Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (ngồi giữa) chủ trì tọa đàm
Tọa đàm được tổ chức lần này là hoạt động khoa học thứ tư của đề tài. Mở đầu, TS. Phan Thanh Hà trình bày tham luận về những vấn đề lý luận cơ bản về cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền hành pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp. Báo cáo được kết cấu thành các phần chính:
- Quan niệm về cơ quan thực hiện quyền lập pháp, cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp;
- Lý luận về kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền hành pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp;
- Lý luận về cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước;
- Các điều kiện đảm bảo cho cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.
Kiểm soát quyền lực nhà nước được hiểu theo nghĩa rộng và hẹp khác nhau. Theo nghĩa rộng, kiểm soát quyền lực nhà nước bao gồm cả việc thiết chế tổ chức, vận hành bộ máy nhà nước và theo đõi, xem xét, đánh giá việc sử dụng/áp dụng quyền lực nhà nước trong thực tiễn. Theo nghĩa hẹp, đây chỉ là những hoạt động theo dõi, xem xét, đánh giá để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực nhà nước. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả cho rằng, kiểm soát quyền lực nhà nước cần được hiểu theo nghĩa rộng. Theo đó, kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước bao gồm cả nội dung về phân công, phối hợp, kiểm soát dựa trên mức độ tương tác giữa các quyền mang tính hỗ trợ, phối hợp hay thay thế nhau. Trong khi đó, nếu “kiểm soát” hiểu trong nguyên tắc “phân công, phối hợp và kiểm soát” của học thuyết tập quyền sẽ được hiểu theo nghĩa hẹp, nhằm chỉ các hoạt động mang tính chất phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ các quyết định sai trái của cơ quan nhà nước.
Toàn cảnh tọa đàm
Tiếp theo, TS. Phan Thanh Hà đã lập luận, phân tích các quan điểm liên quan đến lý luận về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Cơ chế kiểm soát quyền lực nói chung và cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền hành pháp đối với cơ quan thực hiện quyền lập pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp trước hết được hiểu là một cơ chế pháp lý, xuất phát từ bản chất của quyền lực nhà nước là một phạm trù pháp lý. Điều này được thể hiện ở việc tính chất, giới hạn và cách thức kiểm soát quyền lực nhà nước luôn được xác định trong Hiến pháp và pháp luật của hầu hết quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, cơ chế này cũng mang tính chính trị, xã hội cao, thể hiện tính chất dân chủ của xã hội, có sự tham gia của đông đảo các chủ thể trong hệ thống chính trị, có tác động tích cực đến tình hình chính trị, xã hội của đất nước.
Báo cáo tiếp tục nêu ra các điều kiện đảm bảo cho cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong đó, với điều kiện chính trị, ở mô hình một đảng hoặc một đảng nổi trội cầm quyền thì sự kiểm soát của chính đảng cầm quyền đối với quyền lực nhà nước là bảo đảm chính trị quan trọng nhất. Điều này cho thấy, bên cạnh việc thiết lập các yếu tố về thể chế, luật pháp về kiểm soát quyền lực nhà nước phù hợp thì cần có sự đồng thuận trong giới lãnh đạo, ý chí, quyết tâm chính trị của đảng cầm quyền trong thực hiện tự kiểm soát. Bên cạnh đó, các điều kiện về môi trường pháp lý thể hiện ở 3 khía cạnh: (i) Mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật thực định nói chung và các quy định liên quan trực tiếp đến kiểm soát quyền lực nhà nước nói riêng; (ii) Mức độ hoàn thiện của cơ chế thực hiện pháp luật; (iii) Ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý.
Mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật thể hiện ở các quy định của Hiến pháp về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; các luật tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước nói riêng và toàn bộ máy nhà nước nói chung được tổ chức và hoạt động khoa học. Các đạo luật này đều hướng tới việc phân công rõ ràng, rành mạch về vị trí, chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
GS.TS. Võ Khánh Vinh phát biểu
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS. Võ Khánh Vinh (nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã đưa ra và phân tích các quan điểm chính, cơ bản về mặt lý luận liên quan đến cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung cũng như cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền hành pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp nói riêng trong các vấn đề: Cơ sở tư tưởng, chính trị, pháp lý, thực tiễn; phương pháp luận nghiên cứu…
Tiếp theo, tọa đàm thu nhận ý kiến của PGS.TS. Lê Minh Thông (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội). Ông cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất mà đề tài cần thực hiện là làm rõ nội hàm quyền và trách nhiệm kiểm soát của Chính phủ đối với Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao ở tầm vĩ mô. Xét về gốc gác của vấn đề thì hành pháp là quyền lực gốc bởi lẽ ở thời phong kiến đó là quyền lực cai trị của vua, sau đó mới hình thành hai nhánh quyền lực còn lại là lập pháp và tư pháp khi có sự dân chủ. Ông cũng nhìn nhận quy trình làm luật của Quốc hội hiện nay là không phù hợp khi sự tham gia của Chính phủ chỉ ở giai đoạn một là trình dự án luật. Giai đoạn tiếp theo do các cơ quan thành viên của Quốc hội thực hiện, tuy nhiên họ không phải là những cán bộ quản lý nhà nước để có thể hiểu, nắm bắt hết các vấn đề liên quan đến dự án luật.
PGS.TS. Lê Minh Thông (giữa) cùng GS.TS. Võ Khánh Vinh và TS. Phan Thanh Hà
Vì thế, để có thể kiểm soát được lập pháp thì Chính phủ phải được trao quyền chủ động trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, hoặc ít nhất phải trao cho Chính phủ quyền đưa ra ý kiến trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận lần cuối để biểu quyết thông qua dự án luật.
Tọa đàm cũng đón nhận những trao đổi của đ/c Nguyễn Quang Dũng (Ban Nội chính Trung ương) về vai trò của Bộ Tư pháp trong khâu thẩm định dự thảo luật trước khi trình Quốc hội. Theo ông, giá trị của công tác thẩm định còn hạn chế, tính bắt buộc chưa cao. Khi công tác thẩm định được thực hiện chặt chẽ thì giá trị thẩm định mới đạt kết quả cao, từ đó mới đảm bảo được chất lượng của dự án luật cần trình. Đây cũng là một hình thức hành pháp kiểm soát lại với lập pháp.
Bàn về nhánh hành pháp kiểm soát tư pháp, đ/c Nguyễn Quang Dũng cho rằng, không nên có sự kiểm soát chặt chẽ vào quyền xét xử bởi đây là quy trình tố tụng đặc biệt; mà chỉ tập trung vào kiểm soát việc quản lý hành chính nhà nước, nhân lực, cơ sở vật chất của ngành tư pháp.
Đ/c Nguyễn Quang Dũng trao đổi tại tọa đàm
Ngoài những ý kiến đã nêu ở trên, tọa đàm còn đón nhận những góp ý, trao đổi, thảo luận về các vấn đề khác liên quan đến chủ đề của tọa đàm.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cám ơn các đại biểu, nhà khoa học, các thành viên đề tài đã tham dự và nhiệt tình đưa ra các ý kiến trao đổi, thảo luận đóng góp thiết thực vào nội dung của đề tài.