•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Thi hành Hiến pháp hiệu quả hơn nữa, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững

13/02/2023
Tại cuộc họp làm việc với các cơ quan ngày 10/02/2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Thông qua tổng kết cũng nhằm tôn vinh, giáo dục tinh thần, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người trong xã hội, đồng thời, đề xuất phương hướng, giải pháp để tiếp tục thi hành Hiến pháp tốt hơn, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.

 

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp

 

Theo dự thảo Kế hoạch tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (2013 – 2023), mục đích của việc tổng kết nhằm đánh giá tình hình 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với các hoạt động kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam (ngày 9/11) và tiến tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2026).

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc họp về dự kiến

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp

 

Việc tổng kết phải đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra sau 10 năm thực hiện Hiến pháp 2013. Trong đó, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 2/1/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đề xuất các định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp và pháp luật.

 

Nội dung tổng kết phải được tiến hành một cách thiết thực, hiệu quả, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bên cạnh đó, bảo đảm sự tham gia tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cấp chính quyền địa phương, huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc tham gia tổng kết.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó, phải xác định rõ tổng kết để nhìn lại 10 năm thi hành Hiến pháp, pháp luật chúng ta đã đạt được và chưa được gì, cần phải làm gì tiếp theo. Thông qua tổng kết cũng để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục tinh thần, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người trong xã hội; thấy được nguyên nhân và qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất phương hướng, giải pháp để tiếp tục thi hành Hiến pháp tốt hơn, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.

 

Xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung, thời hạn và phân công trách nhiệm

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, việc tổng kết cần nhấn mạnh những kết quả cơ bản đã đạt được trong quá trình thi hành Hiến pháp năm 2013. Về đánh giá từng nội dung cụ thể, cần bám sát những trọng tâm như: đánh giá kết quả cụ thể hóa tinh thần, quy định của Hiến pháp 2013 trong các văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá kết quả tổ chức thi hành Hiến pháp so với mục đích, yêu cầu của Hiến pháp và yêu cầu đổi mới trên các lĩnh vực của đất nước từ năm 2014 đến nay; xác định nguyên nhân của thành công và hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 hiệu quả hơn trong thời gian tới.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu

 

Đối với Đề cương báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, trong đánh giá chung của đề cương báo cáo cần làm nổi bật, khẳng định đậm nét các vấn đề như: thể chế hóa đầy đủ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng như các văn kiện của Đảng, Hiến pháp năm 2013 thành công không chỉ về nội dung mà còn cả về kỹ thuật lập pháp… Khi đi vào đánh giá cụ thể, nên có yêu cầu khái quát cho từng nội dung, sau đó mới đến những điểm chính cần tập trung làm rõ trong nội dung đó. TS. Nguyễn Văn Hiển cũng cho biết, Viện Nghiên cứu lập pháp là đơn vị được phân công tổ chức một hội thảo lớn về vấn đề này cũng đang chuẩn bị rất sát sao để sớm báo cáo Lãnh đạo Quốc hội.

 

Về thời gian thực hiện nêu trong dự thảo Kế hoạch là từ tháng 3/2023 đến tháng 10/2023. Nêu băn khoăn về vấn đề này, Phó Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy lưu ý, chúng ta đang thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp, tuy nhiên Hiến pháp có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014, đến 2019 là sơ kết 5 năm và từ 2019 đến nay là 3,5 năm. Theo các cơ quan, hiện tại việc tổng kết còn nhiều nội dung đang được tiến hành đồng thời và thời gian thực tế mới chỉ khoảng 8,5 - 9 năm. Như vậy cần cân nhắc lại thời điểm thực hiện tổng kết 10 năm, nếu chính xác sẽ là năm 2024 thay vì năm 2023. Việc lùi thời gian sang năm 2024 sẽ giúp các cơ quan có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, đúng với tinh thần tổng kết 10 năm.

 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Đề cương báo cáo phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung, thời hạn, phân công trách nhiệm của các cơ quan. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan ban hành kế hoạch cụ thể theo ngành mình, hướng vào các nội dung chính mà Hiến pháp quy định, bảo đảm kế hoạch chung. Các cơ quan cũng cần hoàn chỉnh báo cáo của mình để gửi Chính phủ tổng hợp; báo cáo chung này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó trình Quốc hội thảo luận. Ủy ban Pháp luật phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra. Về mặt nội dung báo cáo, phải dựa trên tinh thần kế thừa báo cáo 5 năm sơ kết triển khai thi hành Hiến pháp và nâng cấp, bổ sung những nội dung cần thiết theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

 

Về thời gian thực hiện, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, sẽ báo cáo với Lãnh đạo Quốc hội, nếu thời gian thực hiện như trong dự thảo Kế hoạch là tháng 3/2023 đến tháng 10/2023 thì rất gấp và thời gian thực tế chỉ 8,5 năm vì Hiến pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Nếu báo cáo trình Quốc hội vào năm 2024 thì sẽ có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn đồng thời gắn với Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. “Tuy nhiên, vẫn phải ban hành Kế hoạch và có quá trình chuẩn bị ngay từ bây giờ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

 

(Theo http://daibieunhandan.vn)