Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đưa ra những vấn đề về giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn ở tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm.
Trên thực tế, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án hành chính đã được nhiều nước trên thế giới quy định trong luật tố tụng hành chính của quốc gia mình nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án được nhanh gọn, kịp thời, nhất là đối với những vụ án đơn giản, chứng cứ đã rõ ràng.
Ở nước ta, thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm giải quyết nhanh gọn, kịp thời những vụ án đơn giản, chứng cứ đã rõ ràng. Đồng thời, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tiết kiệm thời gian và chi phí cho đương sự cũng như của nhà nước. Luật tố tụng hành chính năm 2015 đã quy định việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn tại chương XIV “Giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn tại Tòa án”, gồm 9 điều (từ Điều 245 đến Điều 253) quy định phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn…Đây là quy định mới được bổ sung để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án nhanh gọn, liên tục, hạn chế các trường hợp khiếu kiện phức tạp kéo dài.
Thứ nhất, về phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính
Tại Điều 245 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định “Thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính là thủ tục giải quyết vụ án hành chính khi có các điều kiện theo quy định của Luật này nhằm rút ngắn thời gian và thủ tục so với thủ tục giải quyết vụ án hành chính thông thường nhưng vẫn bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật”.
Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án khi có đủ 3 điều kiện sau:
Một là, vụ án có tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm đủ căn cứ giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
Hai là, các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
Ba là, không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài có thỏa thuận với đương sự ở Việt Nam đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Như vậy, để rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án hành chính, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện các vấn đề liên quan như: nội dung yêu cầu khởi kiện, các tài liệu chứng cứ mà đương sự cung cấp đã đầy đủ và bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hay chưa, có cần thiết phải yêu cầu đương sự cung cấp bổ sung không; xác định các đương sự trong vụ án và địa chỉ cư trú hoặc trụ sở của đương sự... Qua đánh giá nếu thấy vụ án có đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định. Tòa án gửi quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi ra quyết định. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án để mở phiên tòa.
Trường hợp không đồng ý với quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn. Tòa án phải xem xét quyết định giữ nguyên hoặc hủy bỏ quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại hoặc kiến nghị.
Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn (kể cả sau khi đã ra quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn), Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Phát sinh các tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất và cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; (2) Cần phải định giá về tài sản nếu các đương sự không thống nhất về giá; (3) Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; (4) Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; (5) Phát sinh yêu cầu độc lập; (6) Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài thỏa thuận với đương sự ở Việt Nam đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Khi Tòa án chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường, thời hạn giải quyết vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
Thứ hai, về giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn ở tòa án cấp sơ thẩm
Theo quy định tại Điều 249 Luật tố tụng hành chính năm 2015, việc xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do 01 Thẩm phán thực hiện. Trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm vẫn phải được tiến hành đầy đủ các thủ tục như xét xử các vụ án hành chính thông thường. Chỉ khác ở chỗ, sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán phải tiến hành đối thoại, nếu đương sự thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán lập biên bản đối thoại thành và ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành. Nếu đương sự không thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán tiến hành xét xử. Trình tự, thủ tục xét xử được tiến hành đầy đủ các bước như vụ án thông thường. Nếu tại phiên tòa phát sinh tình tiết mới làm cho vụ án không đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn, Thẩm phán xem xét, quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại như vụ án được giải quyết theo thủ tục thông thường.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định tại Điều 125 Luật Tố tụng hành chính thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn của Tòa án, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định.
Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu có các tình tiết sự kiện phát sinh mà các đương sự không thống nhất mà cần xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần thiết tiến hành giám định; cần xác định giá tài sản nếu các đương sự không thống nhất về giá; cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì Tòa án có quyển ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Đây là qui định mang tính linh động, đảm bảo quá trình tố tụng được thuận lợi. Tạo điều kiện tối đa cho đương sự khi tham gia tố tụng tại Tòa án.
Trước hết, đối với đương sự, việc xét xử theo thủ tục rút gọn sẽ tiết kiệm chi phí, công sức cũng như giảm bớt những phiền phức, nhất là đối với người thắng kiện vì đáng lẽ họ không phải gánh chịu những thiệt hại, phiền phức này. Từ đó lòng tin của người dân vào hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung được nâng lên, tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng. Khi việc khiếu kiện tham gia tố tụng của người dân được thuận lợi thì khi đó họ sẽ chọn phương thức giải quyết tranh chấp là khởi kiện tại Tòa án, có sự tham gia của cơ quan tố tụng. Hơn nữa, đây cũng là điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng.
Áp dụng thủ tục rút gọn sẽ giảm thời gian giải quyết vụ án nhưng vẫn đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bên, giảm công việc của thẩm phán, thư ký đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án. Với việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp; khiếu kiện, thủ tục rút gọn góp phần làm giảm đáng kể số lượng án ngày càng gia tăng trong giai đoạn hiện nay và xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, mục đích và ý nghĩa của thủ tục rút gọn chỉ thực sự đạt được nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn không chuyển sang tục thủ tục chung để giải quyết. Nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng thủ tục chung để giải quyết thì sẽ không rút ngắn được về thời gian, không đơn giản được về thủ tục, thậm chí còn làm cho trình tự tố tụng kéo dài và phức tạp hơn nếu chỉ áp dụng thủ tục chung để giải quyết. Vì vậy, cần hạn chế việc xác định không đúng các điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn, rồi sau đó lại chuyển thành thủ tục giải quyết vụ án thông thường theo thủ tục chung.
Thủ tục rút gọn, được quy định tại Chương XIV, Chương này gồm 6 điều (từ Điều 245 đến Điều 250) - Quy định về phạm vi, điều kiện, trình tự, thủ tục, thành phần của Hội đồng xét xử tại cấp sơ thẩm gồm: Thẩm phán, thư ký.
Kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn (Điều 249): Khi Thẩm phán tiến hành đối thoại tại phiên tòa không thành thì tiến hành xét xử theo thủ tục thông thường quy định tại mục 3 Chương XI của Luật TTHC – như phiên tòa sơ thẩm thông thường. Cụ thể: Việc xét xử sơ thẩm vụ án theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện; Sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán tiến hành đối thoại, trừ trường hợp không tiến hành đối thoại được. Trường hợp đương sự thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán lập biên bản đối thoại thành và ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành. Nếu đương sự không thống nhất được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán tiến hành xét xử; Trường hợp tại phiên tòa mà phát sinh tình tiết mới làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn thì Thẩm phám xem xét, quyết định chuyển sang giải quyết vụ án theo thủ tục thông thường và thời hiệu chuẩn bị xét xử được tính lại từ đầu.
Phiên toà theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện, không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên Thẩm phán tiến hành thủ tục khai mạc phiên tòa theo quy định tại Điều 169 của Luật này. Thẩm phán tiến hành đối thoại, trừ trường hợp không tiến hành đối thoại được theo quy định tài Điều 135 của Luật này. Trường hợp đương sự thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán lập biên bản đối thoại thành và ra quyết định công nhận kết quả của đối thoại thành theo quy định tại Điều 140 của Luật này. Trường hợp được sự thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán tiến hành xét xử. Việc trình bày, tranh luận, đối đáp, đề xuất quan điểm về việc giải quyết vụ án được thực hiện theo quy định tại Mục 3 chương XI của Luật này. Trường hợp tại phiên tòa mà phát sinh tình tiết mới quy định tại khoản 2 Điều 246 của Luật này làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn thì Thẩm phán xem xét, quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường và thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại theo quy định tại khoản 3 Điều 246 của Luật này.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị để giải quyết lại theo thủ tục rút gọn phúc thẩm hoặc bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Thời hạn kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 7 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án, quyết định được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Thứ ba, về giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn ở tòa án cấp phúc thẩm
Đối với vụ án đã được giải quyết theo thủ tục rút gọn ở cấp sơ thẩm, nếu có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định: Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm; đình chỉ xét xử phúc thẩm hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu tham gia phiên tòa. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát trả lại hồ sơ cho Tòa án để mở phiên tòa.
Việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn cũng do 01 Thẩm phán thực hiện. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán phải mở phiên tòa phúc thẩm. Phiên tòa phải có mặt đầy đủ các đương sự, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn xét xử, trừ trường hợp vụ án có kháng nghị của Viện kiểm sát. Đối với các đương sự, nếu họ được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên tòa.
Trình tự, thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn được thực hiện như sau: Thẩm phán trình bày tóm tắt nội dung bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, nội dung của kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có); người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày, đương sự bổ sung ý kiến về kháng cáo, kháng nghị, tranh luận, đối đáp, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án; Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Thẩm phán ra một trong các quyết định giải quyết sau đây: (1) Giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; (2) Sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; (3) Hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án giải quyết lại theo thủ tục rút gọn hoặc theo thủ tục thông thường nếu không còn đủ các điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn; (4) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; (5) Đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm (Điều 251 và Điều 253 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015).
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa án chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường nếu vụ án không còn đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày có quyết định. Trường hợp Tòa án quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Tóm lại, thủ tục rút gọn là quy định mới được bổ sung để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện nỗ lực cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta nhận thấy rằng, thủ tục rút gọn có ý nghĩa pháp lý và sâu sắc trong tình hình hiện nay. Bởi lẽ, thủ tục này là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án, đơn giản, rõ ràng góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng án kéo dài. Việc giải quyết vụ án nhanh chóng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức trong việc giải quyết các vụ án đơn giản, rõ ràng, tập trung vào việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp hơn; đồng thời cũng tiết kiệm được thời gian và chi phí cho những người tham gia tố tụng mà vẫn đảm bảo tính pháp chế trong việc giải quyết án hành chính.
ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải
(Theo http://moj.gov.vn)