•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Trách nhiệm của doanh nghiệp và quyền của người tiêu dùng

29/10/2012
Ngày 11 tháng 10 năm 2012, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Trung tâm Nhân quyền Na Uy thuộc Trường Đại học Oslo đồng tổ chức hội thảo với chủ đề trên.
Tham dự Hội thảo có GS.TS.Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Đỗ Hoài Nam, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội; các đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Công đoàn, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng…



Đây là hội thảo tiếp nối ba cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế được tổ chức trong năm 2012, với mục đích nhằm tìm hiểu những vấn đề lý luận và thực tiễn về các quyền của người tiêu dùng, về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung trong nền kinh tế thị trường; cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trách nhiệm của doanh nghiệp.

GS.TS.Võ Khánh Vinh phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo. Hội thảo được chia làm hai phiên, Phiên một với chủ đề: Những vấn đề lý luận về trách nhiệm của doanh nghiệp và quyền của người tiêu dùng. Phiên hai: Những vấn đề thực tiễn về trách nhiệm và quyền của người tiêu dùng. Các đại biểu được nghe 6 báo cáo tham luận với các chủ đề trên.

Trong tham luận “Trách nhiệm của doanh nghiệp và quyền của người tiêu dùng”, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, cho rằng: Quan hệ tiêu dùng là quan hệ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng mua bán, không vì mục đích kinh doanh vi vậy quan hệ tiêu dùng không phải là quan hệ thương mại, được điều chỉnh bằng Luật thương mại mà chỉ có thể là quan hệ dân sự được điều chỉnh chung bởi Bộ luật dân sự. Do tính chất xã hội của quan hệ tiêu dùng mà người tiêu dùng khó có thể có cơ hội trở thành tự do, bình đẳng vì họ buộc luôn phải tham gia vào mối quan hệ với đặc tính truyền kiếp là “thông tin bất cân xứng”, bên cạnh đó, họ còn có thể bị rơi vào tình trạng mất khả năng mặc cả khi họ buộc phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp độc quyền. Phó giáo sư cũng cho rằng “so với nhà cung cấp thì người tiêu dùng là “kẻ yếu thế” trong quan hệ pháp luật vốn là bình đẳng và có tự do đàm phán.Vì vậy, sự can thiệp của công quyền; sự cam chịu và tự nguyện thực thi những trách nhiệm xã hội của nhà cung  cấp cũng là cần thiết. Điều này không chỉ xuất hiện vì lý do bảo vệ người tiêu dùng mà chính là vì sự “tồn vong” của chính nhà cung cấp. Bởi lẽ, trong một trật tự thương mại công bằng, người mua (người tiêu dùng) và người bán luôn là tiền đề để tồn tại và phát triển của nhau”.

TS. Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Pháp luật cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Đại học Luật Hà Nội, với tham luận “Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Những nội dung cơ bản”, nêu rõ: Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng sẽ tạo cho người tiêu dùng khả năng và cơ hội thuận lợi hơn trong cơ chế điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ mà chủ thể pháp luật dân sự thông thường không có được. Vì vậy, có thể thấy, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng xuất hiện như một quyền lực công của nhà nước tác động vào mối quan hệ mang tính chất tư để khắc phục những yếu thế của người tiêu dùng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS.Võ Khánh Vinh cho biết, Hội thảo đã nhận được trên 30 phát biểu bình luận, trao đổi của các đại biểu tham dự, các ý kiên tập trung vào các vấn đề:

Bàn về lý luận trách nhiệm của doanh nghiệp và quyền của người tiêu dùng, về mối quan hệ của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chia sẻ sự tiếp cận mới đa ngành và liên ngành trong nghiên cứu về quyền con người nói chung và quyền của người tiêu dùng nói riêng – đây là một cách tiếp cận rất quan trọng trong nghiên cứu quyền con người: tiếp cận ở các mặt pháp luật, kinh tế (chuỗi giá trị), văn hóa (uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp)…

Hội thảo đã cung cấp và làm phong phú thêm hiểu biết cho các đại biểu về những nội dung cơ bản của pháp luật quốc tế và Việt Nam, có nhận thức rộng trên các phương diện, trong đó có pháp luật bảo vệ quyền của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bàn đến cách thức tổ chức và đưa luật bảo vệ quyền của người tiêu dùng vào cuộc sống, trước hết phải xây dựng cơ chế để bảo vệ quyền của người tiêu dùng, đó là các trình tự, thủ tục, năng lực của cán bộ, vai trò của Nhà nước và của doanh nghiệp cùng các tổ chức dân sự khác (các hội và hiệp hội)… Triển khai phổ biến, đào tạo kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền của người tiêu dùng ở các cấp độ khác nhau: truyền thông, đào tạo đại học, sau đại học…

(Theo http://www.vass.gov.vn)

Các tin cùng chuyên mục: