•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cộng đồng ASEAN và sự chuẩn bị của thanh niên”

25/05/2016
Nhân dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2016), sáng ngày 24/5/2016, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm tổ chức Hội thảo khoa học “Cộng đồng ASEAN và sự chuẩn bị của thanh niên” nhằm tạo sự hiểu biết trong đoàn viên, thanh niên về Cộng đồng ASEAN và tăng cường tính kết nối trong công tác Đoàn, công tác chuyên môn giữa các đoàn viên trong Viện Hàn lâm với các cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Khối các cơ quan Trung ương (Đoàn Khối)

PGS.TS. Vũ Hùng Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo, Về phía Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, có: PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính; ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn Viện; đại diện Thường vụ Công đoàn Viện Hàn lâm; các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành và Ủy viên Ban Kiểm tra Đoàn Viện và Ban chấp hành Đoàn đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm. Về phía Đoàn Khối, có đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Bí thư Đoàn Khối cùng sự góp mặt của các đồng chí đại diện Ban chấp hành Đoàn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thư viện Quốc gia,…

 

Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN (AC) với ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN chính thức được thành lập, đánh dấu bước trưởng thành mới của tổ chức hợp tác trong nửa thập kỷ phát triển. Trong khi Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN hướng tới một nền hòa bình và an ninh cho khu vực dựa trên những cam kết an ninh và các nỗ lực xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột, tái thiết sau xung đột của các nước thành viên thì Cộng đồng Văn hóa – Xã hội lại hướng nhiều vào mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng phát triển vì con người, xây dựng một cộng đồng có tính cố kết cao. Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được quan tâm nhiều nhất với những cam kết về các lĩnh vực kinh tế, có tác động sâu sắc đến người dân của tất cả các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.

 

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có 04 đặc trưng chính: (1) Một thị trường và một cơ sở sản xuất đơn nhất; (2) Một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh cao; (3) Một khu vực phát triển kinh tế đồng đều; (4) Một khu vực hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, các nội dung chủ yếu mang đặc trưng thị trường và một cơ sở sản xuất đơn nhất, nổi bật là việc tự do lưu thông ở một số lĩnh vực cụ thể: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và di chuyển lao động có kỹ năng.

 

TS. Võ Xuân Vinh.

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Võ Xuân Vinh khẳng định, chủ đề Hội thảo có ý nghĩa lớn trong việc xem xét sự chuẩn bị của đoàn viên thanh niên đối với Cộng đồng ASEAN và đưa ra những khuyến nghị để đoàn viên thanh niên Viện Hàn lâm nói riêng và Đoàn Khối nói chung chuẩn bị tốt hơn nữa cho việc hội nhập AC.

 

Đồng thời nhấn mạnh đến những thách thức của nội dung AEC đối với các thành viên mới của ASEAN, trong đó có Việt Nam trên các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và lao động có tay nghề, tập trung vào 2 thách thức lớn tương ứng với 2 nhiệm vụ đối với lực lượng thanh niên của Viện Hàn lâm:

 

Thứ nhất, việc tự do di chuyển lao động có kỹ năng làm cho lực lượng lao động của Việt Nam mất các việc làm tay nghề cao vào tay lực lượng lao động của các nước thành viên ASEAN có trình độ phát triển hơn, đặc biệt là trong bối cảnh một bộ phận lớn lao động của nước ta nói chung, của Viện Hàn lâm nói riêng gặp vấn đề về trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, chưa sẵn sàng cho sự tự do của thị trường lao động khu vực.

 

Thứ hai, nhận thức và sự hiểu biết của người dân Việt Nam về AC chưa đầy đủ. Với tư cách là những nhà nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, các nhà khoa học trẻ phải: (1) là những người có sự am hiểu cần thiết về cộng đồng này; (2) có tri thức cần thiết về Cộng đồng để truyền tải cho các bộ phận xã hội khác ít có cơ hội tìm hiểu về lợi ích cũng như thách thức mà AC mang lại.

 

Thay mặt Đảng ủy Viện Hàn lâm và Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Vũ Hùng Cường biểu dương những nỗ lực của Ban chấp hành Đoàn Viện trong việc tổ chức các hoạt động Đoàn gắn với đặc thù của cơ quan nghiên cứu khoa học, cũng như thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị Đoàn ngoài Viện Hàn lâm; đồng thời đưa ra gợi ý về cách thức tiếp cận liên ngành và đa ngành nghiên cứu về AC dưới góc nhìn của thanh niên; luận giải những thách thức và đặt ra những nhiệm vụ của thanh niên hiện nay trong việc hình thành và hiện thực hóa AC.

 

PGS.TS. Vũ Hùng Cường mong muốn, thông qua Hội thảo, các đoàn viên, thanh niên sẽ có cơ hội thực hành viết bài nghiên cứu, rèn luyện bản lĩnh khoa học, kĩ năng thảo luận, phản biện; đặc biệt là nâng cao khả năng thuyết phục các diễn giả hướng tới kết quả chung; hoàn thiện các bài tham luận và được công bố trên các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm.

 

Hội thảo nhận được 05 tham luận, chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào 02 nội dung chính:

 

Phiên 1: Những vấn đề chung. Các diễn giả (Nguyễn Hà Phương- Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; Lê Thị Thu Trang - Bộ Văn hóa, Thể Thao & Du lịch; Nghiêm Tuấn Hùng, Viện Kinh tế & Chính trị Thế giới) trình bày về thực trạng di chuyển lao động có kỹ năng tại Thái Lan và Philippines trong khuôn khổ AEC: cơ hội và thách thức; Sự chuẩn bị của thanh niên Việt Nam (trang bị kỹ năng, chuyên môn lao động và ngoại ngữ) đối với việc gia nhập Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN nói riêng và AC nói chung; Cộng đồng an ninh ASEAN: Từ lý thuyết đến thực tiễn.

 

Đ/c Hà Thị Hồng Hạnh trình bày báo cáo.

 

Phiên 2: Cộng đồng ASEAN và thanh niên. Diễn giả Hà Thị Hồng Hạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Phạm Xuân Hoàng, Viện Thông tin Khoa học xã hội trình bày về sự chuẩn bị của thanh niên đối với việc gia nhập AC; Tranh chấp biển Đông và trách nhiệm của trí thức trẻ Viện Hàn lâm trong việc thúc đẩy mối quan tâm của thanh niên AC đối với vấn đề này. Qua đó đưa ra các khuyến nghị để mỗi thanh niên ý thức sâu sắc vai trò của mình trong tiến trình xây dựng AC: cần tích cực tự học tập và rèn luyện, tự nghiên cứu nâng cao trình độ về mọi mặt; phải trau dồi bản lĩnh chính trị, giữ vững lý tưởng xã hội chủ nghĩa; hiểu biết văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế, ngôn ngữ… của các nước trong khu vực, hướng tới chủ động nâng cao năng lực hội nhập, vì một AC hòa bình và ổn định khu vực.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao chất lượng và tính khoa học của các bài tham luận, đóng góp những ý kiến trao đổi sâu sắc, chia sẻ hữu ích những quan điểm trên nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến AC với thanh niên. Qua đó gợi mở những ý tưởng nghiên cứu mới cho các đoàn viên, thanh niên về chủ đề AC trong thời gian tới.

 

Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là hoạt động thiết thực của Đoàn Viện góp phần trang bị những kiến thức, hiểu biết về AC, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên góp sức vào sự thành công của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế năm 2016, chung tay xây dựng AC “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” trong những năm tiếp theo.

 

(Theo http://vass.gov.vn)