•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm “Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013”

26/05/2025
Thực hiện Kế hoạch số 908/KH-KHXH ngày 15/05/2025 về việc tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, ngày 20/05/2025, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức Tọa đàm “Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013”

TS. Phạm Thị Thúy Nga chủ trì tọa đàm

 

Chủ trì tọa đàm là TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật. TS. Trần Văn Biên (Viện NC lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội), thành viên Hội đồng Khoa học của Viện, đến dự và phát biểu góp ý vào dự thảo Nghị quyết. Đông đảo nhà khoa học của Viện đã có mặt tại tọa đàm.

 

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trong bối cảnh yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, hoàn thiện hệ thống chính trị và bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức hành chính quốc gia. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn tổ chức bộ máy, đặc biệt là vấn đề tổ chức chính quyền địa phương khi bỏ cấp hành chính huyện.

 

Tọa đàm diễn ra với phần trình bày bản góp ý của đại diện các phòng nghiên cứu trong Viện. Nhìn chung, các bản góp ý cho rằng, các sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết có định hướng phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, song cần tiếp tục làm rõ thêm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành.

 

Tại Điều 9 khoản 1, Viện kiến nghị gộp hai hoạt độngthể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân “ và “phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước “ đang để riêng rẽ thành hoạt động liền nhau “thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước

 

Còn tại Điều 9 khoản 2, các nhà khoa học của Viện nhìn nhận, cần giữ nguyên tinh thần của Hiến pháp 2013 khi khẳng định các tổ chức Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức thành viên chứ không phải là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối với khoản 3, ở câu cuối, bỏ cụm từ “các tổ chức xã hội khác”.

 

TS. Trần Văn Biên phát biểu

 

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện của giai cấp công nhân và người lao động, vì vậy, Công đoàn Việt Nam có nhiều đặc điểm khác biệt với các tổ chức chính trị - xã hội khác. Bên cạnh đó, khác với các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn được hình thành từ quá trình đấu tranh giai cấp, có chức năng then chốt trong bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, là chủ thể trong quan hệ ba bên giữa Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động. Việc quy định Công đoàn Việt Nam “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như trong dự thảo Nghị quyết, nếu không được cân nhắc kỹ lưỡng, sẽ vô tình làm mờ đi vai trò thiết chế độc lập của tổ chức Công đoàn – điều vốn là nền tảng để tạo nên sự cân bằng giữa các bên trong quan hệ lao động.

 

Bởi vậy, tại Điều 10, cần thay câu “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” bằng câu “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, giữ nguyên quy định như Hiến pháp năm 2013. 

 

Tại Điều 84 khoản 1, việc dự thảo Nghị quyết thu hẹp chủ thể có quyền trình dự án luật trước Quốc hội và dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội của các tổ chức là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là điều hợp lý. Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng góp ý kiến tham gia vào nội dung trình dự án luật, dự án pháp lệnh hoàn toàn có thể thông qua tổ chức đại diện của mình là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ thể là thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời, đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động của các tổ chức trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có chức năng trình sáng kiến lập pháp.

 

Với Điều 110, các nhà khoa học kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc chuyển tên gọi “Đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trung ương” thành “Đơn vị hành chính cơ sở”. Việc sử dụng “Đơn vị hành chính cơ sở” thay cho thuật ngữ “Đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” giúp tránh tạo ra định kiến về mối quan hệ phụ thuộc giữa hai loại đơn vị hành chính, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền cơ sở như hiện nay. Do đó, sử dụng cụm từ “cơ sở” nhằm khẳng định vai trò và sự tự chủ tương đối của đơn vị hành chính địa phương gần dân nhất, từ đó, xác định các tiêu chí cần thiết để xác lập đơn vị hành chính cơ sở này.

 

Thay mặt phòng Pháp luật Tư pháp, TS. Nguyễn Thị Hường trình bày bản góp ý dự thảo Nghị quyết của phòng

 

Tại Điều 111 khoản 2, việc sử dụng thuật ngữ pháp lý Chính quyền địa phương” thay thế “cấp chính quyền địa phương” là phù hợp vì nó phản ánh đầy đủ vai trò của chính quyền địa phương như là một thiết chế quyền lực nhà nước ở địa phương mà không đơn thuần là một cấp hành chính. Cụm từ “cấp chính quyền địa phương” có thể dễ gây hiểu nhẩm rằng đó chỉ là một cấp dưới trong hệ thống hành chính. Việc sử dụng thuật ngữ “Chính quyền địa phương” thể hiện đúng định hướng phân quyền giữa trung ương và địa phương, phù hợp với yêu cầu về quản trị nhà nước hiện đại.

 

Tuy nhiên, nếu quy định về tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt mặc dù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thì các quy định này có thể được ban hành bằng văn bản dưới luật (Nghị quyết của Quốc hội). Về nguyên tắc, Quốc hội có thể ban hành các chính sách có tính chất thí điểm về chính quyền địa phương để phù hợp với đặc thù của từng nơi, tuy nhiên, việc Quốc hội thực hiện thẩm quyền đó như thế nào, dựa trên các nguyên tắc nào, thế nào là đặc thù thì cần thiết phải được “luật hóa” trong khuôn khổ của luật định, văn bản có tính chất pháp lý cao hơn so với Nghị quyết của Quốc hội. Do đó, Viện đề xuất, việc quyết định tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nên giữ như quy định hiện hành trong Hiến pháp năm 2013, tức là do luật định.

 

Điều 114 khoản 1 quy định: “1. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.” Mô hình về mối quan hệ giữa Ủy ban nhân dân (UBND) và Hội đồng nhân dân (HĐND) này gặp phải một số bất cập trên thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh có một số đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được tổ chức theo mô hình không có HĐND hoặc các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Để tạo sự chủ động và linh hoạt cho việc tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc thù của từng đơn vị hành chính, kiến nghị bỏ quy định “UBND do HĐND bầu ra”, giữ lại nội dung UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Việc UBND được hình thành như thế nào và mối quan hệ giữa các cơ quan sẽ do Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định.

 

TS. Hoàng Kim Khuyên thay mặt phòng Pháp luật Kinh tế phát biểu góp ý

 

Điều 115 khoản 2 của dự thảo bỏ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp địa phương so với Hiến pháp 2013 hiện tại. Các nhà khoa học của Viện cho rằng, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là hai thiết chế tư pháp quan trọng gắn chặt với quyền lợi của người dân. Việc loại bỏ này không chỉ làm suy giảm thẩm quyền giám sát của HĐND mà còn tạo ra một “khoảng trống kiểm soát” đối với hoạt động tư pháp ở địa phương – lĩnh vực vốn nhạy cảm và cần sự giám sát khách quan để bảo đảm công lý và pháp quyền. Vì thế, Viện kiến nghị cần giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân như quy định hiện hành, nhằm duy trì tính toàn diện trong cơ chế kiểm soát quyền lực và bảo đảm sự giám sát của cơ quan dân cử đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương, bao gồm cả hành pháp và tư pháp.

 

Kết thúc tọa đàm, Viện Nhà nước và Pháp luật sẽ tổng hợp và gửi bản góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đến Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Các tin cùng chuyên mục: