•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá, nghiệm thu cấp quốc gia Đề tài khoa học cấp Nhà nước

03/01/2020
Sáng ngày 27/12/2019, tại Hội trường Hội đồng Lý luận Trung ương, đã diễn ra buổi đánh giá, nghiệm thu cấp quốc gia của Đề tài cấp Nhà nước “Thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”, mã số KX04.06/16-20 do Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ quan chủ trì, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh là Chủ nhiệm.

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp quốc gia có sự tham gia đầy đủ của Chủ tịch Hội đồng, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình KX.04/16-20) và 08 nhà khoa học khác. Tham dự phiên họp có đại điện của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; một số cán bộ của Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/16-20; đại diện cho cơ quan chủ trì đề tài có TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật và Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế. Ngoài ra, tham dự buổi nghiệm thu còn có một số thành viên đề tài KX04.06/16-20.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh trình bày tóm tắt quá trình thực hiện đề tài

 

Hội đồng đã nghe Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Nguyễn Đức Minh thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện Đề tài, báo cáo các sản phẩm khoa học và tự đánh giá kết quả thực hiện đề tài. Chủ nhiệm đề tài cũng đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu, nhấn mạnh những đóng góp mới về mặt lý luận và thực tiễn của đề tài.

 

Các báo cáo của Đề tài cho rằng việc thừa nhận pháp quyền, ghi nhận nguyên tắc pháp quyền trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế thời đại. Đề tài đã luận giải nguồn gốc, lịch sử tư tưởng pháp quyền trên thế giới và ở Việt Nam; hệ thống hóa và phản ánh các quan điểm trên thế giới về pháp quyền; thực trạng nhận thức ở Việt Nam về pháp quyền từ cách tiếp cận lịch sử và so sánh. Đề tài đã chỉ ra những điểm tương đồng, khác biệt giữa pháp quyền và nhà nước pháp quyền; những điểm tương đồng và khác biệt về tính chất, nội dung của pháp quyền với pháp luật, với pháp trị, pháp chế; sự khác biệt giữa thực hiện nguyên tắc pháp quyền với thực hiện pháp luật.

 

Đề tài đã đưa ra định nghĩa và quan niệm của Đề tài về nguyên tắc pháp quyền; xác định những nội dung, những yếu tố cấu thành cơ bản của nguyên tắc pháp quyền; nhận diện những giá trị phổ biến và tính đặc thù của nguyên tắc pháp quyền. Đề tài đã phân tích vị trí của nguyên tắc pháp quyền trong hệ thống các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền từ cách tiếp cận, coi pháp quyền là một nguyên tắc quản trị, nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Đề tài đã trình bày khái niệm, nội dung, hình thức thực hiện nguyên tắc pháp quyền, phạm vi áp dụng nguyên tắc pháp quyền; phân tích lợi ích và những e ngại trong thực tiễn thực hiện nguyên tắc pháp quyền, cũng như những điều kiện cần bảo đảm cho việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền.

 

Toàn cảnh buổi đánh giá, nghiệm thu đề tài

 

Đề tài đã thông tin về nhận thức, thực tiễn thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Hungary, Ba Lan, Trung Quốc và gợi mở một số kinh nghiệm cho Việt Nam. Thực trạng thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở nước ta đã được Đề tài tập trung phản ánh ở hai phương diện: thực hiện nội dung nguyên tắc pháp quyền và thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong mối quan hệ với các nguyên tắc khác. Ở đó, Đề tài tổng kết những mặt được, những hạn chế của thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở các cách tiếp cận nêu trên. Ngoài ra, Đề tài đã phân tích thực trạng các điều kiện bảo đảm thực hiện nguyên tắc pháp quyền.  

 

Đề tài đã dự báo, phân tích các yếu tố trong nước và quốc tế tác động đến việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở nước ta trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Đề tài nhận diện những vấn đề đặt ra trong thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam. Đề tài đã đề xuất mục tiêu tổng quát, quan điểm, phương hướng và giải pháp thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam. Các giải pháp tập trung vào khắc phục các hạn chế của thực hiện nội dung nguyên tắc pháp quyền, giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong mối quan hệ giữa nguyên tắc pháp quyền với dân chủ, với quyền làm chủ của Nhân dân, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đề tài đã đề xuất một số giải pháp tiếp tục cụ thể hoá nội dung của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến nguyên tắc pháp quyền. Đề tài đã đề xuất một số kiến nghị đối với Đảng Cộng sản Việt Nam trong đánh giá tình hình (kết quả, hạn chế), xác định phương hướng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo (liên quan đến pháp quyền) trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

 

Chủ tịch Hội đồng đánh giá, nghiệm thu GS.TS. Tạ Ngọc Tấn nhận xét về đề tài

 

Hội đồng đánh giá Đề tài đạt loại Xuất sắc. Đề tài là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm mới cả từ cách tiếp cận và nội dung khoa học, có nhiều đóng góp cho khoa học chính trị và khoa học pháp lý. Đề tài đã cung cấp luận cứ khoa học cho xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các sản phẩm đều vượt trội so với đăng ký trong thuyết minh và hợp đồng nghiên cứu đã ký.

 

Chủ tịch Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng để chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo; tăng thêm tính thực tiễn của đề tài.

 

Thay mặt Đề tài, Chủ nhiệm đề tài PGS. TS Nguyễn Đức Minh đã cảm ơn, tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá của Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm của đề tài; thực hiện đăng ký và giao nộp kết quả thực hiện nhiệm vụ tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Các thành viên đề tài chụp ảnh kỷ niệm với Hội đồng đánh giá, nghiệm thu