
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025
Tại Phiên họp, trình bày Tờ trình tóm tắt về việc điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025 bổ sung 4 dự án Luật do Chính phủ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh đề xuất xây dựng 4 dự án Luật và sự cần thiết, mục đích ban hành của 4 dự án Luật, gồm dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); dự án Luật An ninh mạng; dự án Luật Thương mại điện tử; dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế). Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 4 dự án Luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) có phạm vi điều chỉnh bao gồm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, năng lượng; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đối tượng áp dụng các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng các nguồn lực này.
Nội dung chính của dự án là thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chỉ thị 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị để hướng tới xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Bổ sung quy định về “Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí” là ngày 31/5 hàng năm; Bổ sung quy định về việc lồng ghép nội dung giáo dục về tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân để hình thành văn hóa, nhận thức về tiết kiệm, chống lãng phí trong Nhân dân; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, phát hiện, xử lý đối với các hành vi lãng phí...
Dự án Luật An ninh mạng có phạm vi điều chỉnh về hoạt động bảo đảm an ninh mạng nhằm bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng. Đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến các hoạt động trên không gian mạng tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, dự án Luật An ninh mạng dự kiến hợp nhất quy định của Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và quy định các nội dung: về các hoạt động bảo vệ thông tin mạng; bảo vệ hệ thống thông tin; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; Quy định về hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đoanh nghiệp và cá nhân trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Quy định về hoạt động kinh đoanh, xuất nhập, khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng…

Quang cảnh phiên họp thứ 47
Dự án Luật Thương mại điện tử dự kiến điều chỉnh chính sách phát triển và quản lý hoạt động thương mại điện tử. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Nội dung chính của dự án là hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình thương mại điện tử mới như livestream, tiếp thị liên kết, nền tảng tích hợp; Bổ sung quy định về định danh người bán qua VNeID, trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và cơ chế kiểm soát hàng vi phạm; Bổ sung quy định về giao kết hợp đồng tự động, hợp đồng thông minh trong thương mại điện tử, phù hợp với xu hướng công nghệ mới và bảo đảm sự hài hòa với Bộ luật Dân sự và Luật Giao dịch điện tử; Quản lý hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội, nền tảng đa dịch vụ, kiểm soát hành vi lạm dụng vị thế thị trường, thao túng thuật toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân và chống thất thu thuế từ giao dịch phi chính thức…
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế) giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp hiện hành. Đối tượng áp dụng của Luật Giám định tư pháp (thay thế) là tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Nội dung chính của dự án Luật là mở rộng phạm vi xã hội hoá đối với một số lĩnh vực giám định tư pháp mà tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu lớn, thường xuyên. Đối với một số lĩnh vực thuộc chuyên ngành kỹ thuật hình sự như tài liệu, dấu vết và đường vân thì chưa xem xét xã hội hóa. Phân cấp việc trưng cầu, tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp theo hướng tổ chức, cá nhân ở địa phương tiếp nhận, thực hiện trưng cầu giám định của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở địa phương; tổ chức, cá nhân ở trung ương tiếp nhận, thực hiện trưng cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp trung ương hoặc địa phương trong trường hợp vụ việc phức tạp…
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025 và thảo luận. Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết bổ sung 4 dự án Luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, chỉ còn Kỳ họp thứ 10 là kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), do đó, tất cả các luật trình Quốc hội trong thời gian tới cần gói gọn quyết định trong Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). “Nếu các cơ quan soạn thảo chuẩn bị 4 dự án Luật đảm bảo kỹ lưỡng, có chất lượng thì chúng ta sẽ trình tại một kỳ họp theo quy trình, thủ tục rút gọn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại nước ta, Chủ tịch Quốc hội cho biết, về mặt pháp lý, việc dùng từ “sửa đổi”, “thay thế” là hoàn toàn khác nhau.
Hiện nay có 213 luật có hiệu lực thi hành đều dùng từ “sửa đổi”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên văn bản gốc, chỉ điều chỉnh, bổ sung một phần nội dung của Luật đó, sau khi sửa đổi thì Luật gốc vẫn còn hiệu lực, chỉ thay đổi các điều khoản cụ thể. Còn thay thế uật nghĩa là ban hành một luật mới hoàn toàn, chấm dứt hiệu lực của luật cũ. Luật cũ không còn giá trị pháp lý, nội dung được thay thế bằng luật mới, ví dụ như Luật Doanh nghiệp năm 2020 thay thế Luật Doanh nghiệp năm 2014.
“Hiện nay còn 213 luật có hiệu lực thi hành. Từ Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Kỳ họp thứ bất thường thứ 9 và Kỳ họp thường kỳ thứ 9, Quốc hội đã thông qua tổng số 67 luật, chiếm tỷ lệ 31,34% của 213 luật có hiệu lực thi hành”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Cho rằng nếu Chính phủ trình 4 dự án Luật này với chất lượng cao, tập trung dồn sức, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình xây dựng các dự án Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.
(Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp)