•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Viện Nhà nước và Pháp luật tiếp Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam

18/07/2017
Ngày 12/7/2017, tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tiếp ông Jang Won, Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc đến thăm và làm việc với Viện.

Viện trưởng Nguyễn Đức Minh và Tham tán Jang Won tại buổi tiếp

 

Tham dự buổi tiếp cùng Viện trưởng Nguyễn Đức Minh có PGS.TS. Nguyễn Như Phát; PGS.TS. Phạm Hữu Nghị; PGS.TS. Vũ Thư; TS. Lê Mai Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; ThS. Lê Phương Hoa và ThS. Lê Thương Huyền.

 

Mở đầu buổi tiếp, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh giới thiệu ngắn gọn về chức năng, nhiệm vụ và quá trình phát triển của Viện Nhà nước và Pháp luật. Về hoạt động hợp tác quốc tế, trong thời gian qua, Viện Nhà nước và Pháp luật đã hợp tác tích cực, có hiệu quả bằng nhiều hình thức với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong đó có Viện Nghiên cứu Lập pháp Hàn Quốc, Bộ Thống nhất Hàn Quốc và một số trường đại học đào tạo ngành luật ở Hàn Quốc.

 

Nói về mục đích đến thăm Viện, ông Jang Won cho biết Đại sứ quán Hàn Quốc mong muốn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học đánh giá về kết quả của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 22/5/2017 đến ngày 21/6/2017.

 

Các ý kiến của các nhà khoa học tại buổi tiếp đánh giá Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã diễn ra thành công. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

 

Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Theo PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Quốc hội đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc triển khai Cương lĩnh của Đại hội Đảng lần thứ XII. Các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này đã bám sát chủ trương, Nghị quyết của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo cơ sở pháp lý và động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và tăng cường công tác nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phục vụ tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.

 

TS. Lê Mai Thanh và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị

 

Về chất vấn và trả lời chất vấn, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn khi chỉ ra những khó khăn, bức xúc của đời sống. Đặc biệt, sau khi nghe câu trả lời, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi, tranh luận với các thành viên Chính phủ và các vị đại biểu khác để làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém, xác định trách nhiệm từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục.

 

Nhận xét về Kỳ họp này, TS. Lê Mai Thanh chỉ ra 2 điểm tích cực. Một là, sức mạnh của truyền thông. Không chỉ các phương tiện truyền thông đại chúng mà mạng xã hội cũng đưa tin liên tục về các hoạt động tại kỳ họp. Điều này cho thấy người dân ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động của Quốc hội. Hai là, Quốc hội đã gần dân hơn. Các đại biểu Quốc hội đã chủ động hơn trong việc nói lên những ý kiến, nguyện vọng của người dân.   

  

Ông Jang Won cám ơn những chia sẻ, trao đổi của các chuyên gia và cho biết đây là những thông tin rất hữu ích. Ông đánh giá cao hoạt động tư vấn, tham mưu chính sách của Viện, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, lao động. Ông đề xuất trong thời gian tới hai bên cùng xây dựng cơ chế hợp tác định kỳ. PGS.TS. Nguyễn Đức Minh ghi nhận và khẳng định Viện Nhà nước và Pháp luật sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và gợi ý các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm như: hôn nhân giữa công dân Việt Nam với công dân Hàn Quốc; hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam; quan hệ lao đông giữa người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động của Hàn Quốc trong các doanh nghiệp của Hàn Quốc ở Việt Nam và ở Hàn Quốc.