•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Cần có luật về phát triển công nghiệp

05/07/2022
Tại Tọa đàm trực tuyến “Công nghiệp Việt Nam - Đổi mới theo hướng hiện đại” diễn ra ngày 4/7/2022 do báo Công Thương tổ chức, các chuyên gia cho rằng, cần có luật điều chỉnh để phát triển nền công nghiệp quốc gia bền vững và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Ảnh: http://thitruongvietnam.vn

 

Tăng trưởng nhanh, đóng góp lớn vào GDP

 

Nhìn lại giai đoạn 2011 - 2020, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế, đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP. Đây cũng là ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam tăng 16 bậc và được đánh giá là một trong những nước tăng hạng cao nhất trong khối ASEAN.

 

Cơ cấu các ngành công nghiệp cũng chuyển biến tích cực. Trong đó, ngành khai khoáng đóng góp vào GDP đa dạng dần so với các năm trước. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp chung: năm 2010 đóng góp 13% GDP, đến năm 2020 tăng lên 16 - 17% GDP.

 

Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển về các sản phẩm công nghệ cao, công nghệ vừa có tăng trưởng, từ đó hình thành các tập đoàn có quy mô lớn, có sự cạnh tranh toàn cầu. Tỷ trọng sản phẩm công nghiệp đã qua chế biến so với tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 26% năm 2016 lên 85% năm 2020. Các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao tăng từ 44% năm 2016 lên hơn 49% năm 2020. Bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp trong nước cũng có sự phát triển mạnh mẽ, hình thành các ngành công nghiệp cơ bản.

 

Tuy ngành công nghiệp đã có bước tiến dài, là “cỗ máy” tạo việc làm” nhưng vẫn hạn chế về chất lượng. Có 2 chỉ số quan trọng nói lên sự yếu kém của công nghiệp Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận xét. Đó là chỉ số lao động qua đào tạo còn thấp, chiếm 66% trong nền kinh tế, trong đó chỉ có ¼ lao động qua đào tạo, có bằng cấp; và 65% công nghệ sử dụng trong ngành là công nghệ thấp, dẫn đến giá trị gia tăng rất thấp. Bên cạnh đó, “liên kết các doanh nghiệp trong nước chúng ta chưa làm được, chứ chưa nói đến liên kết với doanh nghiệp FDI”.

 

Sắp trình Chính phủ dự án Luật Phát triển công nghiệp

 

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, những chính sách ban hành thời gian qua chưa đủ mạnh để hỗ trợ ngành công nghiệp phát triển. Quá trình sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP về công nghiệp hỗ trợ cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Hơn nữa, công nghiệp ngày càng khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế quốc gia nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Vì vậy, cần thiết có luật điều chỉnh để phát triển nền công nghiệp quốc gia.

 

“Việt Nam đã xác định tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ rất lâu. Trong suốt quá trình đó có rất nhiều ngành kinh tế đã có luật riêng để điều chỉnh nhưng ngành công nghiệp chưa có”, TS. Trịnh Thị Thanh Thủy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương nhận xét. Chúng ta đã có các nghị quyết, chiến lược phát triển công nghiệp, quy hoạch tổng thể quốc gia về phát triển công nghiệp, nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến hạn chế trong giá trị gia tăng, doanh nghiệp dù đã tham gia vào sân chơi toàn cầu nhưng vẫn rất “cô đơn”... là do chưa có luật.

 

“Cần ban hành luật về phát triển công nghiệp để có thể xử lý được các vấn đề nói trên. Luật này không chỉ tạo khuôn khổ pháp lý mà còn tạo điều kiện, tạo nguồn lực cho sự phát triển của doanh nghiệp và của ngành công nghiệp”, bà Thủy nhấn mạnh. Cùng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta đã có chiến lược phát triển công nghiệp nhưng nên cụ thể hóa thành khung khổ pháp luật, chính sách. Cần thiết phải có Luật Phát triển công nghiệp với các chính sách để định hướng liên kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, tạo ra liên kết vùng, các cụm, các chuỗi công nghiệp…

 

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng hồ sơ dự án Luật Phát triển công nghiệp, đang phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan để bổ sung, hoàn thiện. Dự kiến, dự án Luật Phát triển công nghiệp sẽ được trình Chính phủ trong tháng 7 này, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2023.

 

(Theo http://daibieunhandan.vn)