Bên cạnh tình trạng chậm ban hành, “nợ đọng” văn bản hướng dẫn, tình trạng hệ thống pháp luật còn chồng chéo dù được nhiều lần nhắc tới nhưng vẫn tái diễn. Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ, “vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể, thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật”.
Việc ban hành văn bản chồng chéo, mâu thuẫn đã tạo nên điểm “vênh” trong hệ thống pháp luật. Điều này gây khó khăn cho việc thực hiện pháp luật của đối tượng chịu sự tác động của các chính sách, cũng như gây lúng túng cho cơ quan thực thi pháp luật.
Không chỉ điểm “vênh” trong hệ thống pháp luật, mà khoảng trống pháp lý do việc chậm ban hành văn bản, “nợ đọng” văn bản hướng dẫn ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật. Đây là biểu hiện của tình trạng “luật chờ nghị định”, “nghị định chờ thông tư” đã từng được nhắc đến nhiều thời gian qua, là nguyên nhân chính làm cho một số quy định của luật chậm đi vào cuộc sống. Đồng thời, đây cũng là rào cản vô hình kìm hãm sự phát triển.
Dù không nhiều, nhưng thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật; điều đáng tiếc là việc xử lý nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật còn chậm, chưa kịp thời, dứt điểm. Tính từ ngày 22/9/2023 đến ngày 21/8/2024, qua công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã kiến nghị xử lý 138 văn bản, nhưng vẫn còn 44/138 văn bản trái luật chưa được xử lý.
Thời gian qua, việc xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Ngay từ đầu năm, ngày 13/2/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 228/TTg-PL chỉ đạo về việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Công điện nêu rõ, tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cá nhân, tổ chức liên quan. Tuy vậy, hình thức xử lý thời gian qua mới được “thực hiện dưới hình thức phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc không xét thi đua, khen thưởng cuối năm”. Hình thức xử lý vẫn còn nương nhẹ vô hình trung ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương trong ban hành văn bản hướng dẫn.
Để khắc phục những điểm nghẽn cố hữu này, cần phải kiên quyết đưa ra khỏi chương trình các dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định. Tránh tình trạng trình dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh trình cho đủ thủ tục.
Cần nhấn mạnh rằng, việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế để phục vụ cho lợi ích chung, chứ không phải vì lợi ích của riêng bộ, ngành nào. Đây là yêu cầu đặt ra cho bất kỳ cơ quan nào được giao chủ trì soạn thảo các dự án. Cùng với đó, phát huy vai trò của cơ quan thẩm định - Bộ Tư pháp, hay vai trò của cơ quan thẩm tra các dự thảo - Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Việc chủ động, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong suốt quá trình thảo luận cho ý kiến, cho đến lúc thông qua nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, cũng như tránh được tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn xảy ra. Ngoài ra, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng cố tình chây ỳ, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong tham mưu xây dựng thể chế dẫn đến tình trạng không ban hành văn bản; ban hành văn bản hướng dẫn chậm, muộn; ban hành những quy định thiếu tính khả thi, thiếu tính thống nhất vì động cơ trục lợi, hoặc để lọt văn bản có quy định trái pháp luật.
Chỉ khi chế tài xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan có liên quan đủ mạnh, đủ sức răn đe thì tình trạng chậm, “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, tình trạng ban hành văn bản có quy định trái pháp luật mới không tái diễn. Làm tốt được điều này sẽ bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)