•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Cần luật hóa quy trình, thủ tục QH xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước

03/08/2011
Cùng với yêu cầu đổi mới về tổ chức bộ máy, hoạt động của QH cũng cần tiếp tục được cải tiến nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của QH trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Điều này phù hợp với định hướng đã được khẳng định trong nghị quyết của Đảng, đó là “kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, trọng tâm là tăng cường công tác lập pháp, xây dựng chương trình dài hạn về lập pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới quy trình ban hành và hướng dẫn thi hành luật. QH làm tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, quyết định và phân bổ ngân sách nhà nước, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”.

Giám sát theo yêu cầu và phục vụ hoạt động lập pháp của QH

Quyền lập pháp cần được hiểu theo nghĩa rộng, theo đó bên cạnh việc làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật, quyền lập pháp còn bao gồm cả việc quyết định phân bổ ngân sách, quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chính sách thuế, quyết định chủ trương đầu tư công trình, dự án quan trọng quốc gia... Tuy nhiên, trong Luật Tổ chức QH những vấn đề này chưa được quy định rõ. Cụ thể, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Tổ chức QH hiện hành thì QH không thể thực sự thực hiện được thẩm quyền quyết định phân bổ ngân sách. Vì vậy, khi sửa đổi Luật Tổ chức QH các vấn đề này cần được quy định rõ ràng và cụ thể hơn.

Quyền giám sát là quyền phái sinh từ quyền lập pháp của QH. Do đó, khi sửa đổi các quy định về quyền lập pháp của QH cần làm rõ thẩm quyền giám sát của QH đối với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời xem xét việc có nên đặt ra thẩm quyền của QH trong việc thực hiện quyền giám sát đối với chính quyền địa phương hay không.

Sự ra đời của Luật Hoạt động giám sát của QH đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của QH, góp phần tạo nên những thành tựu đáng kể trong hoạt động giám sát của QH nhiệm kỳ vừa qua. Để tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát nhằm thực hiện tốt chủ trương “nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của QH... Xác định rõ phạm vi, nội dung, cơ chế giám sát của QH, các Ủy ban của QH”. Việc tăng cường hoạt động giám sát của QH phải bảo đảm QH có đủ năng lực để kiểm soát và đánh giá hoạt động của Chủ tịch Nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhưng không can thiệp vào hoạt động của các cơ quan này; khắc phục tình trạng giám sát thiên về chiều rộng mà chưa có bề sâu. Hoạt động giám sát của QH nên theo hướng tập trung vào việc giám sát ngân sách và nhân sự, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, giám sát để làm rõ trách nhiệm của những người do QH bầu hoặc phê chuẩn. Không nên giám sát từng vụ việc cụ thể mà từ các vụ việc được giám sát phải nâng lên thành vấn đề chính sách để QH xem xét, có giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Như vậy, để tăng cường chất lượng công tác giám sát, phải gắn hoạt động giám sát với việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hoạt động giám sát phải theo yêu cầu và phục vụ hoạt động lập pháp của QH.

Cần luật hóa quy trình, thủ tục QH xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước

Cùng với việc đẩy mạnh công tác lập pháp và hoạt động giám sát, QH ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Do đó, hoạt động này đã có bước tiến bộ nhất định, góp phần tạo cơ sở cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc QH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước còn có một số hạn chế. Có ý kiến cho rằng “QH quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước vẫn còn mang tính hình thức, QH chưa nắm được thực quyền”. Những hạn chế trong việc thực hiện thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước không những tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của QH mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện quyền lực của nhân dân trong quản lý, điều hành đất nước. Vì vậy, để QH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thực sự có hiệu quả, trong thời gian tới, cần tập trung tăng cường công tác thông tin phục vụ cho việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Hiện nay, theo các quy định của pháp luật hiện hành, phạm vi những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định của QH rất rộng. Hơn nữa, đây đều là những vấn đề có tính chất phức tạp, có tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và có nhiều tầng lớp nhân dân. Việc đưa ra quyết sách về những vấn đề này đòi hỏi không chỉ sự sáng suốt của các ĐBQH mà còn phải hết sức nghiêm túc và cẩn trọng. Muốn thế, các ĐBQH phải có thời gian cần thiết, có đầy đủ thông tin, tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề được xem xét để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Thực tế hoạt động của QH vừa qua cho thấy, nhìn chung, các ĐBQH vẫn chưa được cung cấp thông tin một cách toàn diện, đầy đủ để có điều kiện xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Việc thiếu thông tin dẫn đến tình trạng các đại biểu có lúc biểu quyết một cách cảm tính và hình thức, chưa đánh giá hết vấn đề từ góc độ chính sách.

Bên cạnh đó, cần luật hóa quy trình, thủ tục QH xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Hiện nay, quy trình, thủ tục QH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước vẫn nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Luật Ngân sách nhà nước có một số quy định về quy trình, thủ tục quyết định các vấn đề về ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của QH. Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử đại biểu HĐND có một số quy định về quy trình, thủ tục quyết định một số vấn đề về bầu cử ĐBQH, bầu cử đại biểu HĐND thuộc thẩm quyền của QH, UBTVQH. Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế quy định về quy trình phê chuẩn, gia nhập, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện hoặc giải thích điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của QH... Tuy nhiên, quy định trong các luật này hầu hết còn chung chung, chủ yếu nhằm khẳng định thẩm quyền của QH đối với từng lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của luật đó. Vì vậy, khi xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, QH, các cơ quan của QH chủ yếu căn cứ vào quy trình, thủ tục được quy định trong các văn bản dưới luật như: Nội quy kỳ họp QH, Quy chế hoạt động của UBTVQH, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH... Việc luật hóa quy trình, thủ tục QH xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước không chỉ bảo đảm pháp chế trong việc thực hiện các thẩm quyền của QH mà còn tạo cơ sở bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động này trên thực tế, góp phần hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về hoạt động của QH nước ta.

Nên ban hành đạo luật ngân sách hàng năm

Mặt khác, cần xác định rõ mối quan hệ giữa hoạt động xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động lập pháp của QH, đồng thời, bảo đảm hiệu lực của các quyết định của QH trong lĩnh vực này

Hiện nay, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, QH quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước bằng việc ban hành nghị quyết. Nghị quyết của QH về những vấn đề quan trọng quốc gia là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên từng lĩnh vực, trong từng năm và từng giai đoạn; đồng thời, là cơ sở để QH xem xét, đánh giá kết quả hoạt động của các cơ quan này và toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm tra và xem xét, thông qua nghị quyết của QH được quy định chung trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Với xu thế chuyển mạnh từ một QH tham luận, phát biểu nêu vấn đề sang một QH tranh luận và quyết định chủ yếu theo hình thức luật, cần xác định rõ mối quan hệ giữa chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết của QH có chứa quy phạm cũng được coi là văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng rõ ràng, nghị quyết của QH vẫn không phải là một đạo luật nên hiệu lực thi hành chưa cao. Vì vậy, để nhằm tăng cường chức năng lập pháp của QH với quan điểm “quyền làm luật của QH phải được tăng cường qua việc giảm dần pháp lệnh và luật hóa những quyết định của QH”, đồng thời, bảo đảm hiệu lực của các quyết định của QH về các vấn đề quan trọng quốc gia, cần phải luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của QH.

Đặc biệt, trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước, thẩm quyền quyết định về ngân sách của QH cần phải được khẳng định bằng luật về ngân sách nhà nước hàng năm. Điều này phù hợp với thông lệ mà các nước trên thế giới đã thực hiện, đồng thời, sẽ giúp cho việc tăng cường hiệu lực thi hành của văn bản được coi là quan trọng nhất trong lĩnh vực ngân sách này. Việc ban hành Luật Ngân sách nhà nước hàng năm sẽ giúp bảo đảm hiệu lực thực tế các quyết định của QH về vấn đề tài chính, ngân sách. Trong đạo luật này, cần quy định rõ chỉ có QH mới có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến ngân sách như tăng thu, chi cho các chủ thể thuộc đối tượng phân bổ ngân sách của QH. Thẩm quyền quyết định ngân sách của QH, phê chuẩn hay không phê chuẩn dự toán ngân sách do Chính phủ trình phải có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động tài chính công trong năm tài chính. Các khoản chi ngân sách chỉ có thể được thực hiện khi dự toán ngân sách được QH phê chuẩn nhằm khắc phục tình trạng tiền trảm hậu tấu trong quản lý và chi tiêu ngân sách hiện nay.

Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của QH là một nội dung chủ yếu trong quá trình hoàn thiện bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị ở nước ta. Những năm qua, QH đã có nhiều cải tiến trong phương thức hoạt động nhằm đáp ứng những yêu cầu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Những đổi mới đó đã giúp cho QH ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở nước ta. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc đổi mới tổ chức, hoạt động của QH cần được tiến hành mạnh mẽ và triệt để hơn nữa.
(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)