•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhà nước trong bối cảnh mới”

19/09/2024
Ngày 05/09/2024, Phòng Lý luận – Luật Hiến pháp – Luật Hành chính tổ chức tọa đàm thuộc hoạt động khoa học chung của Viện có tiêu đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhà nước trong bối cảnh mới”.

TS. Phan Thanh Hà (bên phải) và ThS. Cao Việt Thăng đồng chủ trì tọa đàm

 

Chủ trì tọa đàm là ThS. Cao Việt Thăng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Lý luận – Luật Hiến pháp – Luật Hành chính và TS. Phan Thanh Hà. Tham dự tọa đàm có GS.TS. Phan Trung Lý (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), PGS.TS. Đặng Minh Tuấn (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) và đông đảo các nhà khoa học của Viện.

 

Sau khi ThS. Cao Việt Thăng giới thiệu đại biểu, TS. Phan Thanh Hà trình bày báo cáo đề dẫn của toạ đàm, trong đó nêu bật tính thời sự, tình hình nghiên cứu, yêu cầu và cách tiếp cận.

 

Tiếp đó, GS.TS. Phan Trung Lý phát biểu quan điểm về hướng tiếp cận, các nội dung về khái niệm “hiệu quả kiểm soát quyền lực” cũng như các nguyên tắc đánh giá hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước (KSQLNN) trên cơ sở bình luận về tham luận được gửi đến tọa đàm của PGS.TS. Tô Văn Hoà về khái niệm, nguyên tắc đánh giá hiệu quả KSQLNN trong Nhà nước pháp quyền.

 

GS.TS. Phan Trung Lý phát biểu quan điểm về hướng tiếp cận, các nội dung về khái niệm “hiệu quả kiểm soát quyền lực”

 

Để làm rõ hơn nội dung này, TS. Phan Thanh Hà đã trình bày một số nội dung chính trong tham luận “Khái niệm, nguyên tắc đánh giá hiệu quả KSQLNN” và bình luận thêm về vấn đề này. Theo đó, nói tới “hiệu quả” là nói tới khả năng và mức độ đạt được kết quả mong muốn đặt ra đối với một công việc, một quá trình hoặc một quy trình nào đó. Việc đánh giá hiệu quả KSQLNN có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi vì nó giúp cho các cơ quan nhà nước trả lời được câu hỏi liệu hoạt động KSQLNN có đạt được mục tiêu và mục đích đặt ra hay không, chi phí và lợi ích của hoạt động KSQLNN có được cân đối, phù hợp hay không? Qua đó để trả lời câu hỏi KSQLNN cần được hoàn thiện như thế nào để có thể được thực hiện một cách hiệu quả, đạt được mục tiêu và mục đích đặt ra.

 

Các nguyên tắc đánh giá hiệu quả KSQLNN có tính chỉ đạo, xuyên suốt, bao trùm trong quá trình này. Một số yếu tố bảo đảm cho các nguyên tắc đánh giá hiệu quả KSQLNN có thể kể đến:

  • Việc đánh giá cần căn cứ vào dữ liệu và bằng chứng cụ thể.
  • Quá trình đánh giá phải được thực hiện một cách minh bạch. Tiêu chí, phương pháp đánh giá và kết quả được công bố rõ ràng, giúp tất cả các bên liên quan có thể hiểu và đánh giá được quy trình.
  • Quá trình đánh giá cho phép sự tham gia của bên thứ ba độc lập
  • Việc đánh giá phải đưa ra nhận định về sự cân bằng giữa chi phí và lợi ích của hoạt động KSQLNN nói chung và đối với các mặt hoạt động của đối tượng được kiểm soát nói riêng.

PGS.TS. Đặng Minh Tuấn đưa ra 06 nhóm tiêu chí mang tính mở đầu để đánh giá hiệu quả của KSQLNN

 

Sau đó, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn trình bày tham luận Tiêu chí đánh giá hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền”. Tác giả đã giới thiệu một số bộ chỉ số trên thế giới và ở Việt Nam về đánh giá hiệu quả KSQLNN. Ở nước ta, tác giả nêu đến 2 bộ chỉ số: Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Với PAPI, trong 8 chỉ số nội dung thì có 3 chỉ số liên quan đến chủ đề của tọa đàm, đó là: Công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Trong mỗi tiêu chí này thì có các tiêu chí thành phần, chẳng hạn như về công khai, minh bạch thì có sự đánh giá trong tiếp cận thông tin, thu chi ngân sách cấp xã/phường, danh sách hộ nghèo, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù khi thu hồi đất…

 

Tương tự, với PCI cũng có một số tiêu chí liên quan đến KSQLNN như môi trường kinh doanh minh bạch, thông tin kinh doanh công khai, thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả hay việc thực hiện các quy định thủ tục hành chính có dễ tiếp cận không. Từ việc tham khảo những bộ tiêu chí nêu trên, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn đưa ra 06 nhóm tiêu chí mang tính mở đầu để đánh giá hiệu quả của KSQLNN:

  • Các cơ quan nhà nước, người có chức vụ, quyền hạn được tổ chức, hoạt động, thực thi chức trách nhiệm vụ trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật;
  • Khi các cơ quan nhà nước, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật, lạm dụng quyền hạn bị xử lý thế nào;
  • Quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bởi cơ quan nhà nước;
  • Vai trò của KSQLNN trong việc phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả chung của bộ máy nhà nước;   
  • Sự thừa nhận, tín nhiệm của xã hội, của người dân về vị trí, vai trò của cơ quan nhà nước, người thực hiện chức năng KSQLNN;
  • Bộ máy tổ chức, kinh phí hoạt động của cơ quan nhà nước.

ThS. Nguyễn Thanh Tùng trình bày tham luận

 

Tọa đàm tiếp tục diễn ra với phần trình bày tham luận của ThS. Nguyễn Thanh Tùng, Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Kinh nghiệm các nước cho thấy kiểm soát quyền lực sẽ không hiệu quả nếu không tính toán đến các đặc điểm về chế độ chính trị, nhận thức xã hội, nền tảng pháp lý, đặc điểm về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, quy trình kiểm soát, năng lực người thực thi kiểm soát… Các yếu tố này có tính quyết định đối với mô hình tổ chức quyền lực trên thực tế của một quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hiệu quả kiểm soát quyền lực. Trật tự nhà nước pháp quyền luôn hướng đến sự cân bằng giữa các nhánh quyền lực, kiềm chế đối trọng lẫn nhau để hướng tới bảo đảm quyền con người ngày càng tốt hơn. Do đó, trong các nỗ lực hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền, yêu cầu bảo đảm hiệu lực kiểm soát quyền lực luôn được đề cao hơn bao giờ hết.

 

Chế độ chính trị của các quốc gia hiện đại đều coi nguồn gốc của mọi quyền lực nhà nước đều xuất phát từ nhân dân. Đặc biệt với các nước theo đuổi mô hình xã hội chủ nghĩa như Việt Nam luôn khẳng định điều này trong các bản Hiến pháp của mình. Tuy nhiên, xét cho cùng thì sự khác biệt về chế độ chính trị của mỗi quốc gia lại thể hiện trong mô hình tổ chức nhà nước, sự phân bố và tổ chức các cơ quan quyền lực và mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực, về mối quan hệ của Nhà nước với công dân, các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội, giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội, giữa các dân tộc trong nước và thế giới. Chính những sự khác biệt này lý giải nguyên do có những nước rất đề cao Hiến pháp, quyền con người, có những nước lại không chú trọng cho lắm.

 

ThS. Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là để nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thì cần xúc tiến xây dựng và ban hành Luật về Đảng theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai trong Đảng, tăng cường tính hợp hiến, hợp pháp vai trò và sứ mệnh cầm quyền của Đảng; xác định rõ trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng trong việc hoạch định chính sách, pháp luật và trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật; mối quan hệ pháp lý, cơ chế về thẩm quyền và trách nhiệm giữa cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy với chính quyền; tính công khai của các chủ trương và chính sách của Đảng.

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga trao đổi về khái niệm của hiệu quả KSQLNN

 

Trao đổi về mặt khái niệm, theo TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện), phải chăng hiệu quả KSQLNN là khả năng mà hệ thống các cơ chế, thể chế, thiết chế nhằm ngăn chặn việc lạm quyền và đảm bảo quyền lực nhà nước được phân công và sử dụng đúng, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Trong đó, ngăn chặn việc lạm quyền là mục tiêu quan trọng nhất. Thuật ngữ “hiệu quả” trong KSQLNN được hiểu là ở mức khả năng chứ không thể đạt được ở mức tuyệt đối. Ngoài ra, TS. Thúy Nga bình luận về nhóm nguyên tắc về sự tham gia và phản hồi. Theo đó, cần có cơ chế hiệu quả cho việc đón nhận ý kiến phản ánh của người dân được cơ quan công quyền tiếp nhận như thế nào và sự phản hồi ngược lại từ cơ quan đến người dân có minh bạch, đúng quy trình, có tiến bộ hơn cái hiện có hay không.

 

Tọa đàm có một tham luận bàn về hiệu quả KSQLNN nhìn từ góc độ lịch sử mà cụ thể là thời nhà Nguyễn của TS. Trương Vĩnh Khang. Có thể thấy, trong giai đoạn độc lập từ 1802-1884, nhà Nguyễn đã thực hành hoạt động KSQLNN nhất quán với mục đích kiểm soát theo nguyên tắc xác lập địa vị tối cao của ngôi vua với các phương pháp: (i) Cơ chế kiểm soát quyền lực bằng tổ chức hệ thống các cơ quan ở trung ương; (ii) Kiểm soát quyền lực bằng tổ chức các cơ quan hành chính ở địa phương; (iii) Kiểm soát quyền lực bằng luật hồi tị; (iv) Kiểm soát đặc biệt.

 

Cơ chế kiểm soát quyền lực bằng tổ chức hệ thống các cơ quan trung ương là chế độ giám sát độc lập thông qua sự giám sát của một viên quan hoặc các cơ quan giám sát chuyên môn và không có ngoại lệ theo nguyên tắc "lớn nhỏ, trong ngoài cùng ràng buộc lẫn nhau". Điều này được quy định bởi sự phát triển của cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Bộ máy nhà nước được thiết lập nhằm giúp việc cho nhà vua cai trị đất nước. Việc thiết lập các cơ quan giám sát chuyên môn ở trung ương đã giúp cho nhà vua nắm được quyền lực của mình. Cùng với Lục khoa và Ngự sử đài ở trung ương, tất cả các cơ quan này tạo thành một hệ thống liên hoàn, chặt chẽ và quy củ; tồn tại trong mối quan hệ vừa cộng tác, phối hợp với nhau thực hiện nhiệm vụ, lại vừa kiềm chế, giám sát lẫn nhau tạo nên một hệ thống giám sát chéo, giám sát kép trong hoạt động thanh tra nhà nước. Các cơ quan đó chính là "tai mắt" của nhà vua, giúp nhà vua kiểm soát quyền lực của mình và giám sát toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước. Hoạt động của các cơ quan này đã góp phần làm lành mạnh hoá bộ máy chính quyền các cấp.

 

Nghiên cứu từ lịch sử về cách thức kiểm soát quyền lực nhà nước thời Nguyễn có thể rút ra một số bài học có giá trị thực tiễn hiện nay. Một trong số đó là việc xây dựng hệ thống cơ chế kiểm tra giám sát mang tính độc lập. KSQLNN được xác định là một nhu cầu, đòi hỏi cấp bách, cần thiết phải được đặt ra thường xuyên liên tục. Theo đó, kiểm soát bên trong nhà nước có thể chia làm hai nhóm: Cơ chế tự kiểm tra, giám sát của mỗi hệ thống và cơ chế kiểm tra, giám sát từ bên ngoài hệ thống. Những cơ chế này có khả năng kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bộ máy kiểm tra, giám sát không phải là bộ phận hợp thành bên trong của hệ thống quyền lực, có tính độc lập cao để bảo đảm khách quan, công tâm giám sát có chất lượng, hiệu lực và hiệu quả.

 

Toàn cảnh tọa đàm

 

Bình luận về tham luận này, TS. Phan Thanh Hà nhìn nhận việc áp dụng luật hồi tị là một cách thức hiệu quả để kiểm soát quyền lực. Ban đầu, “Hồi tị” được hiểu là quy tắc tránh việc quan lại trở về chốn xuất thân làm quan; sau này được bổ sung thêm là ngoài việc không cho phép quan lại địa phương làm quan ở quê hương, còn cấm họ làm quan ở nơi có bà con là thuộc liêu (quan cấp dưới), hoặc nơi có gia đình nhà vợ, người thân trong gia tộc. Dưới triều Nguyễn, Luật hồi tị được ban hành từ triều Minh Mạng vào năm 1831. Nhìn chung, tinh thần xuyên suốt của hồi tị là để ngăn ngừa tham nhũng, kéo bè kết cánh theo dòng tộc hay thân thuộc của quan chức địa phương giúp chính quyền trung ương tập quyền kiểm soát quyền lực.

 

Tọa đàm còn lắng nghe các tham luận của ThS. Mai Thị Minh Ngọc (Thực trạng hiệu quả cơ chế KSQLNN trong lĩnh vực lập pháp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam) và của ThS. Nguyễn Lê Dân (Quan điểm nâng cao hiệu quả KSQLNN trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam).

 

Buổi sinh hoạt khoa học cũng đã thu nhận những ý kiến trao đổi, thảo luận của TS. Nguyễn Linh Giang, TS. Phạm Thị Hương Lan, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương và các nhà khoa học khác về các vấn đề liên quan đến chủ đề của tọa đàm.

Các tin cùng chuyên mục: