•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi): Tránh tình trạng càng sửa đổi càng hạn chế tính công khai, minh bạch

27/05/2020
Chiều ngày 26/5/2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp

 

Quy định các hình thức đầu tư mới

 

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu đưa các hoạt động đầu tư mới vào phạm vi điều chỉnh như các hoạt động đầu tư về công nghệ như Grab, Uber theo hướng quy định các nguyên tắc để điều chỉnh các hoạt động này. Đối với các hoạt động đầu tư mới thì vẫn phải thực hiện thông báo nhưng không phải thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh và giao Chính phủ hướng dẫn hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản hướng dẫn.

 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đồng thời thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung tại Khoản 5, Điều 21 về hình thức đầu tư, trong đó, có quy định các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới.

 

Nhất trí với phạm vi điều chỉnh như trên, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự thảo Luật đã cơ bản hoàn thiện các quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch hiệu quả đầu tư, đặc biệt là hiệu quả đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

 

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến cũng chỉ rõ, dự thảo Luật có 78 điều nhưng có tới 24 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, tức là có đến hơn 30% tổng số điều luật chưa được cụ thể hóa. So với Luật Đầu tư hiện hành, số điều luật giao Chính phủ quy định chi tiết trong dự thảo Luật tăng hơn 10%. Nhấn mạnh tính chất đây là dự án Luật sửa đổi toàn diện, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, với các quy định mà Luật Đầu tư hiện hành giao Chính phủ quy định chi tiết đến nay đã được lượng hóa và việc thực hiện đã ổn định thì cần đưa vào dự thảo Luật, hạn chế các điều luật phải giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tránh tình trạng càng sửa đổi càng hạn chế tính công khai, minh bạch.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)

 

Đòi nợ theo kiểu xã hội đen phải xử lý nghiêm

 

Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm vì đây là vấn đề thị trường. Thay vì cấm, các ý kiến này đề nghị, cần quy định điều kiện kinh doanh, chế tài quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen... gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án: phương án 1 giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Phương án 2, tiếp thu ý kiến ĐBQH không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại Điểm h, Khoản 1, Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành.

 

Thảo luận về nội dung này, nhiều ĐBQH nhất trí với Phương án 1. Theo ĐBQH Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế), vì quan hệ giữa bên vay và cho vay trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là quan hệ dân sự, đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý để bảo đảm thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của hai bên. Với Nhà nước pháp quyền, các vấn đề xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Do đó, trong trường hợp tranh chấp về nợ không thể hoàn trả, thương lượng thì các bên có thể khởi kiện, nhờ người có hiểu biết chuyên môn pháp luật và thông qua cơ quan thi hành án thực thi việc trả nợ. Một lý do nữa được đại biểu đưa ra là, những đóng góp của ngành nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực mà nó gây ra đối với xã hội. Dù hiện nay đã có quy định về dịch vụ kinh doanh đòi nợ nhưng nhiều cá nhân lợi dụng thành lập các băng nhóm, gây biến tướng trong xã hội, thực hiện các hành vi tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản, gây mất trật tự an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu, thậm chí đe dọa đến tính mạng con người, phát sinh tiêu cực, bảo kê lợi ích nhóm.

 

Chưa đồng tình với phương án 1, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, vẫn nên cho phép loại hình kinh doanh này nhưng đổi tên là kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, phương án 1 nghe qua thì hợp lý nhưng chưa thỏa đáng, bởi không phải ngành nào nhà nước quản lý khó cũng chọn cách cấm. Nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân kinh doanh và thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật. Thực tế cấm nhưng xã hội vẫn có nhu cầu, hiện tại đã có những hình thức trá hình càng khó quản lý. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, cần quy định điều kiện chặt chẽ hơn, ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, các hình thức đòi nợ theo kiểu xã hội đen cần được xử lý nghiêm. Như vậy, sẽ hạn chế tối đa tình trạng phức tạp như vừa qua.

 

(Theo http://daibieunhandan.vn)