•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

01/12/2022
Chiều ngày 30/11/2022, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội đồng thẩm định Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phiên họp có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – cơ quan chủ trì soạn thảo và đại diện các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan.

Phát biểu tại Phiên họp, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Tạ Quang Đôn cho biết, các quy định về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và hoạt động của hệ thống ngân hàng, góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, quá trinh thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như một số nghiệp vụ của tổ chức tín dụng chưa được quy định cụ thể, khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản,...

 

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì Hội đồng thẩm định

 

Đồng chí nhấn mạnh việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; duy trì, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023; tăng cường công tác quản lý nhà nước.
 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể về các phương pháp thẩm định giá các khoản nợ. Việc thẩm định giá các khoản nợ xấu đang được các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có chức năng mua, bán nợ thuê các doanh nghiệp thẩm định giá vận dụng hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam để thực hiện. Vì vậy, đại diện Bộ Tài chính đề xuất được tham gia nghiên cứu, xây dựng các quy định về thẩm định giá các khoản nợ, đồng thời đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ các quy định liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, tránh ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng đang hoạt động hiệu quả.


Còn đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, phải làm rõ các khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42, những nội dung nào mang tính kế thừa, nội dung nào là sự thể chế hóa những quy định mới. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, việc xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay qua sử dụng các phương tiện điện tử.


Nhất trí quan điểm án phí phải được ưu tiên thu trước khoản nợ có bảo đảm của tổ chức tín dụng, đại diện Tòa án nhân dân tối cao đề nghị ban soạn thảo nêu rõ giải pháp cụ thể cho chính sách kế thừa và sửa đổi, bổ sung chính sách về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và làm rõ các rủi ro pháp lý của người tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. 


Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Tạ Quang Đôn cảm ơn ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến và nhanh chóng hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong thời gian tới.


Tổng hợp ý kiến các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhất trí cần phải xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Để nâng cao chất lượng Hồ sơ đề nghị, Thứ trưởng đề nghị làm rõ các văn bản giao nhiệm vụ trong Tờ trình Chính phủ; bổ sung báo cáo tổng kết; hoàn thiện đề cương Luật chi tiết; đồng thời cân nhắc nhập một số chính sách nhỏ thành một chính sách lớn; thực hiện rà soát các quy định pháp luật liên quan...

 

(Theo Cổng TTĐT Bộ Tư pháp)