Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); các đồng chí đại diện cho Ban Quản lý khoa học, Ban Tổ chức cán bộ, Ban Hợp tác quốc tế, Ban Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên; TS. Nguyễn Đình Tuấn (Viện trưởng Viện NC Gia đình và Giới) và toàn thể viên chức, người lao động Viện Nhà nước và Pháp luật.
Sau phần chào cờ, Hội nghị đã bầu Đoàn Chủ tịch điều hành cuộc họp gồm 04 đồng chí: TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật), TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật), ThS. Cao Việt Thăng (Phó Bí thư Chi bộ Viện Nhà nước và Pháp luật) và ThS. Nguyễn Thị Hưng (Chủ tịch Công đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật). TS. Hoàng Kim Khuyên là thư ký Hội nghị.
TS. Phạm Thị Thúy Nga trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2022
và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023
Tại Hội nghị, TS. Phạm Thị Thúy Nga trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. Phần trình bày tập trung vào việc chỉ ra những mặt tích cực, nổi bật trong hoạt động của Viện cũng như nêu ra một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như sau:
Về công tác quản lý điều hành, trong năm 2022, Chi bộ Viện đã họp và ra Nghị quyết, trên cơ sở đó Lãnh đạo Viện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của Viện trong bối cảnh tinh giản biên chế, các nghiên cứu viên cao cấp ngày càng giảm dần, chỉ tiêu tuyển dụng hạn chế, yêu cầu tư vấn chính sách về nhà nước và pháp luật ngày càng nhiều hơn. Các giải pháp đó là:
- Hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu đối với hai mảng nghiên cứu quan trọng là pháp luật về các vấn đề xã hội và các vấn đề về nhà nước;
- Đưa vào kế hoạch hoạt động chung của Viện chuỗi tọa đàm khoa học gắn với các chủ đề nghiên cứu về nhà nước có tính thời sự, tính mới;
- Khuyến khích, tạo động lực cho các viên chức nghiên cứu tham gia các nhóm nghiên cứu chuyên sâu;
- Khuyến khích các cá nhân đăng ký đề tài cơ sở theo chuỗi với kế hoạch sau 2-3 năm sẽ xuất bản sách.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện đã tham gia tuyển chọn và được giao thực hiện Đề tài cấp Nhà nước “Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế - nội dung trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 – 2025, mã số KX.04/21-25 của Hội đồng Lý luận Trung ương và đã triển khai 8 buổi tọa đàm khoa học đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.
Trong giai đoạn 2021 - 2022, Viện triển khai 05 đề tài cấp Bộ và 01 báo cáo thường niên. Các đề tài cấp Bộ đều đã nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm, với 01 đề tài nghiệm thu đạt loại xuất sắc và 05 đề tài đạt loại khá. Trong năm 2022, Viện chủ trì và thực hiện 23 đề tài cấp cơ sở và đã được nghiệm thu, trong đó có 03 đề tài đạt loại xuất sắc. Đáng lưu ý, trong 03 đề tài cơ sở xuất sắc có 01 đề tài thực hiện kế hoạch nghiên cứu theo chuỗi (tiếp nối năm 2021) để xuất bản sách.
Ngoài các hội thảo, tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ các đề tài, Viện tổ chức thành công 01 hội thảo quốc tế công bố kết quả nghiên cứu của dự án hợp tác với Viện KAS (CHLB Đức) với chủ đề "Pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải", 01 hội thảo cấp Viện Hàn lâm về phát triển khoa học pháp lý ở Việt Nam hiện nay và 03 hội thảo cấp Viện chuyên ngành.
Ngoài ra, hoạt động tư vấn, góp ý xây dựng văn bản pháp luật cho các bộ, ngành của Viện vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc với 62 dự thảo văn bản trong năm 2022.
Toàn cảnh Hội nghị
Việc thực hiện KPI đã được phổ biến đến toàn thể viên chức trong Viện để các cá nhân chủ động hơn trong việc thực hiện các hoạt động khoa học và thống kê, minh chứng tương đối đầy đủ. So với năm 2021, các hoạt động công bố xuất bản của Viện có nhiều khởi sắc. Số lượng các công bố xuất bản quốc tế đã được tăng lên là 10 bài trong đó có 05 bài tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS, 01 bài viết trong sách xuất bản ở nước ngoài. Viện đã tuyên truyền và khuyến khích toàn thể viên chức trong Viện chú trọng đến công tác thống kê các kết quả nghiên cứu một cách hệ thống kèm theo minh chứng đầy đủ để từ đó nâng cao điểm số KPI của toàn Viện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác năm 2022 của Viện Nhà nước và Pháp luật còn một số mặt hạn chế, yếu kém sau:
- Việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu trong một thời gian ngắn từ khâu đề xuất, xây dựng thuyết minh đến khâu hoàn thiện thuyết minh nên đã ảnh hưởng phần nào đến chất lượng thuyết minh các đề tài.
- Nguy cơ chảy máu chất xám cao, nhất là đối với các viên chức quản lý cấp phòng có trình độ tiến sĩ do các cơ sở đào tạo đưa ra những đề nghị chuyển công tác với mức lương hấp dẫn, gấp 3 lần mức lương hiện nay tại Viện. Trong khi đó, sự say mê nghiên cứu khoa học đang bị hạn chế rất nhiều do sức hút từ các hoạt động giảng dạy mang lại thu nhập cao hơn và dễ dàng hơn nhiều so với việc nghiên cứu cơ bản.
- Số lượng viên chức trình độ cao nghỉ hưu (từ 2020 – 2022) tập trung ở lĩnh vực nghiên cứu về Nhà nước, lĩnh vực quan trọng của Viện, nhưng chưa có lực lượng thay thế đủ khả năng đảm đương thực hiện nhiệm vụ.
- Hoạt động hợp tác quốc tế gặp một số khó khăn do số lượng nhân sự làm công tác đối ngoại vẫn còn bị hạn chế và không thể bổ sung thêm cán bộ mới. Việc quản lý các nguồn viện trợ theo quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP còn gặp một số khó khăn.
Đại diện các ban của Viện Hàn lâm tại Hội nghị: ThS. Nguyễn Trọng Bắc, Ban Tổ chức cán bộ (đứng);
ThS. Nguyễn Thanh Hà, Ban Hợp tác quốc tế (thứ hai từ phải sang)
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023, mục tiêu chung của Viện Nhà nước và Pháp luật là xây dựng tập thể đoàn kết, ổn định, phát triển; hoàn thành đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất do Lãnh đạo Viện Hàn lâm giao; từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; nâng cao hiệu quả làm việc, nhất là chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học; duy trì kỷ luật lao động, đạo đức và trách nhiệm công vụ.
Trong đó, về phương hướng hợp tác nghiên cứu, Viện chú trọng và ưu tiên hợp tác, phối hợp với các viện trong Viện Hàn lâm trong nghiên cứu, đào tạo theo hướng liên ngành và đa ngành; hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài trong nghiên cứu, trước hết là tổ chức hội thảo khoa học, trao đổi học thuật, thực hiện các dự án nghiên cứu.
Về phương hướng thực hiện nhiệm vụ quản lý khoa học, Viện sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện và chất lượng đề tài; có hình thức khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân có thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, đặc biệt lưu ý khen thưởng các công bố khoa học có chất lượng gắn với các đề tài do Viện là cơ quan chủ trì, gắn với vị trí việc làm của viên chức; khen thưởng cá nhân/tập thể viên chức có xuất bản sách chuyên khảo từ sản phẩm của đề tài cơ sở.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Viện, từ thực tiễn triển khai các hoạt động công tác năm 2022 và căn cứ phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023, Viện Nhà nước và Pháp luật đề xuất, kiến nghị với Lãnh đạo Viện Hàn lâm, các Ban chức năng của Viện Hàn lâm các vấn đề chính sau:
- Viện Hàn lâm sớm hoàn thiện và ban hành các quy chế, quy định (Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; Quy định phân cấp quản lý viên chức, người lao động…) để các đơn vị thống nhất áp dụng;
- Cùng với việc thực hiện tinh giản biên chế, Viện Hàn lâm cần có chính sách cụ thể hơn trong thu hút những người có năng lực nghiên cứu và say mê nghiên cứu khoa học về Viện Hàn lâm hoặc các Viện nghiên cứu làm việc;
- Tăng cường sự liên kết trong hợp tác quốc tế giữa các đơn vị của Viện Hàn lâm với nhau, tạo thành mạng lưới có tính liên ngành;
- Cần có kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ làm công tác đối ngoại, trang bị cho họ kỹ năng và kiến thức, có khả năng đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động đối ngoại;
- Tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, quản lý hành chính để giúp viên chức đã được quy hoạch hoặc người dự thi nâng ngạch có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật và quy định của Viện Hàn lâm;
- Hệ thống văn bản quản lý điều hành Viện Hàn lâm đôi khi bị trục trặc, báo lỗi. Đề nghị bộ phận quản lý khắc phục để Hệ thống hoạt động thông suốt, hiệu quả; nâng cấp dung lượng và cải thiện tính năng hoạt động của hòm thư điện tử.
TS. Nguyễn Linh Giang công bố các quyết định khen thưởng năm 2022
Sau phần trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023 của TS. Phạm Thị Thúy Nga, thay mặt Lãnh đạo Viện, TS. Nguyễn Linh Giang công bố các quyết định khen thưởng năm 2022 đối với tập thể và cá nhân.
Tiếp theo, Hội nghị đã tiến hành thảo luận nội dung dự thảo Báo cáo tổng kết. Các ý kiến thảo luận đều cho rằng, dự thảo Báo cáo đã được xây dựng rất nghiêm túc, bao quát được hầu hết các hoạt động của Viện, đánh giá đầy đủ những điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động của Viện trên tinh thần thẳng thắn, trung thực.
Bàn về giải pháp nâng cao năng lực của Viện qua việc hình thành nhóm nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề nhà nước, TS. Lê Thương Huyền cho rằng, các viên chức cần thể hiện rõ sự đam mê trong nghiên cứu và nhóm cần duy trì đều đặn các hoạt động khoa học để từ đó mỗi người sẽ là chuyên gia trong từng lĩnh vực nghiên cứu, cùng với đó chất lượng các sản phẩm khoa học được nâng lên.
ThS. Nguyễn Thanh Tùng trao đổi về thủ tục xét danh hiệu chiến sĩ thu đua
Về thủ tục xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở cần có sáng kiến, theo ThS. Nguyễn Thanh Tùng, đặc thù nghiên cứu về khoa học xã hội là mang tính lý luận, hàn lâm chứ không phải nghiên cứu mang tính ứng dụng nên để đáp ứng được tiêu chí sáng kiến có tính mới, được áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực thì khá khó khăn trong việc đánh giá. Vì thế, ThS. Nguyễn Thanh Tùng mong muốn Viện Hàn lâm nghiên cứu và sớm đưa ra hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá để các đơn vị thực hiện khi bình xét thi đua.
Một trong những khó khăn của Viện trong 03 năm gần đây là vấn đề nhân sự do 04 phó giáo sư, nghiên cứu viên cao cấp nghỉ hưu sau khi hết thời gian kéo dài trong khi Viện chưa tuyển dụng được thêm viên chức nghiên cứu trình độ cao nào để bổ sung lực lượng nghiên cứu cũng như nguy cơ chảy máu chất xám do sức hút từ các hoạt động giảng dạy mang lại thu nhập cao hơn so với nghiên cứu cơ bản. Nhìn nhận về vấn đề chất lượng nhân sự, PGS.TS. Lê Mai Thanh cho rằng, ngày nay các công cụ tìm kiếm thông tin, tư liệu dễ dàng và phong phú hơn giúp cho việc nghiên cứu thuận lợi hơn. Viên chức nghiên cứu cần phải tích cực hơn nữa trong việc tận dụng những tiện ích, lợi thế này để dần trưởng thành trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Hiện nay, phần lớn các tiến sĩ của Viện đã đủ công trình nhưng thiếu công bố trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI/SCOPUS. PGS.TS. Lê Mai Thanh gợi ý, trước khi gửi bài đăng, các nhà nghiên cứu của Viện cần chủ động tìm hiểu thông tin thông qua các kênh do một số nhà khoa học uy tín đã đăng thành công. Viện cũng nên duy trì mời các chuyên gia trong nước và quốc tế ở các lĩnh vực khác nhau đến trao đổi, thảo luận. Đây là những người có nền tảng lý luận cũng như hoạt động thực tiễn nên có nhiều kinh nghiệm. Việc kết nối với các chuyên gia hoặc các đối tác để tổ chức thường xuyên hoạt động này sẽ giúp nâng cao vị thế của Viện trong giới khoa học pháp lý.
PGS.TS. Lê Mai Thanh chia sẻ kinh nghiệm về công bố quốc tế
Phát biểu tại Hội nghị, ThS. Nguyễn Thanh Hà (Ban Hợp tác quốc tế) chúc mừng Viện đạt được một số thành công với sự nỗ lực cao cũng như cảm ơn sự hợp tác tích cực của Viện trong thời gian qua trong việc góp ý văn bản của các bộ, ngành. Ông chia sẻ với kiến nghị của Viện về việc tăng cường sự liên kết giữa các đơn vị và tạo ra mạng lưới trong Viện Hàn lâm và với các đơn vị khác; về những quy định trong Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, Ban Hợp tác quốc tế sẽ cố gắng tham mưu và giúp đỡ Viện trong hoạt động hợp tác quốc tế, tổ chức được nhiều đoàn ra, đoàn vào với Viện Hàn lâm.
Hội nghị cũng thu nhận những ý kiến, trao đổi của ThS. Nguyễn Trọng Bắc (Ban Tổ chức cán bộ), ThS. Bùi Hồng Doan (Ban Kế hoạch tài chính) về các vấn đề: xét nâng ngạch cho viên chức, văn bản hướng dẫn về sáng kiến khoa học và công tác tài chính.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo và chỉ đạo hoạt động của Viện trong thời gian tới. Lãnh đạo Viện Hàn lâm đánh giá cao và ủng hộ Viện trong việc đưa ra mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện trong năm 2023 do tập thể Lãnh đạo và viên chức của Viện đã thống nhất đề ra. Ông đề nghị Lãnh đạo Viện ngay từ đầu năm 2023 nhanh chóng triển khai thực hiện các nội dung trong báo cáo, đồng thời, quan tâm thực hiện các nhiệm vụ quan trọng sau:
- Tiếp tục thực hiện 04 nhóm giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn chính sách của Viện.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.
- Duy trì nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, nhưng chú ý gắn với ứng dụng thực tiễn phục vụ tư vấn chính sách. Triển khai thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp. Tích cực tìm kiếm các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học bằng nguồn vốn ngoài ngân sách; mở rộng hợp tác quốc tế và hợp tác với các địa phương. Phát huy vai trò của Hội đồng khoa học trong hoạt động tư vấn, tham mưu, định hướng nghiên cứu, nghiệm thu đề tài.
- Quản lý hoạt động khoa học, hoạt động hợp tác quốc tế, tài chính, tài sản của Viện theo quy định của pháp luật và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm.
- Khuyến khích, tiếp tục tăng cường công bố quốc tế. Hoàn thành đúng hạn và có chất lượng các nhiệm vụ chính trị đột suất do Viện Hàn lâm hoặc cấp trên giao. Khen thưởng viên chức có công bố quốc tế là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học được Viện giao, viên chức có xuất bản sách chuyên khảo từ kết quả nghiên cứu đề tài cấp cơ sở.
- Tiếp tục quan tâm công tác dân vận; phát huy vai trò của các thiết chế trong hệ thống chính trị của Viện.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc, trực thuộc Viện Hàn lâm trong thực hiện nhiệm vụ.
- Thường xuyên duy trì công tác kiểm tra, giám sát nội bộ về công tác tổ chức cán bộ, quản lý khoa học, quản lý tài chính, tài sản công, văn thư, lưu trữ.
Chi ủy, Lãnh đạo Viện và BCH Công đoàn Viện chụp ảnh lưu niệm với PGS.TS. Nguyễn Đức Minh
Phát biểu tổng kết Hội nghị. TS. Phạm Thị Thúy Nga thay mặt Đoàn Chủ tịch xin tiếp thu các ý kiến, góp ý, gợi mở của các đại biểu, viên chức để tổng hợp, bổ sung vào Báo cáo tổng kết và tổ chức thực hiện. Bà mong muốn toàn thể viên chức, người lao động trong Viện tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các nhiệm vụ do Viện Hàn lâm giao.