•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Đồng chí Đào Duy Tùng – Người làm công tác tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng thời kỳ đổi mới

16/05/2024
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/05/1924 – 20/05/2024), Chi bộ Viện Nhà nước và Pháp luật xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Đồng chí Đào Duy Tùng – Người làm công tác tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng thời kỳ đổi mới”.

Đồng chí Đào Duy Tùng (Ảnh: Tạp chí Cộng sản)

 

Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng là nhà lãnh đạo, người chiến sĩ cộng sản xuất sắc, trung thành của Đảng, trong đó có hơn 40 năm làm công tác tuyên giáo (từ năm 1955 trở đi) với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực tư tưởng và lý luận của Đảng thời kỳ đổi mới.

 

Suốt 17 năm, từ năm 1965 đến 1982, đồng chí đảm nhận vị trí Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cùng thời gian đó, đồng chí giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).

 

Có thể nói, Đào Duy Tùng là một nhà báo thực thụ, những bài báo của đồng chí là các tác phẩm chính luận có nội dung sâu sắc, lập luận chặt chẽ, rõ ràng. Đồng chí cho rằng, cán bộ biên tập tạp chí lý luận và chính trị của Đảng không chỉ nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin mà còn phải biết vận dụng các lý luận đó; không chỉ nắm vững những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng mà còn phải hiểu rõ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học của quan điểm, đường lối, chính sách đó. Có thế, khi viết, biên tập bài mới có sự sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn. Đây là chủ trương mang đậm dấu ấn của đồng chí khi là Tổng Biên tập của tạp chí.

 

Bên cạnh công tác tạp chí thì hoạt động bao trùm và xuyên suốt nhất của đồng chí Đào Duy Tùng là công tác tư tưởng – lý luận. Trong suốt thời gian làm việc, dù ở vị trí công tác nào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa và khoa giáo kiêm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương hoặc sau này là Trường trực Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa VII, đồng chí luôn thể hiện mình là người chỉ huy trên mặt trận tư tưởng – lý luận của Đảng. Theo đồng chí, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin đồng nghĩa với sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa đó. Làm công tác lý luận phải từ thực tiễn cuộc sống, rà soát lại các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, khẳng định lại những gì là đúng đắn, khoa học, trước đúng và nay vẫn đúng; những gì trước đúng giờ phải bổ sung; những gì trước đúng nay thực tiễn đã vượt qua và những gì thực tiễn đã và đang diễn ra nhưng Mác – Lênin chưa đề cập nay Đảng phải phát triển một cách sáng tạo để chỉ đạo cách mạng Việt Nam1.

 

Từ tổng kết thực tiễn, Đào Duy Tùng đã viết nhiều cuốn sách có giá trị lý luận sâu sắc như: “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng”, “Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế”

 

Đồng chí là người có tư tưởng đổi mới, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo. Đồng chí là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980 cùng với các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán 100” rồi “khoán 10” đến Cương lĩnh đổi mới sau này. Đào Duy Tùng là thành viên của Tổ biên tập Báo cáo chính trị trình Đại hội VI (năm 1986). Khi đó tình hình kinh tế - xã hội đang trong giai đoạn khó khăn, Báo cáo cần chỉ ra được những nguyên nhân nếu không nhìn thẳng vào sự lãnh đạo của Đảng trên ba mặt: bố trí cơ cấu kinh tế; tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp; thực thi cơ chế pháp lý (kế hoạch hóa tập trung, bao cấp hay kế hoạch hóa kết hợp với thị trường). Đồng chí đã cùng Tổ biên tập chuẩn bị văn kiện kiến nghị trình Bộ Chính trị thảo luận và có kết luận dứt khoát về ba vấn đề đó. Và như đã biết, Kết luận của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa V về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế đã thực sự mở ra một khâu đột phá cho việc sửa chữa bản dự thảo Báo cáo chính trị để Trung ương thông qua trình Đại hội VI2.

 

Sau đó, trong cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí được Trung ương giao nhiệm vụ Thường trực Ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội VII (năm 1991), đồng chí đã làm việc hết mình, góp phần tích cực vào việc xây dựng những văn kiện quan trọng đó và thể hiện rõ là con người của đổi mới. Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VII đã nêu ra những bài học chủ yếu, trong đó xác định rõ đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là quan niệm đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp. Kết hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược cách mạng với sự linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, nhạy cảm nắm bắt cái mới.

 

Đây là những đóng góp của đồng chí vào việc đúc kết những bài học, để qua đó mỗi chúng ta có thể phân biệt được thế nào là đổi mới. Đồng chí luôn lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, cùng chính kiến hay khác chính kiến miễn là những ý kiến đó chứa đựng cái mới, cái hay và mang tính xây dựng. Để minh chứng cho điều này, xin được dẫn lại những lời Đào Duy Tùng viết trong cuốn sách lý luận cuối cùng của mình “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1998): “Trong quá trình hình thành các quan niệm mới, phải phát hiện được các vấn đề quan trọng có những nhận thức không thống nhất, thẳng thắn vạch ra các quan điểm khác nhau, nêu một cách khách quan lập luận của mỗi quan điểm để thảo luận. Trong sinh hoạt của một cấp ủy, một tập thể cán bộ lý luận… phải phát huy tự do tư tưởng, thảo luận dân chủ, nói thẳng, nói thật, không định kiến. Phải lắng nghe những ý kiến khác mình. Ngay những ý kiến cho là sai cũng gợi ý cho mình nhiều suy nghĩ hoặc ngay những ý kiến mình cho là không đúng cũng cần bình tĩnh xem có nhân tố gì hợp lý. Đó là sinh hoạt bình thường trong Đảng”.

 


1. Trích “Đào Duy Tùng: Nhà lãnh đạo liêm khiết, con người đổi mới của Đảng” (Đỗ Mười), Tạp chí Tuyên giáo, số 4/2014, tr.9-10

2. Trích “Đào Duy Tùng – Nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng thời kỳ đầu đổi mới” (Hà Đăng), Tạp chí Tuyên giáo, số 6/2014, tr.18-20

 

Chi bộ Viện Nhà nước và Pháp luật (tổng hợp)