•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN – TƯ LIỆU – THƯ VIỆN QUA 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

07/11/2008
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển của Viện Nhà nước và pháp luật, được sự quan tâm của lãnh đạo Viện, Phòng Thông tin – Tư liệu – Thư viện (nay là Thư viện) đã được hình thành và phát triển ngay từ những ngày đầu xây dựng Viện. Chức năng đầu tiên của thư viện là thu thập, tàng trữ và bảo quản tư liệu. Phòng Thông tin – tư liệu – Thư viện có nhiệm vụ sưu tầm, thu thập, bổ sung đầy đủ các tư liệu, sách, báo chí trong nước và nước ngoài phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu và giảng dạy của cán bộ trong Viện, nghiên cứu sinh, học viên cao học của Viện, cán bộ của một số Bộ, trường đại học có liên quan đến ngành luật.

1.1 KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN-TƯ LIỆU-THƯ VIỆN

Nhìn chung, các kho sách, báo chí, tư liệu, luận án, luận văn… của Viện là khá lớn và có giá trị.  Tổng số tài liệu là: 21.500 tài liệu bao gồm (sách tiếng Việt: 7000 cuốn; sách tiếng Nga: 4000 cuốn; sách Pháp: 516 cuốn, sách Đức: 492 cuốn, sách Anh: 494 cuốn, từ điển: 300 cuốn; tài liệu: 2490 cuốn, luận án: 558 cuốn, thư mục: 98 tập, tạp chí trong và ngoài nước: 5260 tập). Ngoài ra, còn có kho văn bản  pháp luật của Việt Nam từ năm 1945 đến nay bao gồm 310 tập. (Đây là kho tài liệu quý nhưng đã cũ nát nhiều, đang cần có chế độ bảo dưỡng, xử lý kịp thời).
    Ngay từ những ngày đầu mới hình thành, thư viện đã có cán bộ chuyên trách, quản lý thư viện là cán bộ được đào tạo đúng ngành thư viện, do đó đã xây dựng và định hướng các hoạt động của thư viện theo đúng chuyên môn. Thư viện của Viện làm việc có nề nếp, tinh thần thái độ phục vụ tốt, đảm bảo đúng nguyên tắc. Các cán bộ trong Phòng đều là những người gắn bó lâu năm với Viện, đều được đào tạo phù hợp với công việc, là những người tâm huyết, yêu nghề, có cố gắng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Được sự quan tâm của Viện, hai cán bộ của phòng đã được cử đi thực tập tại Pháp và Liên Xô để nâng cao trình độ. Phòng đã nhiều năm được tặng Bằng khen của Viện KHXH Việt Nam là tập thể lao động xuất sắc và Bằng khen của Ban chấp hành công đoàn viên chức Việt Nam, là tập thể nữ đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” 5 năm 2001 – 2005.
    Phòng đã thu hút được nhiều cán bộ nghiên cứu trong và ngoài Viện, các chuyên gia cho việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu tài liệu của Viện cũng như việc dịch, lược dịch, lược thuật tài liệu để phục vụ tốt công tác nghiên cứu, đào tạo của Viện.
    Vốn tư liệu của một thư viện là tài sản quý giá, là tiềm lực, là sức mạnh là niềm tự hào của thư viện. Bên cạnh sự nỗ lực tự tìm kiếm nguồn tư liệu phong phú, thư viện còn được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các thư viện bạn (kho sách Pháp từ Thư viện Quốc gia), một số tài liệu về luật của Việt Nam  Cộng hoà  từ Thư viện Thông tin Khoa học xã hội). Thư viện tiến hành trao đổi sách, tạp chí với các thư viện như: Thư viện Quốc hội Mỹ, các thư viện ở Pháp, Đức nhưng số lượng còn hạn chế do nguồn kinh phí dùng để mua sách, tạp chí trao đổi gửi đi không nhiều.
    Phòng triển khai tốt công tác tư liệu, bổ sung nhanh chóng, nỗ lực tìm kiếm nguồn tư liệu quý cho Viện, sưu tầm những công trình nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ,… từ các hội thảo trong ngành luật (từ Văn phòng Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Nội, Văn phòng Chính phủ, Nhà  pháp luật Việt – Pháp; Bộ Tư pháp …). Sưu tầm các dự thảo luật, pháp lệnh, các quan điểm, các ý kiến tranh luận của các đại biểu quốc hội về các dự án luật, sưu tầm các báo cáo tổng kết của Toà án nhân dân tối cao, … phục vụ thiết thực và kịp thời cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo của Viện.

    So với các thư viện chuyên ngành luật và các thư viện của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, thì thấy: thời kỳ trước thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật có guồn tư liệu khá phong phú, đa dạng, hiệu quả hoạt động cao.Còn hiện nay các thư viện xây dựng sau nên được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, có dự án lớn do đó phát triển, có nguồn tư liệu nước ngoài phong phú hơn rất nhiều. Còn thư viện của Viện Nhà nước và Pháp luật chưa được đầu tư nhiều.
    Bên cạnh việc tiến hành các phần công việc nghiệp vụ thông tin – tư liệu – Thư viện như thường lệ, Phòng đã phối hợp với các cán bộ chuyên môn về cơ sở dữ liệu để tiến hành khảo sát, nghiên cứu kho tư liệu của Viên xây dựng phương án tự động hoá quản lý và phục vụ thông tin của Viện… Phòng còn tham gia hội thảo về nghiệp vụ với các thư viện chuyên ngành luật (Quốc hội, Bộ Tư pháp, Trường đại học Văn hóa Hà Nội...)
    Hiện nay thư viện của Viện đang triển khai  từng bước xây dựng thư viện hiện đại, nhằm tạo lập một công cụ mạnh, trợ giúp đắc lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy sau đại học về Nhà nước và pháp luật. Thư viện đã xây dựng và tạo nguồn lực thông tin ngày càng dồi dào và mang tính cập nhật hơn. Nhiều cơ sở dữ liệu khoa học về Nhà nước và pháp luật đã được xây dựng ( khoảng  19.000 biểu ghi). Gần đây, Phòng Thư viện được thêm diện tích làm việc, do đó vấn đề triển khai phòng đọc, nơi làm việc của các thư viện viên,  kho sách, báo, tạp chí, tư liệu… đã phần nào được khang trang, ngăn nắp, hợp lý hơn.

2. CÔNG TÁC PHỤC VỤ NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO
    Cùng với sự phát triển lớn mạnh của Viện, thư viện đã từng bước xây dựng, phát triển nâng cao hiệu quả công tác phục vụ bạn đọc. Nhờ có sự định hướng hoạt động của Phòng TT-TL-TV một cách chính xác hiệu quả, phòng đã xây dựng và phát triển được nhiều loại hình công tác phục vụ bạn đọc: từ việc kịp thời giới thiệu vốn tư liệu phong phú, phát triển công tác dịch, lược dịch các tư liệu quý hiếm, việc tổ chức ra các tập Thông tin chuyên đề phục vụ các cấp lãnh đạo... đến việc phát trển công tác thư mục, trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, phòng luôn bám sát các đề tài nghiên cứu của Viện để biên soạn kịp thời các loại hình thư mục. Đến nay đã có gần 100 loại thư mục thông báo khoa học theo chuyên đề, trong đó có:
1.    Thư mục 35 năm Nhà nước và pháp luật Việt Nam
2.    Thư mục Hồ Chí Minh với Nhà nước và pháp luật Việt Nam
3.    Thư mục hương ước Việt Nam
4.    Thư mục Chính sách xã hội và pháp luật về các vấn đề xã hội
5.    Thư mục các báo cáo khoa học về Nhà nước và pháp luật
6.    Thư mục Tổ chức Thương mại thế giới
7.    Thư mục Luật thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ hiện nay
8.    Thư mục chính quyền cơ sở – Thực trạng và giải pháp
9.    Thư mục sự phát triển khoa học pháp lý Việt Nam trong thời kỳ đổi mới
10.    Thư mục cải cách hành chính
11.    Thư mục các loại sách của Viện đã xuất bản từ khi thành lập Viện đến nay (11-2006) để góp phần xây dựng Website của Viện).
12.    Thư mục hệ thống pháp luật Mỹ
v.v..
Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký chính thức Hiệp định thương mại, có hiệu lực từ ngày 10/12/2001. Để phục vụ chương trình: “Tăng cường năng lực của pháp luật Việt Nam đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế”, cụ thể là phục vụ đề tài: “Tìm hiểu và giới thiệu hệ thống pháp luật Hoa Kỳ phục vụ việc thi hành Hiệp định thương mại Việt Mỹ”, Phòng Thông tin – Tư liệu – Thư viện đã xây dựng thư mục: “Hệ thống pháp luật Mỹ”. Thư mục bao gồm một số sách, tài liệu, các bài báo, tạp chí gồm (tiếng Việt, tiếng Nga, Anh) hiện đã có trong Thư viện Viện Nhà nước và pháp luật nhằm giúp đỡ cho cán bộ nghiên cứu đề tài có thêm những thông tin chung về lịch sử nhà nước và xã hội Hoa Kỳ, về hệ thống pháp luật và đời sống pháp lý Hoa Kỳ có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến các hoạt động thương mại.
Ngày nay, trong kỷ nguyên của Công nghệ thông tin, thư viện điện tử và thư viện số là một mô hình mà nhiều quốc gia đã xây dựng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng thông tin. Do vậy, Thư viện đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp Bộ: “Tin học hoá công tác TT-TL-TV”.
Thư viện đã sử dụng chương trình: CDS/IIS for UIN (đã chuyển đổi theo MARC 21), cụ thể: (19.000 biểu ghi)
Toàn bộ kho sách tiếng Việt đã được tin học hoá: 4500 biểu ghi(có tóm tắt nội dung cuốn sách).
- Toàn bộ kho sách tiếng Nga: 2300 biểu ghi (có dịch và tóm tắt nội dung cuốn sách)
- Toàn bộ kho sách tiếng Pháp: 516 biểu ghi (có dịch và tóm tắt nội dung cuốn sách)
- Kho sách tiếng Anh: 460 biểu ghi (có dịch và tóm tắt nội dung cuốn sách)
- Kho tư liệu: 2050 biểu ghi (có tóm tắt nội dung)
- Kho luận án: 500 biểu ghi (có tóm tắt nội dung)
- Báo và tạp chí tiếng Việt từ năm 1999 đến nay: đều được tin học hoá (tạp chí có tóm tắt nội dung): 7800 biểu ghi.
Trong thư viện, công tác phục vụ bạn đọc luôn là khâu then chốt, có tính chất quyết định đến toàn bộ hoạt động của thư viện. Để đáp ứng nhu cầu đó thư viện đã giúp bạn đọc trong và ngoài Viện tra tìm thông tin trên hệ thống mục lục tra cứu và trên máy tính có hiệu quả.

3 PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ CÁC NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Đặc điểm nổi bật của sự nghiệp thông tin – thư viện Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là đang chuyển mình để có sự thay đổi toàn diện nhằm phục vụ tốt nhất cho công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước. Đổi mới và hội nhập là chiều hướng phát triển tất yếu của sự nghiệp thư viện nước ta, đặc biệt là các thư viện chuyên ngành luật. Chính vì vậy, công tác thông tin – thư viện nhằm định hướng thư viên theo hướng Chuẩn hoá - Hội nhập, tiến đến hợp tác liên thông với các thư viện chuyên ngành luật trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin là điều tất yếu.
Trong những năm gần đây, sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin đa phương tiện đã đưa xã hội thông tin tiến thêm một bước phát triển mới: xã hội thông tin – tri thức. Thách thức của kỷ nguyên thông tin – tri thức mà thư viện hiện nay là phải đương đầu chính là việc đề ra được các giải pháp tổ chức hoạt động của thư viện theo một quan niệm mới: thông tin là một loại sản phẩm mang tính thị trường, đáp ứng quy luật cung cầu của xã hội và có thể chuyển giao quốc tế. Tiêu chí để mô tả tính ưu việt đối với thông tin là “nhanh chóng – chính xác – phong phú - dễ tiếp cận”.
Trên cơ sở đó, thư viện của Viện trong thời gian tới cần tiến hành tốt hoạt động sau:
1.    Tổ chức các dịch vụ và truy cập thông tin;
2.    Phát triển các nguồn tài nguyên và các bộ sưu tập thông tin.
3.    Tiến hành điều hành và hợp tác liên thư viện.
4.    Tổ chức nhân sự và huấn luyện
Các biện pháp cụ thể:
-    Tất cả các cơ sở dữ liệu về Nhà nước và pháp luật của Viện được đưa lên Website để sử dụng rộng rãi. Có thể đưa toàn văn (đối với một số tư liệu cần thiết).
-    Phát hành đĩa CD toàn bộ cơ sở dữ liệu của Viện.
-    Tổ chức điều hành và hợp tác liên thư viện.
- Tăng cường ngân sách đầu tư để xây dựng đề án tổng thể, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng kinh phí hoạt độngcủa thư viện.
- Nâng cao trình độ cán bộ TT-TL-TV.
- Có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng  đối với cán bộ TT-TL-TV.