•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội nghị Tổng kết đánh giá công tác năm 2021 và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022

27/12/2021
Ngày 21/12/2021, Viện Nhà nước và Pháp luật đã long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022 tại Hội trường trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội và qua hình thức trực tuyến.

Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) gồm: Đại diện Ban Quản lý khoa học, Ban Tổ chức cán bộ, Ban Hợp tác quốc tế, Ban Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và đông đảo cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật 

 

Sau phần chào cờ, Hội nghị đã bầu Đoàn Chủ tịch điều hành cuộc họp gồm 04 đồng chí: PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; ThS. Cao Việt Thăng, Phó Bí thư Chi bộ Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; ThS. Nguyễn Thị Hưng, Chủ tịch Công đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật. ThS. Phạm Thị Hiền là thư ký Hội nghị.

 

Tại Hội nghị, TS. Phạm Thị Thúy Nga trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022. Phần trình bày tập trung vào việc chỉ ra những mặt tích cực, nổi bật trong hoạt động của Viện cũng như nêu ra một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như sau:

 

Về công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, Viện đã xây dựng và thực hiện Đề án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bao gồm: 07 phòng (05 phòng nghiên cứu, 02 phòng chức năng – nghiệp vụ); Trung tâm tư vấn pháp luật; Tạp chí Nhà nước và Pháp luật. Qua hoạt động sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức, số đầu mối cấp phòng đã giảm đi 04 đơn vị. Sau khi được Chủ tịch Viện Hàn lâm phê duyệt Đề án, Viện đã tổ chức thực hiện trên thực tế.

 

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, trong năm 2021, Viện đã thực hiện và nghiệm thu cấp cơ sở và trình hồ sơ nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm đối với 01 nhiệm vụ cấp Bộ đột xuất, 05 đề tài cấp Bộ, 01 báo cáo thường niên. Viện cũng đã thực hiện và nghiệm thu 13 đề tài cấp cơ sở trong tháng 11/2021, trong đó 2 đề tài đạt loại xuất sắc.

 

Ngoài các hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ các đề tài, Viện tổ chức thành công 02 hội thảo quốc tế và 03 hội thảo cấp Viện Hàn lâm, 01 hội thảo cấp Viện chuyên ngành và 01 hội thảo phối hợp tổ chức với Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Khoa học xã hội. Các hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 

Về hoạt động khoa học chung, Viện đã góp ý gần 30 dự thảo văn bản pháp luật của các bộ, ngành. Viện đã thực hiện các nhiệm vụ đột xuất do Viện Hàn lâm giao trong nhiệm vụ Kế hoạch cải cách tư pháp và trong Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” cũng như viết chuyên đề đột xuất về “Kinh nghiệm nước ngoài về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật: những bài học và kinh nghiệm có thể áp dụng ở Việt Nam”.

 

Kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng: cán bộ Viện đã công bố 11 sách chuyên khảo và bình luận khoa học (trong đó có 05 cuốn là chủ biên); 51 bài tạp chí, trong đó có 03 bài tạp chí trong danh mục ISI và Scopus; 02 bài viết trong sách xuất bản quốc tế; 81 bài kỷ yếu hội thảo trong nước; số lượng cán bộ có tham luận tại hội thảo quốc tế tăng lên.

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2021

và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác năm 2021 của Viện Nhà nước và Pháp luật còn một số mặt hạn chế, yếu kém sau:

- Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ đôi lúc còn chưa thường xuyên.

- Một số đề tài có chất lượng chưa cao, một vài cán bộ nghiên cứu chưa đảm bảo định mức nghiên cứu khoa học.

- Hoạt động công bố kết quả nghiên cứu chưa có bước tiến đột phá.

 

Trong năm 2022, mục tiêu chung của Viện Nhà nước và Pháp luật là xây dựng tập thể đoàn kết, ổn định, phát triển; hoàn thành đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ thường xuyên và đột suất do lãnh đạo Viện Hàn lâm giao; từng bước nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; nâng cao hiệu quả làm việc, nhất là chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học; duy trì kỷ luật lao động, đạo đức và trách nhiệm công vụ.

 

Trong đó, về phương hướng hợp tác nghiên cứu, Viện chú trọng và ưu tiên hợp tác, phối hợp với các Viện, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo của Viện Hàn lâm trong nghiên cứu, đào tạo theo hướng liên ngành và đa ngành. Khuyến khích cán bộ Viện tìm kiếm nguồn tài trợ trong nước, quốc tế ngoài ngân sách của Viện Hàn lâm cấp để tổ chức nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với quy định của pháp luật. Tham gia đấu thầu các đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh; đề xuất đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ; hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài trong nghiên cứu, trước hết là tổ chức hội thảo khoa học, trao đổi học thuật, thực hiện dự án nghiên cứu.

 

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Viện, từ thực tiễn triển khai các hoạt động công tác năm 2021 và căn cứ phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022, Viện Nhà nước và Pháp luật kiến nghị với Lãnh đạo Viện Hàn lâm, các Ban chức năng của Viện Hàn lâm các vấn đề chính sau:

- Đề nghị Viện Hàn lâm giao biên chế cho Viện; phê duyệt Danh mục vị trí việc làm, Bản mô tả vị trí việc làm và Khung năng lực của vị trí việc làm của Viện.

- Bổ sung nhân sự cho Viện để bổ sung các thiếu hụt do các viên chức của Viện nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

- Cấp kinh phí để tăng cường năng lực vật chất và tài sản, thiết bị cho đơn vị. 

- Đề nghị Viện Hàn lâm tiếp tục mở các khóa học nâng cao, các lớp bồi dưỡng để đáp ứng việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp và quản lý.

- Rà soát, hoàn thiện bộ chỉ số KPI: các chỉ số, tiêu chí, nguyên tắc... áp dụng định tính và định lượng để các đơn vị thống nhất triển khai thực hiện.

- Đề nghị nâng cấp dung lượng và cải thiện tính năng hoạt động của hệ điều hành điện tử và thư điện tử. Nâng cấp hệ thống văn bản điều hành để hoạt động tốt hơn khi hiện nay vẫn còn hiện tượng khó tải tài liệu, hoạt động không ổn định.

 

Sau phần trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022 của TS. Phạm Thị Thúy Nga, ThS. Cao Việt Thăng đọc các quyết định thi đua, khen thưởng do Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật đã ký.

 

Tiếp theo, Hội nghị đã tiến hành thảo luận nội dung dự thảo Báo cáo tổng kết. Các ý kiến thảo luận đều cho rằng, dựu thảo Báo cáo đã được xây dựng rất nghiêm túc, bao quát được hầu hết các hoạt động của Viện, đánh giá đầy đủ những điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động của Viện trên tinh thần thẳng thắn, trung thực.

 

TS. Hoàng Kim Khuyên trao đổi về chỉ số KPI

 

Nhìn nhận về chỉ số định mức khoa học KPI, TS. Hoàng Kim Khuyên cho rằng, khi có văn bản hướng dẫn của Viện Hàn lâm thì Viện đã kịp thời ban hành bộ chỉ số về định mức nghiên cứu riêng của Viện, tạo cơ sở pháp lý để đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu viên. Bộ chỉ số của Viện có sự mở rộng hơn so với quy định của Viện Hàn lâm, đã khuyến khích các cán bộ nghiên cứu viết bài báo, tham luận hội thảo cũng như tham gia các đề tài. Cùng với đó, lực lượng nghiên cứu viên trẻ đưa ra những đề xuất mới cũng được Hội đồng khoa học dành sự quan tâm và tạo điều kiện thực hiện nhiều hơn.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho biết, Viện đã phân định rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể, giữa Lãnh đạo Viện, lãnh đạo các phòng, các tổ chức đoàn thể và các viên chức trong Viện. Lãnh đạo Viện thực hiện vai trò định hướng, điều tiết, kiểm tra, giám sát, khuyến khích, bảo vệ và thực hiện công tác an sinh xã hội đối với viên chức. Với lãnh đạo phòng thì đề cao vai trò đứng đầu, thủ lĩnh phòng cũng như trong lĩnh vực nghiên cứu của phòng; yêu cầu Trưởng phòng giúp đỡ các cán bộ nghiên cứu, nhắc nhở thực hiện các đề tài, kiểm tra, giám sát nội bộ phòng theo quy định của Viện và Viện Hàn lâm. Với từng thiết chế, Viện cũng tạo điều kiện tối đa để Chi ủy, Chi đoàn, Công đoàn phát huy vai trò trong hoạt động của mình.

 

Về vấn đề xuất bản, ThS. Lê Thương Huyền gợi ý, một số cơ sở đào tạo sau khi tổ chức các hội thảo trực tuyến đã tiến hành xuất bản sách. Để nâng cao chất lượng các tham luận của hội thảo làm cơ sở cho việc xuất bản sách, ban tổ chức đã thực hiện thu phí phản biện bài viết. Trong năm nay, Viện đã tổ chức thành công một số hội thảo với chất lượng khoa học cao nên trong những năm tới chúng ta cần tham khảo cách làm trên cũng như chủ động liên hệ trước với các nhà xuất bản để có kế hoạch in sách từ các hội thảo này.

 

Trả lời câu hỏi của TS. Phạm Thị Thúy Nga về xu hướng quốc tế hóa tạp chí và xuất bản tạp chí điện tử, TS. Trần Văn Biên (Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, nhu cầu chuẩn hóa quốc tế cho tạp chí là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình thích hợp. Để thực hiện việc này, các nội dung đi kèm cũng phải đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nhân lực của Tạp chí còn thiếu, một số cán bộ Tạp chí kiêm nhiệm công việc khác nên cần phải có sự đầu tư nhiều hơn về cả nhân lực và tài chính.

 

Đ/c Vũ Thị Thu Hà, Thường vụ Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm, phát biểu

 

Phát biểu tạo Hội nghị, đ/c Vũ Thị Thu Hà (Thường vụ Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm) chúc mừng những kết quả đã đạt được của Viện Nhà nước và Pháp luật trong năm 2021. Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm ghi nhận những thành quả của Chi đoàn cơ sở Viện Nhà nước và Pháp luật trong hoạt động khoa học và các hoạt động đoàn thể, thiện nguyện. Trong đó, các bài tham luận hội thảo liên chi đoàn được Đoàn Thanh niên khối các cơ quan trung ương đánh giá rất cao. Từ những đóng góp trên, Chi đoàn cơ sở Viện Nhà nước và Pháp luật và đ/c Vũ Hoàng Dương (Phó Bí thư Chi đoàn) được Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm đề nghị nhận Bằng khen của Đoàn khối các cơ quan trung ương.

 

Hội nghị cũng thu nhận ý kiến của đ/c Lê Quang Chắn (Ban chấp hành Công đoàn Viện Hàn lâm). Đồng chí cho rằng, Công đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật là một trong những Công đoàn vững mạnh và đóng góp nhiều cho Công đoàn Viện Hàn lâm. Về chỉ số KPI, đ/c Lê Quang Chắn cho biết, Công đoàn Viện Hàn lâm đã gửi các ý kiến, đề xuất đến Lãnh đạo Viện Hàn lâm để xem xét, đánh giá các hoạt động khoa học chi tiết và chính xác hơn. Đồng chí cũng chúc Viện tiếp tục có được những thành tích cao hơn trong năm 2022, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học.

 

Phát biểu kết thúc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh thay mặt Đoàn Chủ tịch xin tiếp thu các ý kiến, góp ý, gợi mở của các đại biểu, viên chức để tổng hợp, bổ sung vào Báo cáo tổng kết và tổ chức thực hiện. Ông mong muốn cán bộ Viện tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ do Viện Hàn lâm giao.