•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Giới thiệu Thông tư ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý

30/04/2020
Qua hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP) để triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đã bộc lộ một số bất cập.

Cụ thể, Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP chưa quy định một số quy tắc ứng xử cơ bản, những quy tắc được xem là cốt lõi khi tham gia trợ giúp pháp lý như quy tắc: độc lập, kịp thời trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Các quy tắc tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP điều chỉnh cả tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong khi đó, bản chất của quy tắc nghề nghiệp chỉ nhằm điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của các cá nhân trong quá trình thực hiện nghề nghiệp của mình (các lĩnh vực khác như: xét xử, y tế, giáo dục, đấu giá, lưu trữ, ngân hàng cũng chỉ điều chỉnh cá nhân); một số quy tắc có sự lẫn lộn giữa quy tắc ứng xử và quy tắc hướng dẫn nghiệp vụ, thậm chí cả kỹ năng hành nghề trong khi hiện nay hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đã có Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý điều chỉnh. Nhiều quy tắc còn quy định chung chung, chưa mang tính quy phạm hoặc chưa phù hợp với tinh thần đòi hỏi cần phải có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Bên cạnh đó, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đặt ra yêu cầu bảo đảm chất lượng trợ giúp pháp lý, do đó, đòi hỏi ngoài việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý người thực hiện trợ giúp pháp lý cần có những chuẩn mực ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ (quan hệ với người được trợ giúp pháp lý, quan hệ giữa Trợ giúp viên pháp lý với người tập sự, quan hệ với đồng nghiệp…) để bảo đảm cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng.


Thực hiện Thông báo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Công văn số 11281/VPCP-PL ngày 20/11/2018 của Văn phòng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Cục Trợ giúp pháp lý đã tham mưu giúp Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.


Ngày 28/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BTP ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Thông tư gồm 4 Điều. Quy tắc nghề nghiệp được ban hành kèm theo Thông tư gồm 8 Điều quy định các chuẩn mực ứng xử cụ thể của người thực hiện trợ giúp pháp lý.


Thông tư số 03/2020/TT-BTP quy định các quy tắc ứng xử chuẩn mực thật sự cần thiết đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý trong suốt quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, từ khi tiếp nhận đến khi kết thúc vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, khắc phục bất cập được phát hiện từ thực tiễn áp dụng, có tính khả thi; có sự kế thừa những quy định còn phù hợp của Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP, đồng thời tham khảo một số quy tắc nghề nghiệp tương đồng trong lĩnh vực khác và kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý (quy tắc của người thực hiện trợ giúp pháp lý của Scotland, Quy tắc luật sư quốc tế).


Thông tư có một số điểm mới như sau:


Về lời nói đầu: Đây là nội dung mới của bản quy tắc, việc quy định lời nói đầu trong Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý nhằm mục đích nêu bật được ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý, tôn vinh hoạt động nghề nghiệp, đồng thời để nâng cao trách nhiệm, uy tín nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, gương mẫu của người thực hiện trợ giúp pháp lý, cũng là cơ sở để người thực hiện trợ giúp pháp lý tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.


Về sự liêm chính của người thực hiện trợ giúp pháp lý: Tính liêm chính là một yêu cầu đòi hỏi đối với luật sư, người thực hiện trợ giúp pháp lý nhiều nước trên thế giới. Việc đặt ra yêu cầu về tính liêm chính sẽ góp phần bảo đảm để việc thực hiện trợ giúp pháp lý hướng tới mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, không màng vụ lợi cho người cung cấp dịch vụ.


Quy tắc Độc lập khi thực hiện trợ giúp pháp lý: Tính độc lập là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của người thực hiện trợ giúp pháp lý, mang tính xuyên suốt khi hành nghề, đặc biệt khi tham gia tố tụng. Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện vụ việc phải tự mình đánh giá các tình tiết, chứng cứ của vụ việc mà không chịu ảnh hưởng, tác động của bất cứ cá nhân nào, đồng thời không được để lợi ích của mình hoặc lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ảnh hưởng đến việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.


Quy tắc Bảo mật thông tin trong trợ giúp pháp lý: Ngoài việc kế thừa những quy định giữ bí mật thông tin về vụ việc, việc trợ giúp pháp lý tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP, Điều này bổ sung yêu cầu giữ bí mật đối với thông tin về vụ việc, việc trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý mà mình biết được không chỉ trong quá trình thực hiện vụ việc mà ngay cả khi vụ việc đã kết thúc đồng thời yêu cầu người thực hiện trợ giúp pháp lý không được sử dụng thông tin mà mình có được để gây bất lợi cho người được trợ giúp pháp lý, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội.


Quy tắc Ứng xử với đồng nghiệp: Quy tắc này xác định trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Mỗi người thực hiện trợ giúp pháp lý có ý thức bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ người thực hiên trợ giúp pháp lý sẽ góp phần tạo dựng uy tín, sự tin tưởng của người được trợ giúp pháp lý, của xã hội đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.


Ngoài ra, quy tắc này còn quy định những việc người thực hiện trợ giúp pháp lý được làm và không được làm trong mối quan hệ với đồng nghiệp của mình, quy định như vậy sẽ tạo ra tính chuẩn mực trong cách ứng xử của đội ngũ người làm nghề trợ giúp pháp lý, xây dựng một môi trường làm việc văn minh, hiệu quả.


Quy tắc Ứng xử của Trợ giúp viên pháp lý với người tập sự trợ giúp pháp lý: Đây là một quy tắc mới bởi chế định tập sự là một chế định mới theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Theo quy tắc này, Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người hướng dẫn tập sự cần có bổn phận tận tình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp giúp người tập sự tiếp thu kiến thức để họ trưởng thành trong nghề nghiệp, tự tin, vững vàng khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân.

 

(Theo http://tgpl.moj.gov.vn)