức Tọa đàm khoa học về chủ đề “Viện Nhà nước và Pháp luật: Quá trình pháp triển và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới”. Tọa đàm diễn ra ngày 24/11/2023 tại Hội trường trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (bìa trái) và TS. Trần Văn Biên đồng chủ trì tọa đàm

 

Chủ trì tọa đàm là PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật và TS. Trần Văn Biên, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật. Tham gia tọa đàm có đông đảo các nhà khoa học trong Viện.

 

Mở đầu là tham luận của ThS. Cao Việt Thăng về quá trình hình thành, phát triển và những vấn đề đặt ra trong hoạt động nghiên cứu lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật. Bài viết điểm lại những thành tựu nghiên cứu tiêu biểu của chuyên ngành này trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế. Chẳng hạn, về sách chuyên khảo, có thể kể đến cuốn “Những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước và pháp luật”, Nxb. Chính trị quốc gia ấn hành năm 1995 do GS.TSKH. Đào Trí Úc làm chủ biên. Đây là cuốn sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ nghiên cứu sinh và học viên cao học.

 

Các chuyên gia của Viện đã biên soạn nhiều cuốn chuyên khảo đề cập ở các mức độ khác nhau trong nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật, tiêu biểu là “Nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam thế kỷ XV – XVIII”, Nxb. Khoa học xã hội ấn hành năm 1994. Đây là công trình nghiên cứu sâu về một giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của pháp luật Việt Nam thời phong kiến mà đỉnh điểm là sự ra đời và tồn tại của Bộ luật Hồng Đức. ThS. Cao Việt Thăng cũng chỉ ra những vấn đề còn bất cập, những vấn đề mới cần được nghiên cứu trong thời gian tới. Trong đó, hoạt động nghiên cứu lý luận pháp luật cần chú trọng đến những khía cạnh như: Vai trò, giá trị, các chức năng của pháp luật; Các xu hướng phát triển của pháp luật; Các nguồn của pháp luật và giá trị của các loại nguồn luật…

 

ThS. Cao Việt Thăng trình bày tham luận

 

Tiếp theo, TS. Hoàng Kim Khuyên báo cáo về hoạt động nghiên cứu pháp luật lao động và an sinh xã hội. Đây là lĩnh vực được nghiên cứu chuyên sâu trong khoảng gần 20 năm qua tại Viện. Các nhà khoa học Viện có 04 bài báo được đăng trong danh mục Scopus và tạp chí quốc tế chuyên ngành luật và 05 sách chuyên khảo được xuất bản (tác giả hoặc chủ biên). Bài viết đưa ra những đánh giá chung về các vấn đề chính trong nghiên cứu pháp luật lao động và an sinh xã hội  ở Việt Nam, đó là: Hoàn thiện pháp luật về thương lượng tập thể trong bối cảnh yêu cầu hội nhập; Bảo đảm quyền cho người lao động di cư nội địa; Pháp luật về bảo trợ xã hội; Pháp luật an sinh xã hội cho lao động khu vực kinh tế phi chính thức. Trong đó, bảo trợ xã hội là một chủ đề rất mới ở Việt Nam, nhất là khi đặt trong mối quan hệ với an sinh xã hội. Do đó, việc làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về bảo trợ xã hội, pháp luật về bảo trợ xã hội ở Việt Nam là rất cần thiết về mặt khoa học và xây dựng chính sách.

 

Từ những nhận định trên, TS. Hoàng Kim Khuyên đã nêu những vấn đề mới đặt ra cho hoạt động nghiên cứu pháp luật lao động và an sinh xã hội trong thời gian tới. Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu để đề xuất xây dựng Chiến lược về an sinh xã hội nói riêng và Chiến lược tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu về các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể trong Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc được thông qua trong Chương trình nghị sự 2030 và những điều chỉnh của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội. Thứ ba, nghiên cứu chính sách, pháp luật về thúc đẩy và hoàn thiện quan hệ lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia vào hầu hết các hiệp định đa phương thế hệ mới.

 

TS. Dương Quỳnh Hoa (bìa phải) và TS. Hoàng Kim Khuyên (bìa trái)

 

Tham luận về hoạt động nghiên cứu pháp luật dân sự do TS. Dương Quỳnh Hoa trình bày. Năm 1992, phòng Tư pháp dân sự được thành lập, có nhiệm vụ triển khai định hướng nghiên cứu cơ bản về tư pháp dân sự bao gồm luật dân sự, luật tố tụng dân sự, luật hôn nhân và gia đình và các thiết chế tư pháp dân sự. Về quá trình phát triển của phòng, TS. Quỳnh Hoa nhấn mạnh đến việc tổ chức thành công Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của tư pháp dân sự trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam” diễn ra năm 2000. Hội thảo đã ghi dấu ấn cho bước phát triển mới của lý luận khoa học về tư pháp dân sự khi bàn về những khái niệm cơ bản của tư pháp dân sự, những yêu cầu của cải cách hệ thống tư pháp dân sự trong thời kỳ đổi mới. Năm 2013, phòng đã triển khai thực hiện Đề tài cấp Bộ về tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học góp phần xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Về các vấn đề đặt ra trong thời gian tới, bài viết nhận định, trong pháp luật dân sự thì tài sản và quyền sở hữu là hai vấn đề quan trọng nhất cần tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn nữa; với pháp luật tố tụng dân sự, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu, đánh giá ưu điểm, nhược điểm của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam trong mối quan hệ với truyền thống, văn hóa, tâm lý, đặc điểm dân tộc và những thành tựu của pháp luật tố tụng dân sự trên thế giới.

 

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương đưa ra những bình luận và gợi ý những vấn đề cần nghiên cứu liên quan đến: sự giới hạn của quyền, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi, độc lập tư pháp…

 

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương (thứ hai từ trái sang) phát biểu

 

Tọa đàm tiếp tục diễn ra với tham luận về luật quốc tế và quyền con người của TS. Nguyễn Thu Hương. Tác giả cho biết, năm 1984, Viện đã biên soạn cuốn “Liên hợp quốc: Những vấn đề pháp lý cơ bản” do Nxb. Khoa học xã hội ấn hành. Đây là công trình giới thiệu đầy đủ nhất về Liên hợp quốc trong các tư liệu pháp lý quốc tế của Việt Nam xuất bản thời kỳ này. Thời điểm Trung Quốc tiến hành neo đậu giàn khoan HD 981 tại thềm lục địa, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền chủ quyền của Việt Nam năm 2014, các bài báo “Phương thức pháp lý áp dụng đối với yêu sách/hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông” công bố song ngữ, “Tòa Trọng tài và phán quyết về giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển” của PGS.TS. Lê Mai Thanh cũng như chùm bài viết theo chủ đề Luật Biển quốc tế, an ninh và tự do hàng hải của PGS.TS. Lê Mai Thanh và TS. Nguyễn Tiến Đức đã đáp ứng yêu cầu nghiên cứu tình huống cấp bách. Các nhà khoa học trong Viện cũng đã tham gia rất tích cực vào Dự án Giáo dục quyền con người được thực hiện ở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam từ năm 2008 đến năm 2015 và cũng đã xuất bản nhiều ấn phẩm nghiên cứu liên quan đến quyền con người.

 

Phương hướng nghiên cứu trong lĩnh vực luật quốc tế và quyền con người trong giai đoạn tiếp theo vẫn là nghiên cứu lý luận về công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và quyền con người. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay thì phòng Luật Quốc tế và Quyền con người cũng đề ra định hướng là sẽ nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn pháp luật về luật quốc tế và quyền con người.

 

Nhìn nhận về hoạt động khoa học trong lĩnh vực này, TS. Nguyễn Tiến Đức cho rằng, các nhà nghiên cứu của Viện đã có những đóng góp nhất định không chỉ ở trong Viện mà còn cho Viện Hàn lâm, góp phần xây dựng quan điểm, ý kiến của Viện Hàn lâm trong công tác đối ngoại chung của Nhà nước, thể hiện được trí tuệ của người làm khoa học phục vụ cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Để giúp những người tham gia tọa đàm có cái nhìn tổng thể về quá trình hình thành của Viện, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị chia sẻ những thông tin về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức trong giai đoạn đầu của Viện. Khi đó, hoạt động nghiên cứu của Viện bao gồm 04 lĩnh vực chính: (i) Lý luận, lịch sử nhà nước và pháp luật; (ii) Luật nhà nước, luật hành chính; (iii) Luật hình sự; (iv) Luật kinh tế, luật quốc tế. Ông cũng cho biết ngắn gọn về lĩnh vực và quá trình hoạt động nghiên cứu của các học giả tiêu biểu trước đây của Viện như TS. Phạm Văn Bạch, GS. Nguyễn Ngọc Minh, GS.TSKH. Đào Trí Úc, PGS.TS. Nguyễn Niên và nhiều nhà khoa học khác nữa.

 

Ngoài các tham luận trên, Tọa đàm còn lắng nghe các báo cáo về quá trình hoạt động tư vấn pháp luật  của ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương và hoạt động tạp chí (TS. Trần Văn Biên) cùng với những định hướng phát triển cụ thể của hai lĩnh vực này.

 

Thảo luận tại tọa đàm, theo TS. Bùi Đức Hiển, định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật môi trường cần gắn với xu thế phát triển của đất nước, cụ thể là: Chiến lược phát triển quốc gia 2030 – 2045; Quyền con người, đặc biệt là quyền được sống trong môi trường trong lành; Phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…

 

Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị tổng kết, tóm tắt những thành tựu chính trong các lĩnh vực nghiên cứu. Những kết quả nghiên cứu này đã tạo lập những căn cứ lý luận và thực tiễn để hoạch định chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta mà tiêu biểu nhất là tư tưởng Nhà nước pháp quyền và trên cơ sở nghiên cứu về quyền con người thì Viện đã xây dựng Chương 2 Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân”. Ngoài ra, Viện đã giúp định hình và thúc đẩy khoa học pháp lý phát triển từ những  vấn đề mới ở thời điểm đó được Viện nghiên cứu như xã hội học pháp luật, luật so sánh, luật cạnh tranh, hệ thống chính trị, luật môi trường…

 

Chủ tọa tọa đàm cũng đã tóm tắt những vấn đề đặt ra mà các tham luận đã nêu cũng như chỉ ra những vấn đề pháp lý trong thời đại số cần sớm nghiên cứu trong giai đoạn tới như lý thuyết mới về nhà nước và pháp luật, chính sách pháp luật...

Các tin cùng chuyên mục: