•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật năm 2021

25/01/2021
Ngày 19/01/2021, tại Hội trường tầng 1, trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức Hội nghị Cộng tác viên năm 2021.

Toàn cảnh Hội nghị. Ngồi giữa: PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (bên trái) và TS. Trần Văn Biên

 

Tham dự Hội nghị có các cộng tác viên, bạn đọc của Tạp chí đến từ các cơ quan, tổ chức và đông đảo cán bộ, nghiên cứu viên của Viện Nhà nước và Pháp luật. Chủ trì Hội nghị là TS. Trần Văn Biên, Tổng biên tập Tạp chí và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Mở đầu Hội nghị là lời phát biểu chào mừng của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh. Ông cho biết, Hội nghị này nhằm bày tỏ sự tri ân đến cán bộ của Tạp chí, các cộng tác viên và bạn đọc của Tạp chí cũng như tổng kết công tác xuất bản Tạp chí năm 2020 và thảo luận về định hướng các chủ đề cho bài viết năm 2021. PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cũng mong muốn các đại biểu gợi mở các giải pháp để nâng cao chất lượng bài viết và năng lực chuyên môn của cán bộ Tạp chí.

 

Sau đó, TS. Trần Văn Biên báo cáo tổng kết công tác xuất bản năm 2020 và định hướng chủ đề bài viết đăng Tạp chí năm 2021. Năm 2020, mặc dù gặp một số khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng Tạp chí Nhà nước và Pháp luật đã xuất bản 12 số về cơ bản là đúng thời hạn, với số lượng bài đăng là 101 bài. Các bài viết đã bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống pháp lý, có tính mới về mặt khoa học, có giá trị thực tiễn, phục vụ đắc lực cho công tác lập pháp cũng như hoạt động nghiên cứu và đào tạo luật học ở Việt Nam nói chung và Viện Nhà nước và Pháp luật nói riêng.

 

TS. Trần Văn Biên trình bày Báo cáo

 

Năm 2020, Tạp chí đã đăng tải nhiều bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài các cấp do Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ quan chủ trì góp phần hỗ trợ tích cực đối với hoạt động nghiên cứu của Viện. Các công trình nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phổ biến tri thức khoa học pháp lý; thúc đẩy sự phát triển của khoa học pháp lý Việt Nam; giới thiệu kinh nghiệm trong nước và quốc tế và trao đổi khoa học, bình luận, phản biện về những vấn đề lý luận và thực tiễn thuộc lĩnh vực nhà nước và pháp luật.

 

Tiếp theo, Tổng biên tập Trần Văn Biên đưa ra định hướng với 12 chủ đề bài viết đăng Tạp chí trong năm 2021, chẳng hạn như: triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về những vấn đề liên quan đến nhà nước và pháp luật; thể chế kinh tế thị trường và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; quản trị nhà nước ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững; tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam;…

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Quang phát biểu

 

Sau phần báo cáo của TS. Trần Văn Biên, Hội nghị tiến hành thảo luận. PGS.TS. Nguyễn Văn Quang (Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật học, Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật là tạp chí có vị trí quan trọng trong việc công bố các bài báo khoa học trong lĩnh vực luật học, các bài viết tuy mang tính hàn lâm nhưng vẫn bám sát với đời sống chính trị - pháp lý của nước ta. Góp ý về định hướng bài viết năm 2021, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Quang, ngoài việc định hướng chủ đề bài viết theo nội dung thì Tạp chí cũng cần đưa ra cách thức tiếp cận bài viết để cộng tác viên nắm được. Tạp chí cũng cần đăng các bài viết thuộc các chủ đề mới như những vấn đề pháp lý về bảo hiểm, chứng khoán,…

 

Ngoài ra, PGS.TS. Nguyễn Văn Quang mong muốn trong thời gian tới hai bên sẽ hợp tác tổ chức tọa đàm chung để bàn về cách thức phát triển và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động biên tập tạp chí.

 

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Như Phát nhìn nhận, tất cả cán bộ Tạp chí làm việc bài bản và có trách nhiệm. Ông gợi ý, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật nên xem xét áp dụng cách thức phản biện kín hai người như Tạp chí Luật học bằng cách gửi các bài viết cho các thành viên của Hội đồng biên tập đọc phản biện.

 

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến chia sẻ tại Hội nghị

 

Hội nghị cũng nhận được những chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội), một tác giả đóng góp nhiều bài viết cho Tạp chí. Theo ông, Tạp chí làm việc rất chuyên nghiệp về quy trình nhận bài, thẩm định và thông báo cho tác giả. Ông hy vọng Tạp chí tiếp tục giữ vững tôn chỉ là mang tính hàn lâm và hoạch định chiến lược chính sách về nhà nước và pháp luật để đóng góp cho Đảng và Nhà nước. Về chủ đề bài viết năm 2021, nhìn chung, ông đồng ý với các chủ đề mà Tạp chí đưa ra như: tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hệ thống pháp luật; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; nhận diện và cách xử lý lợi ích nhóm;…

 

Ngoài ra, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến đề xuất Ban biên tập Tạp chí nên lựa chọn mỗi số Tạp chí có 1-2 bài đinh (tiêu biểu) cũng như nghiên cứu, chọn lọc bài viết để xuất bản mỗi năm một vài số chuyên đề. Tạp chí cũng cần xem xét đăng bài của các học giả nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Về bài viết nước ngoài, TS. Trần Văn Biên cho biết, sắp tới Tạp chí sẽ đăng hai bài của hai học giả người Nga.

 

PGS.TS. Lê Mai Thanh phát biểu

 

Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Lê Mai Thanh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật. Bà cho rằng, Hội nghị này là nơi ghi nhận sự đóng góp của các cộng tác viên cho Tạp chí. Bà tin tưởng trong thời gian tới, Tạp chí vẫn giữ vững được niềm tin của cộng tác viên và bạn đọc vào Tạp chí. Để phát triển hơn nữa, PGS.TS. Lê Mai Thanh cho rằng, Tạp chí cần hợp tác sâu rộng với các đối tác khác thông qua việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm,… và sớm triển khai hình thức điện tử cho Tạp chí.

 

Hội nghị còn nhận được ý kiến của các cộng tác viên khác như ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga (Viện Nhà nước và Pháp luật), TS. Nguyễn Thanh Huyền (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội),…

 

Phát biểu kết thúc Hội nghị, TS. Trần Văn Biên chân thành tiếp thu các ý kiến, chia sẻ, góp ý của các cộng tác viên. Ông gửi lời chúc các tác giả, độc giả, nhà khoa học dồi dào sức khỏe, có nhiều công trình khoa học và tiếp tục tin tưởng gửi bài viết cho Tạp chí Nhà nước và Pháp luật.